Người Thái Bình giờ không thích được gọi là 'quê lúa'

Người Thái Bình giờ không thích được gọi là 'quê lúa'
3 giờ trướcBài gốc
Thái Bình, trong suy nghĩ “đóng đinh” của đa số người dân Việt Nam, vẫn luôn là “quê lúa”. Đến bây giờ người ta vẫn dùng từ “quê lúa” thay cho địa danh tỉnh khi nói về Thái Bình.
Cũng đúng thôi, bởi Thái Bình từng là địa phương nông nghiệp đầu tiên trên toàn quốc đạt sản lượng 5 tấn/ha vào năm 1965. Cũng từ đó, Thái Bình có biệt danh là quê hương của “chị Hai năm tấn”. Thành tích này đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.
Trong giai đoạn 1965 – 1968, Thái Bình đã nộp hợp 337.000 tấn lương thực cho Nhà nước, bằng số lương thực sản xuất trong một năm của tỉnh vào những năm 1950. Năng suất lúa vẫn không ngừng tăng lên, đạt 7 tấn vào năm 1974, 10 tấn vào năm 1990.
“Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình” được nhạc sỹ Hoàng Vân đưa vào ca khúc Hai chị em. Địa danh quê lúa, phong trào cày cấy, sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình ngày càng được khắc họa đậm nét trong thi ca, nhạc họa. Chẳng thế mà bài hát Nắng ấm quê hương đã trở thành một trong những bài tỉnh ca hay nhất, cho đến tận bây giờ vẫn được yêu thích khắp trong và ngoài nước.
Ở Thái Bình bây giờ, những cánh đồng xanh ngút ngàn đã nhường chỗ cho các khu đô thị, khu dân cư sầm uất. (Ảnh: Nguyễn Trọng Cung)
Tuy nhiên, Thái Bình giờ đã thay đổi hoàn toàn. Tôi là người con Thái Bình làm ăn xa, thường xuyên về quê mà thấy quê mình thay đổi chóng mặt. Không ai còn nhận ra một Thái Bình cách đây hơn chục năm nữa.
Những cánh đồng xanh ngút tầm mắt giờ đã nhường chỗ cho nhà máy, khu công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị. Nông thôn Thái Bình đã thay đổi hoàn toàn. Đường nhựa, đường bê tông, đèn cao áp thắp đến từng ngõ xóm. Xóm làng trù phú, khang trang, quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp không khác gì phố xá.
Phong trào hiến đất làm đường rầm rộ khiến Thái Bình trở thành địa phương đi đầu cả nước trong phong trào vận động người dân hiến đất làm đường. Các khu dân cư kiểu mẫu mà thực chất là đô thị mọc lên ở những nơi mà trước đây từng là cánh đồng lúa trĩu bông. Nói không ngoa, tôi đi nhiều và thấy rằng chưa địa phương nào có được hệ thống giao thông nông thôn hiện đại, tiện lợi như ở Thái Bình.
Cách đây chừng ba chục năm, đã có phong trào người nông thôn ồ ạt vào Nam xin việc tại các khu công nghiệp lớn. Nhưng giờ, ở ngay tại Thái Bình cũng không có đủ nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động. Xã tôi từng sống là xã thuần nông, vậy mà bây giờ mọc lên vài nhà máy gia công may mặc. Các nhà máy trong xã cạnh tranh khốc liệt để thu hút người lao động bằng cách tăng thu nhập.
Hai mươi năm trước, tôi trò chuyện với Chủ tịch tỉnh khi mà người dân Thái Bình đang ồ ạt ra đi kiếm việc làm. Ông nói rằng mơ ước của ông là làm sao để người Thái Bình “ly nông bất ly hương”. Đến giờ thì mơ ước đó trở thành hiện thực. Người Thái Bình gần như “ly nông”, nhưng không cần phải “ly hương” nữa.
Ở khía cạnh nông nghiệp, người nông dân giờ chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao hoặc chuyên canh trên những cánh đồng mẫu lớn với toàn bộ các khâu canh tác, sản xuất bằng máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin.
Đến giờ, như thông tin chính thức trên báo chí, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hoàn toàn. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 19,7%, trong khi công nghiệp và xây dựng chiếm 44,3%, dịch vụ chiếm 30,41%... Như vậy đủ thấy nông nghiệp theo cách như người ta vẫn gọi là “quê lúa” đã thật sự trở thành quá khứ.
Người Thái Bình, nói như một cán bộ từng là Bí thư Tỉnh ủy, đã thấy tự tin hơn rất nhiều, đã thay đổi hoàn toàn, không còn là những người tư duy “quê lúa” chân lấm, tay bùn cày sâu cuốc bẫm một nắng hai sương trên cánh đồng. Thay vào đó là những con người nhạy bén với kinh tế thị trường, mang tư duy thực tế, làm giàu trên chính quê hương mình.
Chắc hẳn chúng ta hẳn cũng không xa lạ với những vị doanh nhân giàu nhất Việt Nam đang nắm những doanh nghiệp nổi tiếng quê ở Thái Bình: doanh nhân Vũ Quang Hội – Bitexco, doanh nhân Vũ Văn Tiền, doanh nhân Trần Văn Sen…
Vì thế mà khi tiếp xúc với người Thái Bình, những ai tinh ý sẽ nhận ra họ không thích được gọi là “quê lúa” nữa. Đặc biệt với những người muốn bắt tay làm ăn với người Thái Bình thì càng nên tránh cụm từ này.
Hải Hà
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nguoi-thai-binh-gio-khong-thich-duoc-goi-la-que-lua-ar924365.html