Cô giáo Lò Thị Điệp cùng đám trò nhỏ biểu diễn văn nghệ tại Lễ khai giảng năm học mới.
Hành trình đến với sự nghiệp “cõng chữ lên non”
Sinh ra tại bản Ló, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, cô giáo Lò Thị Điệp lớn lên trong một gia đình dân tộc Thái với ước mơ cháy bỏng trở thành giáo viên. Năm 2002, ngay sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, cô tình nguyện lên nhận công tác tại điểm bản Huổi Sâu - Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Mường Nhé. Đây là một trong những địa bàn khó khăn nhất vùng Tây Bắc, nơi mà đường đến trường phải đi bộ gần hai ngày, vượt qua 13 lần suối.
Nhớ lại những ngày đầu tiên, cô Điệp rưng rưng tâm sự: "Tôi chỉ vừa tròn 18 tuổi, mang trong mình lòng nhiệt huyết tuổi trẻ nhưng chưa quen những khó khăn gian khổ nơi rừng sâu núi thẳm. Có lần bị sốt rét, tôi phải nghỉ tạm tại một lán giữa rừng, rồi sáng hôm sau tiếp tục lên đường. Nhiều lúc mệt mỏi đến ngồi sụp xuống giữa đường, bật khóc. Nhưng rồi nghĩ đến các em học sinh đang chờ tôi ở phía trước, tôi lại đứng dậy và bước tiếp."
Ngày đầu tiên đứng lớp, những khó khăn hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết: cơ sở vật chất chỉ là những căn phòng tranh tre tạm bợ, học sinh không biết nói tiếng phổ thông, còn cô thì không hiểu tiếng dân tộc địa phương. Để khắc phục, cô bắt đầu hành trình tự học tiếng Dao, Cống, Mông.
"Tôi biết rằng để hiểu được học trò, tôi phải nói được ngôn ngữ của các em. Tối đến, sau giờ dạy, tôi lại nhờ bà con chỉ dẫn, học từng từ, từng câu. Những nỗ lực nhỏ ấy dần kết nối tôi với các em học sinh và bà con dân bản.", cô Điệp chia sẻ.
Chân dung cô giáo Lò Thị Điệp.
Tận tụy với học trò, hết lòng vì cộng đồng
Không chỉ là người “gieo chữ,” cô Điệp còn là người gieo niềm tin và hy vọng cho trẻ em vùng cao. Những ngày đầu, cô tận mắt chứng kiến cảnh học trò đi học co ro trong giá rét, cơm ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Điều đó khiến cô trăn trở không nguôi. Cô đã vận động người thân, bạn bè và các nhà hảo tâm quyên góp quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh.
"Có những em đến lớp chân không giày, áo mỏng manh giữa trời đông giá lạnh. Tôi thấy mình phải làm gì đó để các em có cơ hội học tập tốt hơn.", cô Điệp nói.
Ban đêm, cô đến từng nhà dân để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, vận động phụ huynh cho con em đến trường. Với sự kiên trì và tình yêu thương, cô đã giúp thay đổi nhận thức của nhiều bậc phụ huynh, từ việc coi con trẻ chỉ cần phụ giúp gia đình, đi nương rẫy, đến việc đưa các em tới trường học chữ.
Cô Điệp chia sẻ thêm: "Những năm tháng đó, tôi phải học cách hòa mình vào cuộc sống nơi đây. Bà con chia cho tôi những gì họ có, từ mớ rau, củ măng đến con cá nhỏ. Chính tình cảm chân thành ấy đã giúp tôi vượt qua những thử thách khắc nghiệt."
Cô giáo Lò Thị Điệp chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2024.
Ngọn lửa nhiệt huyết không bao giờ tắt
Năm 2010, cô được điều động về Trường Tiểu học Mường Nhé số 1 (nay là Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ). Tại đây, cô không ngừng trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy và tích cực tham gia các phong trào giáo dục của nhà trường. Suốt hơn 20 năm công tác, cô đã đạt nhiều danh hiệu cao quý như Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, và nhận nhiều bằng khen từ các cấp, ngành.
Ngoài vai trò giáo viên, cô Điệp còn là Tổng phụ trách Đội với hơn 12 năm gắn bó. Những phong trào như “Hoa điểm tốt,” “Kế hoạch nhỏ” và các hoạt động ngoại khóa rèn kỹ năng sống đã giúp học sinh trưởng thành, tự tin hơn. Dưới sự dẫn dắt của cô, Liên đội Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ liên tục đạt thành tích xuất sắc cấp huyện và tỉnh.
Cô Điệp tâm sự: "Được làm công tác Đội là một niềm vui lớn. Nhờ công việc này, tôi luôn cảm thấy trẻ trung và yêu đời hơn. Nhìn các em ngày một trưởng thành, tự tin hơn, tôi biết rằng mọi nỗ lực của mình đều xứng đáng."
Hơn hai thập kỷ gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô giáo Lò Thị Điệp đã trở thành biểu tượng của lòng tận tụy và nhiệt huyết nơi biên cương Tây Bắc. Dáng người nhỏ nhắn nhưng ẩn chứa tinh thần mạnh mẽ, cô đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò và đồng nghiệp.
Cô chia sẻ: "Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được thấy các em học trò trưởng thành, đạt được ước mơ. Dù có khó khăn đến đâu, tôi vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, vì tôi tin rằng tri thức là con đường giúp các em thay đổi cuộc đời."
Cô giáo Lò Thị Điệp chính là minh chứng sống động cho tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu,” xứng đáng là tấm gương sáng, ngọn đèn soi sáng con đường học tập cho biết bao thế hệ học trò nơi vùng cao biên giới.
Minh Thịnh