Anh Trần Vũ Bình.
Nhà tình báo Tư Cang: Làm ra tư chất Trần Vũ Bình khó lắm!
Mỗi lần nói về anh Trần Vũ Bình, ông Huỳnh Văn Cang, hay còn gọi là Tư Cang, nguyên Thư ký của cố Bí thư Khu ủy Sài Gòn Võ Văn Kiệt không tiếc lời khen ngợi. Với ông Tư Cang, anh Trần Vũ Bình xứng đáng là người để bầu chọn trong 50 người tiêu biểu có đóng góp thiết thực đối với TPHCM trong 50 năm qua, từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chia sẻ với chúng tôi một cách gần gũi, ông Tư Cang trải lòng: “Tôi đi kháng chiến nhiều đợt, được huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, nhưng mà so với Bình tôi thấy tôi vẫn non lắm. Việc tạo dựng Bảo tàng Biệt động từ nhân dân chứ không phải chỉ xin Nhà nước là một việc rất lớn. Nếu quên lãng quá khứ thì mình không ra gì cả. Quá khứ đã chỉ cho Bình rất nhiều chuyện và Bình tiếp thu một cách tự nguyện. Bình hy sinh không biết bao nhiêu! Cái gì làm nên phẩm chất một con người như Trần Vũ Bình khiến tôi đến giờ cũng chưa suy nghĩ được hết! Làm ra tư chất Trần Vũ Bình khó lắm!”.
Cứ thế, ông Tư Cang kể hết chuyện này đến chuyện khác về tuổi thanh xuân khó nhọc của anh Trần Vũ Bình trong việc phát hiện, tìm kiếm, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của Biệt động Sài Gòn. “Từ tay không, xây dựng được bao nhiêu điểm di tích, điểm nào người ta cũng tận tụy, đến người nấu ăn cũng tận tụy vì thương Bình! Chẳng những Bình có “tình” mà có “trí” và có “chí” nữa!” - ông Tư Cang phân tích.
Anh Trần Vũ Bình trong lời kể của ông Tư Cang chính là con trai của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, người lính Biệt động Sài Gòn đào hầm chứa vũ khí đánh vào Dinh Độc Lập năm 1968. Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, nước da nâu, anh Bình luôn nở nụ cười hòa nhã với mọi người.
Anh Bình cho biết, lý do anh đeo đuổi “Biệt động Sài Gòn” từ khi lên 10 tới nay đã 50 mùa xuân không phải mục tiêu làm Di tích, làm Bảo tàng hay làm cái gì to tát, mà đơn giản chỉ trả lời cho câu hỏi, ba anh là ai, ba anh làm cái gì, thế hệ của ba anh đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước như thế nào?
Giọng của anh Bình trầm buồn khi kể về tuổi thơ không cha, sống trong cảnh cơ hàn với người mẹ tảo tần trong vai “vợ hờ” hay “vợ bé”, bởi ba anh chính là người chiến sĩ biệt động Sài Gòn có hoàn cảnh hoạt động rất đặc biệt. Vì không đăng ký kết hôn nên mẹ anh phải nhờ hàng xóm giúp đỡ đi đẻ giấu. Cả 5 anh em Trần Vũ Bình đều không có giấy khai sinh, không dám công khai danh phận, phải chịu đựng nhiều tủi nhục. Anh Bình cho hay, sau ngày giải phóng, anh mới biết mình có ba.
Ba anh là người đặc biệt, ngồi trên xe của đoàn quân giải phóng tiến về nội đô thành phố Sài Gòn trong ngày đất nước thống nhất. Bất ngờ hơn, anh nhận ra, ba anh chính là người các anh luôn gọi bằng bác, trước kia lâu lâu lại tới chơi nhà. Ngạc nhiên nhất, người ta gọi ba anh là “Biệt động Sài Gòn”. Kể từ đó, anh Bình quyết tâm tìm hiểu, vén màn bí mật ba anh là ai, ba anh làm gì mà khiến người ta phải truy nã với số tiền 1 triệu đồng (thời điểm trước năm 1975).
Cứ như thế, 50 mùa xuân qua đi, anh Trần Vũ Bình đã giải mã được các bí mật của gia đình, của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Anh lập nên những di tích, làm thành những bảo tàng và tập hợp những người biệt động Sài Gòn năm xưa sinh hoạt trong một câu lạc bộ. “Nói thì nhiều người nói được nhưng mà hành động như Bình thì kiếm không ra. Bình được cái gì khi xây dựng bảo tàng chứ? Bình dám làm, lăn lộn ngày đêm quên ăn. Có khi tôi phải nhắc rằng quên ăn kiệt sức thì sao. Có một người như vậy đáng quý lắm chứ!” – ông Tư Cang xúc động nói bằng giọng tự hào, gần gũi.
