Người tài cần gì?

Người tài cần gì?
2 giờ trướcBài gốc
Nghị định 179 của Chính phủ về thu hút nhân tài vừa có hiệu lực từ 1/1/2025 được kỳ vọng sẽ tạo ra một luồng gió mới trong bộ máy Nhà nước. Với sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu, những nhà quản trị xuất sắc, bộ máy sẽ được vận hành hiệu quả hơn, và thúc đẩy tính cạnh tranh trong đội ngũ công chức, viên chức.
Ảnh minh họa: Meta AI
Kỳ vọng là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn không khỏi tỏ ý băn khoăn rằng chính sách đãi ngộ của Nhà nước liệu có thể thu hút nhân tài?
Mấy hôm nay, khi nhắc đến Nghị định 179 về thu hút nhân tài, tôi nghe rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chính sách này. Phần lớn bày tỏ sự nghi ngờ, rằng chính sách đãi ngộ của nhà nước, dù vượt trội, nhưng liệu có đủ hấp dẫn đối với những người tài thực sự?
Sự hồ nghi ấy, không phải là không có lý do. Bởi mức đãi ngộ 60 triệu/tháng có thể là khá cao so với mặt bằng lương công chức, viên chức hiện nay, nhưng một người thực tài, có chuyên môn giỏi, thì không khó để có mức lương cao hơn ở khu vực tư nhân, hoặc ở nước ngoài.
Chúng ta đều biết rằng, thu nhập, cụ thể là tiền lương và phụ cấp là sự đãi ngộ cụ thể, và dễ định lượng nhất. Nhưng, nhu cầu của người tài không chỉ là con số trong bảng lương, bởi nếu chỉ như thế, chúng ta làm sao có thể lý giải được việc hàng trăm nhân sĩ, trí thức năm xưa theo lời kêu gọi của Bác Hồ để từ bỏ cuộc sống đủ đầy ở nước ngoài mà trở về giúp nước?
Nhân tài không chỉ cần sự đãi ngộ bằng lương bổng. Họ cần một môi trường làm việc tốt, nghĩa là có cơ hội phát triển nghề nghiệp, có nguồn lực để phát huy tài năng, cần sự ghi nhận của cộng đồng, đồng nghiệp, lãnh đạo, và công chúng, cần thấy sự hữu ích của bản thân. Vì thế, nếu nhìn nhận chính sách thu hút nhân tài chỉ bằng bảng lương, chúng ta đã đánh giá sai về người tài, và động lực của họ.
Không phải đến bây giờ, đến khi Nghị định 179 có hiệu lực thì câu chuyện thu hút nhân tài mới được cụ thể hóa. Nhà nước đã có không ít lần áp dụng những chính sách thu hút người tài vào khu vực công ở quy mô khác nhau. Có những địa phương, người tài không chỉ được đãi ngộ bằng lương bổng, bằng chế độ tuyển dụng đặc biệt, mà còn được cấp nhà để ở, nghĩa là sự đãi ngộ về vật chất không hề ít.
Ảnh minh họa: Meta AI
Dù vậy, dấu ấn của những chính sách ấy không thực sự rõ ràng, không ít người quen của tôi đã từng được tuyển dụng bởi chính sách thu hút nhân tài, nhưng rồi họ không thể hiện được nhiều trong bộ máy để rồi dần mờ nhạt và chìm khuất, mà không phải vì họ thiếu tài năng.
Nói một cách công bằng, đầu vào thi tuyển công chức của chúng ta không hề thấp so với mặt bằng xã hội. Những công chức được tuyển dụng, dù không phải bởi chính sách thu hút nhân tài, thì với các tiêu chuẩn tuyển dụng hiện hành, họ cũng là tầng lớp tinh hoa của xã hội.
Có những đồng nghiệp của tôi vốn có xuất phát điểm rất tốt, nhưng sau nhiều năm, năng lực chuyên môn của họ không có sự phát triển, thậm chí cùn mòn dần, dù lương bổng, chức tước tăng dần theo thời gian. Điều đó cho thấy phương thức đánh giá năng lực, hiệu quả công việc có vấn đề, khiến cho việc đầu tư rèn giũa năng lực chuyên môn của đội ngũ công chức, viên chức trở thành thứ yếu.
Người tài, tôi cho rằng vốn dĩ không thiếu. Điều còn thiếu ở bộ máy nhà nước là cơ chế đánh thức tiềm năng của đội ngũ. Khi họ không bị cào bằng về năng lực chuyên môn, không bị đánh đồng hoạt động chuyên môn với hành chính, khi được ghi nhận, tưởng thưởng xứng đáng với lao động của mình... tài năng của họ mới có cơ hội được đánh thức, và nuôi dưỡng.
Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy mà Đảng và Nhà nước đang nỗ lực thực hiện, về bản chất là một quá trình thanh lọc nhằm tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những người tài năng thể hiện trong bộ máy. Nghị định 179 về thu hút nhân tài chỉ là một phần trong quá trình ấy, để có thêm xúc tác cho quá trình này.
Và tôi tin rằng, những chính sách đãi ngộ vật chất, dù không quá hấp dẫn, sẽ vẫn khiến việc thu hút người tài vào khu vực Nhà nước thành công, khi mà bên cạnh những đãi ngộ ấy, những con người tài năng và có mong muốn dùng tài năng của mình để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân nhìn nhận được sự chuyển mình của thể chế, thấy được thời cơ để thể hiện bản thân, họ sẽ đến, và trở thành một phần của bộ máy của dân, do dân, vì dân.
Phạm Trung Tuyến/VOV-Giao thông
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-tai-can-gi-post1147288.vov