Người tâm huyết với gốm Nam Bộ xưa

Người tâm huyết với gốm Nam Bộ xưa
5 giờ trướcBài gốc
Sưu tập, tìm hiểu đồ xưa là thú chơi kén người. Anh Trịnh Văn Thu (huyện Thoại Sơn) là một trong những người như thế. Anh sưu tập đồ cổ, đồ xưa, từ tem thư, gốm Óc Eo, tiền xưa, cho đến gốm sứ các loại. Riêng gốm Nam bộ, anh Thu đi sâu nghiên cứu, sưu tập về gốm Lái Thiêu - Bình Dương, đặc biệt là “thố mini”. Số lượng hiện nay vừa đủ trưng bày 1 chiếc tủ nhỏ xinh xắn và ấn tượng tại nhà.
Gốm Nam Bộ ra đời, thịnh hành vào khoảng giữa thế kỷ XIX, để lại dấu ấn văn hóa đậm nét với vẻ đẹp thân thuộc giản dị, gần gũi với đời sống. Người Nam Bộ đơn thuần, chân chất thế nào thì sản phẩm họ làm ra cũng giống y như vậy. Tuy chỉ là món đồ làm bằng đất nung qua lửa, song lại có giá trị lớn trong đời sống vật chất, tinh thần ở mọi hình thái sinh hoạt của mọi người. Đến nay, những sản phẩm từ gốm vẫn còn tồn tại, có thể sử dụng hoặc trưng bày, trở thành lĩnh vực chơi độc đáo của người yêu thích sưu tầm đồ xưa.
Bộ sưu tập gốm thố mini của anh Trịnh Văn Thu
Từ năm 2018, anh Thu bắt đầu sưu tập gốm thố mini - loại gốm có lịch sử 80 năm, ở Lái Thiêu. Theo anh Thu, chúng quý giá không về giá trị, mà vì hiện nay đã không còn. Vài năm gần đây, trào lưu ưa chuộng sử dụng đồ xưa thịnh hành trở lại. Các loại chén, dĩa, thố, bình hoa… theo phong cách giản dị của mấy chục năm trước được sản xuất đại trà, đáp ứng nhu cầu khách hàng với đủ kích cỡ. Dù vậy, chúng không thể nào so bằng vật dụng in hằn dấu vết thời gian còn lưu giữ hiếm hoi trong nhà dân.
Với những cái thố nhỏ nhắn bằng bàn tay, có công dụng đựng gia vị, khép nép ở một góc bếp đơn sơ, nay trở thành kỷ vật mà ai cũng nâng niu giữ gìn. Theo thời gian, chúng trở thành vật chứng cho những di sản văn hóa gắn với vùng đất và con người Nam Bộ, lưu giữ bao nét đẹp đời sống theo dòng chảy lịch sử với nhiều biến chuyển thịnh suy… Chúng chứa đựng thời thơ ấu của rất nhiều người, có cái còn nguyên vẹn, có cái đã sứt mẻ phải gắn lại bằng đường keo, màu mực phai mờ theo năm tháng…
Là giáo viên mỹ thuật, anh Thu nhìn những hiện vật này theo cảm nhận đặc biệt. Hoa văn trên từng món đồ không phải là “khuôn vàng thước ngọc” như các loại gốm Trung Quốc, Giang Tây, gốm Nhật…, mà chỉ là đường nét giản dị, ai cũng có thể vẽ được. Chính ở nét vẽ thủ công đơn sơ về bông hoa, con gà, con cá, chuồn chuồn, lũy tre… không mẫu nào giống mẫu nào, vô tình tạo nên lối đặc thù riêng của gốm. Mỗi sản phẩm không hoa mỹ cầu kỳ, gắn liền với đời sống thường nhật, nhưng cho thấy từ xưa, nơi góc bếp cũng được chú trọng về mỹ thuật, màu sắc, hình ảnh.
Bộ sưu tập gần 100 cái thố mini của anh Thu tuy giá trị không lớn so các bộ sưu tập đồ xưa tầm cỡ, nhưng xét trong cùng thể loại thì đây là bộ hiếm có trên cả nước. Chiếc thố giá trị thấp nhất chỉ vài trăm ngàn đồng, cao nhất khoảng 1 - 2 triệu đồng. Với giá thành này, người sống dựa vào nghề giao lưu, trao đổi đồ xưa sẽ không mặn mà. Còn với anh Thu, hàng trăm chiếc là hàng trăm linh hồn khác nhau thể hiện qua họa tiết, sự độc đáo mà không phải ai cũng được sở hữu. Ngay cả vết tích của từng loại gia vị in hằn lên lớp sứ để lại màu hoa văn riêng biệt cũng là điểm khiến người sưu tầm rất thích.
Mấy năm trước, người chơi đồ cổ muốn sưu tập một món hiện vật, phải tìm kiếm rất nhiều trên Internet, lặn lội đi khắp nơi. Anh Thu kết nối những người cùng đam mê, thành lập sân chơi sinh hoạt định kỳ ở thị trấn Núi Sập và các huyện lân cận. Thay vì phải di chuyển kỳ công như trước để được “thấy tận mắt, sờ tận tay” hiện vật, sân chơi này giúp mọi người thuận tiện trao đổi, giao lưu, ai cũng có cơ hội tìm món đồ theo sở thích riêng của mình.
Có thời gian, phong trào chơi đồ xưa “nở rộ” khắp nơi, giờ phần nào chững lại. Một số người chơi đồ cổ thiên về kinh tế tập trung tại TP. Long Xuyên, chủ yếu trao đổi gốm Nhật, Trung Quốc. Vì vậy, các dòng đồ xưa trong nước, nhất là gốm Nam bộ đang bị gác lại, quay lưng... Mong muốn của anh Thu là khơi dậy phong trào này từ việc tập hợp những người tâm huyết, không đặt nặng giá trị của hiện vật, mà góp phần gìn giữ nét văn hóa xưa của người Nam Bộ nói riêng, cái đẹp trong lối chơi của người sưu tập đồ xưa nói chung.
HOÀI ANH
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/nguoi-tam-huyet-voi-gom-nam-bo-xua-a420722.html