Chứng kiến anh Trần Vũ Bình “lao tâm khổ tứ” ròng rã năm này qua năm khác miệt mài với việc tìm mọi cách để sưu tập, bảo tồn những di tích biệt động, bà Vũ Minh Nghĩa, còn gọi là Chính Nghĩa, cựu nữ biệt động Sài Gòn rất cảm động. “Tôi là người đầu tiên hay tin Bình sẽ làm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, tôi thấy rất mừng. Tôi nói với Bình, đó là ý tưởng của con, nhưng đó cũng là nguyện vọng của các cô, các chú trong lực lượng biệt động, trong đó có cô” – bà Chính Nghĩa chia sẻ.
Từ nhiều năm qua, anh Bình thường xuyên hỏi ý kiến của bà Chính Nghĩa về các hiện vật, kỷ vật anh tìm được. Bà Chính Nghĩa là đồng đội trực tiếp dưới sự chỉ huy của ba anh, cũng là người chứng kiến từng sự trưởng thành, phát triển của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định ngày nay. “Đó là sự hy sinh cao cả, tâm huyết của Trần Vũ Bình. Bình hy sinh cái riêng tư của cá nhân mình để bảo vệ nền tảng, di tích lịch sử của cách mạng, trong đó có lực lượng biệt động” - bà Chính Nghĩa vừa nói vừa rưng rưng. Bà kể, nhiều khi anh Bình gọi chia sẻ những khó khăn về thủ tục, những mệt mỏi trong quá trình tìm kiếm và lưu giữ các di tích của Biệt động Sài Gòn, có những khi đuối sức nhưng không thể dừng lại. “Chúng tôi chỉ có lời khuyên, còn người hành động chính là Bình”- bà Chính Nghĩa tâm sự.
Người nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa bùi ngùi xúc động: “Việc làm của Trần Vũ Bình là đáng giá, không phải riêng cho thành phố đâu, không phải riêng cho lực lượng biệt động đâu mà đáng giá trên cả nước. Giá trị của việc gìn giữ Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định sẽ còn mãi mãi”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu (khi đó đang là Bí thư Quận ủy Quận 1) đến tham quan Tour du lịch Biệt động Sài Gòn tại 2 điểm di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi 113A Đặng Dung, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định 145 Trần Quang Khải và thăm hỏi gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai ngày 30/10/2022.
Cống hiến lặng thầm
Có mặt tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trên đường Trần Quang Khải, Quận 1, TPHCM, ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang - Biệt động Sài Gòn - Gia Định giới thiệu từng hiện vật, kể từng câu chuyện liên quan tới chiến công của Biệt động Sài Gòn. Ông Độ cho biết, khi xưa tất cả những chiến công đều rất thầm lặng, ít ai biết tới, thậm chí rất ít người hiểu. Từ khi chuỗi di tích do anh Trần Vũ Bình dày công tạo dựng trong suốt mấy thập niên qua, những chiến công anh dũng của Biệt động Sài Gòn thêm vang xa trên toàn thế giới. Từ những năm 1980, di tích đầu tiên mang tên “hầm vũ khí bí mật” của Biệt động thành tại đường Võ Văn Tần, Quận 3, TPHCM đã được công nhận là di tích lịch sử, sau này được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Cũng kể từ đó, cả thế giới biết đến Biệt động Sài Gòn với lối đánh xuất quỷ nhập thần.
Theo ông Nguyễn Quốc Độ, nếu không có sự đóng góp về tiền của và công sức của gia đình ông Trần Văn Lai, đặc biệt là anh Trần Vũ Bình, thì sẽ không có Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. “Tôi khẳng định như thế, bởi chúng tôi dù quyết tâm đến mấy, mong muốn đến mấy mà không có cơ sở vật chất, không đủ tâm huyết và sự cống hiến không mệt mỏi như anh Trần Vũ Bình thì không thể làm gì được” - ông Độ chia sẻ. Trong thời gian qua, Bảo tàng Biệt động không chỉ có một cái, mà đã tạo thành chuỗi, gồm các cơ sở: 113A Đặng Dung, Quận 1; số 145 Trần Quang Khải, Quận 1; số 287/72 Võ Văn Tần, Quận 3; đường Tắc Xuất, Cần Giờ, TPHCM…
Gia đình anh Bình đã phải tìm mọi cách để chuộc lại những di tích trước đây của Biệt động Sài Gòn. Bởi vì khi ông Trần Văn Lai bị truy nã, chính quyền chế độ cũ đã tịch thu toàn bộ gia sản nhà ông và bán cho người khác. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, với những biến động về chỉnh trang đô thị tại TPHCM, đặc biệt là vấn đề nhà đất, thì việc mua lại những tài sản này vô cùng khó khăn với giá trị vật chất không phải là con số nhỏ. “Nếu như là người không tâm huyết với lịch sử, người ta có thể dùng số tiền này để sống sung sướng, nhàn nhã, nhưng gia đình anh Bình đã phải tập trung đầu tư bằng số tiền lớn vào phục dựng di tích cho lực lượng Biệt động Sài Gòn” - ông Độ nói.
