Điều dưỡng Julie McFadden, y tá chăm sóc tại Los Angeles, California, Mỹ đã chia sẻ những điều hối tiếc phổ biến nhất của bệnh nhân lúc cuối đời với hy vọng có thể khuyến khích mọi người trân trọng khoảnh khắc hiện tại hơn thông qua việc chia sẻ.
Cô cho biết khi đồng hành cùng những bệnh nhân sắp chết, cô thường nghe họ bày tỏ tình cảm với người thân của mình. Một số bệnh nhân sẽ gọi tên những người thân đã khuất từ lâu, chẳng hạn như tên cha mẹ, hay thậm chí là người yêu cũ mà họ chưa gặp lại trong nhiều năm.
McFadden cho biết điều này có thể do cha mẹ là điểm tựa an toàn và thoải mái khiến bệnh nhân vô thức nhớ lại người đã nuôi nấng họ lớn khôn.
Nhiều bệnh nhân sẽ nói “Anh yêu em”, “Cảm ơn”, “Xin hãy tha thứ cho anh”… với người thân, bạn bè ở bên cạnh, ngoài những lời nói ấm áp, nhiều bệnh nhân cũng sẽ bày tỏ sự tiếc nuối về cuộc sống.
Ảnh minh họa/Nguồn: Shutterstock
McFadden đề cập rằng nhiều người than thở rằng họ đã không chăm sóc tốt cho sức khỏe của mình khi sắp chết. Những bệnh nhân trẻ tuổi sẽ đặc biệt hối hận vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, hoặc quá quan tâm đến hình dáng, ngoại hình thay vì tận hưởng đồ ăn và cuộc sống.
"Điều tôi thường xuyên nghe nhất là họ tiếc nuối vì đã không biết trân trọng thể lực của mình. Họ ước gì mình sớm hiểu được, một cơ thể khỏe mạnh là điều tuyệt vời đến thế nào", bà nói.
Bác sĩ Rajan đã chia sẻ câu chuyện về một bệnh nhân trẻ tuổi khiến anh nhận ra sự hữu hạn của cuộc sống. Người này nhập viện vì viêm tụy. Trong vòng ba giờ, cô phải vào phòng chăm sóc đặc biệt và đặt nội khí quản, thở máy. Ngày hôm sau, cô qua đời.
"Điều đó khiến tôi nghĩ, giờ bản thân đã 34 tuổi. Cuộc sống có thể trôi qua trong chớp mắt. Vì vậy, đừng xem thường nó. Đôi khi, chúng ta có xu hướng sống như thể mình bất tử", anh nói.
Một bác sĩ chăm sóc cuối đời khác, Mina Chang cho biết, mặc dù một số bệnh nhân có thể bình tĩnh nói “không hối tiếc” trước khi chết nhưng nhiều người thực sự hối hận vì đã không kịp thời bày tỏ lời xin lỗi, yêu thương hay hàn gắn những rạn nứt với người thân, bạn bè.
Giáo sĩ J.S. Park, tại Bệnh viện Đa khoa Tampa, bang Florida cho rằng: “Khi cận kề cái chết, bị thương, ốm, con người dễ tổn thương và bắt đầu cởi mở về những điều giấu kín từ lâu. 98% sẽ nói cho tôi biết mẫu người mà họ ước mình trở thành, những gì họ ước đã làm”.
Nghe được lời cuối cùng của bệnh nhân cũng có thể mang lại những bài học quý giá cho người đang sống. Trong khi nhiều người không có đủ nguồn lực để theo đuổi cuộc sống mà họ mong muốn, ông Park cho biết nhiều người khác có khả năng nhưng cuối cùng lại chọn không làm vậy, hoặc chỉ đơn giản là trì hoãn.
“Cái chết, dù là 30 năm nữa hay ngày mai, sau cùng vẫn sẽ tới”, ông Park nói.
Nếu có thể lựa chọn, có đủ nguồn lực, bạn hãy làm ngay hôm nay để khi nằm trên giường bệnh, bạn có thể nhìn lại và nói: “Mọi chuyện không hoàn hào nhưng tôi đã cố gắng hết sức”.
Đó có thể là dành nhiều thời gian hơn với con cái, theo đuổi một sở thích, kế hoạch hay đơn giản là đặt điện thoại xuống và tận hưởng một khoảnh khắc.
McFadden nói: “Dù là lời chia tay ấm áp hay cảm giác tiếc nuối sâu sắc, những lời cuối cùng của người sắp chết thường là sự tóm tắt về cuộc đời của họ. Bởi vậy, khi còn sống, chúng ta nên biết ơn những người thân yêu của mình một cách kịp thời và trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống”.
T. Linh