Cũng theo ông Độ, chuỗi di tích, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định nằm trong kế hoạch phát triển của Bộ Tư lệnh TPHCM, trong đó, điểm đầu là địa đạo Củ Chi, điểm giữa là trung tâm TPHCM với một loạt di tích của Biệt động Sài Gòn và điểm cuối là căn cứ rừng Sác, Cần Giờ.
“Chúng tôi nghĩ còn sống được ngày nào, với trách nhiệm của Câu lạc bộ, chúng tôi sẽ cùng với gia đình anh Trần Vũ Bình làm cho bảo tàng tiếp tục sống động, trở thành giáo cụ trực quan để cho thế hệ trẻ dễ hình dung, dễ hiểu và dễ tiếp cận với lịch sử hơn nữa”- ông Độ bày tỏ.
Sau khi hoàn thành được hơn 20 di tích lịch sử, tạo được rất nhiều tour du lịch, tạo nhiều buổi giao lưu, tham quan ngoại khóa cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, anh Trần Vũ Bình đã bàn giao 10 di tích Biệt động Sài Gòn về cho Nhà nước quản lý. Việc Bảo tàng Biệt động đi vào hoạt động đối với anh là một niềm vui vô cùng to lớn, nó đã hiện thực hóa giấc mơ của anh, của những người con biệt động thành và những chiến sĩ biệt động còn may mắn sống sót. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn Gia Định đã khởi động cho một trang mới, một tư duy mới, một cách thức mới đưa những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đi vào cuộc sống đời thường như một giáo cụ trực quan sinh động cho những người tham quan.
Ban Chấp hành Liên Đội cùng các học sinh tiêu biểu Khối 4,5 Trường Tiểu học Đuốc Sống, Quận 1 đến tham quan, tìm hiểu Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tại số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TPHCM.
“Tại sao mình chỉ làm di tích mà không làm bảo tàng? Trong khi tất cả các di tích, hiện vật, tư liệu, con người mình tìm kiếm được, bản thân đã mang giá trị cốt lõi của bảo tàng rồi. Nó là bảo tàng của lực lượng Biệt động Sài Gòn” - Trần Vũ Bình tâm sự - “Mình làm bảo tàng giúp các cô chú biệt động Sài Gòn còn sống có nơi để hiến tặng hiện vật, không phải đem đi cho ở những chỗ thiếu điều kiện gìn giữ, mất đi sẽ rất đáng tiếc”.
Có tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn mới thấy được sự kỳ công, tâm sức và nỗ lực của anh Trần Vũ Bình. Bảo tàng được bố trí chuyên nghiệp, hiện vật độc đáo, thậm chí người tham quan ngồi một chỗ còn được khám phá từng di tích qua kính thực tế ảo VR, xem phim tư liệu quý, cảm nhận được sự khó khăn của việc vận chuyển và giấu vũ khí, thuốc nổ, đạn dược, nơi ém quân của Biệt động thành trong trung tâm sào huyệt của Mỹ giữa lòng Sài Gòn… Chỉ cần chạm tay vào màn hình, khách tham quan sẽ biết được những năm tháng gian lao mà anh dũng của “Biệt động Sài Gòn” thông qua tư liệu số. Thậm chí, khách tham quan còn được chìm đắm trong không gian cà phê cổ, thưởng thức món ăn lịch sử Cơm tấm Đại Hàn ngay giữa căn hầm nổi bí mật, nơi mà mỗi phút giây đều mong manh giữa lằn ranh sống chết của lực lượng biệt động năm xưa…
Anh Trần Vũ Bình chia sẻ, 50 năm qua, anh một mình lặng lẽ, ban ngày anh đi học rồi đi làm ở công sở, ban đêm về cặm cụi đọc tư liệu, mày mò tìm kiếm thông tin về địa điểm, hiện vật. Có những khi anh không về nhà mà tới ở tại những căn nhà giao liên, gara sửa chữa xe năm xưa của ba anh. Có khi anh tới thẳng hầm bí mật nơi ba anh đã từng cất giấu vũ khí, tiền vàng… phục vụ cho cách mạng. Bao nhiêu tiền vàng làm ra, anh đều dành để mua, hoặc chuộc lại những hiện vật, những tư liệu, và thậm chí những địa điểm di tích. Hầu hết những địa điểm hoạt động của Biệt động năm xưa đều ở trung tâm TPHCM như Quận 1, Quận 3, Quận 10, Phú Nhuận, Tân Bình…
Trường Tiểu học Kết Đoàn, Quận 1 tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định và Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn.
Giá trị mỗi căn nhà là không hề nhỏ. Anh vận động gia đình dốc hết tiền để chuộc lại. “Tiền không có một lúc thì xin trả góp, vay nợ, nhưng nhất định không để mất hiện vật, mất di tích” - anh Bình tâm sự: “Vợ tôi lúc đầu không đồng tình với việc bàn giao tài sản là nhà cửa, hiện vật, tư liệu… trị giá rất lớn cho Nhà nước. Cô ấy buồn và giận nhất là việc ròng rã bao năm trời tôi không có thời gian dành cho gia đình chỉ vì tôi dồn hết tâm sức cho việc bảo tồn chuỗi di tích Biệt động Sài Gòn. Tôi chấp nhận cả việc hy sinh lợi ích gia đình nhỏ của mình vì tâm huyết gầy dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn, cho hôm nay và cho mai sau. Bởi, nếu như mình không làm thì đến khi các cô chú biệt động Sài Gòn mất hết rồi thì rất khó khăn, thậm chí không còn cơ hội nữa”.
Anh Trần Vũ Bình rưng rưng: “Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ra đời trong sự hãnh diện và tự hào của gia đình tôi và các cô chú biệt động. Vợ tôi đã hiểu ra và không giận nữa, rất hạnh phúc. Mẹ tôi được nhìn thấy tôi về nhà mỗi ngày. Các con tôi cũng hào hứng tham gia bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử từ di tích. Tôi sẽ còn làm nữa, làm cho tới hơi thở cuối cùng. Trên thế giới chỉ có chuỗi bất động sản thôi, chứ không có chuỗi di sản Biệt động Sài Gòn như ở Việt Nam. Đây là chuỗi di sản có một không hai trên thế giới, gia đình tôi và các cô chú biệt động Sài Gòn để lại cho muôn đời”.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu: Cần truyền lại cho thế hệ tương lai di sản vô giá của lực lượng biệt động Sài Gòn
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu chia sẻ, bà vinh dự được chứng kiến ngày khai trương Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định khi còn giữ cương vị Bí thư Quận ủy Quận 1, TPHCM. Khi đó, người đứng đầu Đảng bộ Quận 1, TPHCM có dịp được dìu đỡ từng cô chú cựu biệt động Sài Gòn đi xuống bảo tàng. “Mỗi bước chân run rẩy của các cô chú làm cho mình thấy trách nhiệm của mình càng nặng hơn bao giờ hết. Cô chú hy sinh máu xương của mình, hòa bình rồi vẫn cố gắng làm những việc để lại cho mai sau. Mình có chút tuyên truyền thôi, nếu không làm được thì có tội với các cô chú lắm!” - Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu xúc động.
Khi ở cương vị Bí thư Quận ủy Quận 1, bà Tô Thị Bích Châu đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị, phòng ban, các tổ chức, đoàn thanh niên trên địa bàn thực hiện các chương trình thăm, học hỏi, cảm nhận về di tích lịch sử trên địa bàn. Các cháu học sinh từ lớp 1 đã được các trường cho tới tham quan, viết bài cảm nhận để bồi dưỡng thêm tình cảm, sự hiểu biết của các cháu đối với cách mạng, đối với đất nước. Tham quan chuỗi di tích Biệt động Sài Gòn cũng là một sản phẩm du lịch được chọn là sản phẩm đặc sắc của địa phương. Với anh Trần Vũ Bình, bà Tô Thị Bích Châu cho rằng anh là người có trách nhiệm với gia đình và thế hệ tương lai. Thông qua Bảo tàng Biệt động, anh muốn truyền lại cho thế hệ tương lai di sản vô giá của lực lượng biệt động, tinh thần chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc của cha ông. “Việc làm của anh Trần Vũ Bình rất đáng trân trọng. Chúng ta phải cảm ơn những người như anh Bình đã giữ gìn những di vật, di tích quý báu của cha ông. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn luôn nhắc nhớ chúng ta phải sống tốt hơn để cống hiến cho quê huong, đất nước, xây dựng một xã hội phát triển, dồi dào của cải để người dân ngày càng hạnh phúc ấm no hơn" - Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
CHU NINH - TRẦN HẰNG