Người thầy của chiến sĩ mới

Người thầy của chiến sĩ mới
5 giờ trướcBài gốc
Vừa là người đồng chí, người anh, người chị, người bạn, vừa là người thầy của chiến sĩ mới
Lúc sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Trong ca khúc Người thầy, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy đã trải lòng: “Dẫu đếm hết sao trời đêm nay/Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi/Nhưng ngàn năm làm sao em đếm hết công ơn người thầy”. Đó cũng chính là điều muốn nói của muôn người con đất Việt - một dân tộc có tinh thần hiếu học và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành giá trị văn hóa từ ngàn đời nay. Bởi lẽ, cùng với bậc sinh thành, thầy cô chính là người quan tâm, chăm sóc, bảo vệ chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến.
Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, giáo viên hay giảng viên là người giảng dạy, giáo dục, uốn nắn cho học sinh. Như vậy, đội ngũ cán bộ ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là những người thầy. Vì họ chính là những người trực tiếp quan tâm, chăm lo, quản lý, huấn luyện và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, người chỉ huy cấp trên về toàn bộ sự phát triển, trưởng thành của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.
Huấn luyện điều lệnh đội ngũ cho chiến sĩ mới tại Trường Quân sự Quân khu 3.
Đối với chiến sĩ mới - những người vừa chập chững bước những bước đi đầu tiên trong quân ngũ, họ tựa như “trang giấy trắng tinh”, lạ lẫm với mọi chế độ, nền nếp sinh hoạt, học tập, công tác trong Quân đội. Do đó, cán bộ đơn vị không chỉ là người đồng chí đầu tiên, mà còn là người anh, người chị, luôn ân cần chăm lo cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ, lời ăn, tiếng nói, nếp sống, nếp nghĩ… Thế rồi, những ngày tháng tân binh cũng là thời điểm bộ đội dễ nảy sinh tâm lý vì chưa quen với cuộc sống mới, chế độ, nền nếp quy định; xa quê hương, gia đình, người thân... Để chiến sĩ mới an tâm tư tưởng công tác, ngay từ những ngày đầu, cán bộ luôn là người tâm sự, động viên, chia sẻ vui buồn như những người bạn thân tình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã huấn thị: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”. Đồng thời, Bác yêu cầu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”. Từ lời dạy của Người toát lên những yêu cầu về phẩm chất, năng lực và phương pháp tác phong công tác mà mỗi cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay nguyện suốt đời phấn đấu học tập, làm theo.
Không chỉ là người đồng chí tốt, người anh công bình, người chị thân thiết, người bạn hiểu biết của chiến sĩ mới, đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy còn mang trên vai trọng trách của những người thầy, luôn đau đáu, trăn trở với những trang giáo án, đề mục huấn luyện. Dẫu chưa một lần được vinh danh là nhà giáo, nhưng họ vẫn tận tụy ngày đêm truyền thụ cho bộ đội những kiến thức cơ bản, nền tảng về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; kết hợp giữa truyền thụ tri thức, kinh nghiệm với rèn luyện thể lực và bồi dưỡng, vun đắp đạo đức cách mạng, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ… làm hành trang để chiến sĩ mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn trên chặng đường tiếp theo và quãng thời gian trong quân ngũ thực sự là thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất của cuộc đời.
Trang giáo án làm bạn với đêm
Những ai đã từng trải qua quân ngũ chắc hẳn sẽ không thể nào quên 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời gian thực hiện các chế độ cứ nối tiếp nhau, từ sáng sớm đến tối muộn, từ ngày này qua ngày khác mà không hề có chế độ nào dành cho cán bộ soạn và thục luyện giáo án. Trong khi đó, với yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện các nhiệm vụ, nhất là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị trong toàn quân thường xuyên duy trì chặt chẽ nền nếp thông qua giáo án đối với cán bộ thuộc quyền. Hơn nữa, với chiến sĩ mới, cán bộ phải thường xuyên theo dõi, bám nắm từ những việc nhỏ nhất theo đúng phương châm: “Ở đâu có bộ đội, ở đó có lãnh đạo, chỉ huy”. Bởi thế mà họ gần như không có giây phút nào được nghỉ ngơi.
Huấn luyện chiến thuật cho chiến sĩ mới tại Trường Quân sự Quân khu 3.
Đêm về là khoảng thời gian bộ đội ngủ nghỉ sau một ngày huấn luyện vất vả. Tuy nhiên, đó lại là thời gian cán bộ bắt đầu thực hiện “chế độ thứ 12” với những công việc mà chỉ có những chiến sĩ làm nhiệm vụ gác mới thấu hiểu chứ không hề ai hay. Khi thì viết những nội dung phục vụ đề mục huấn luyện mới, khi lại thục luyện để phục vụ chỉ huy cấp trên thông qua. Sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của đồng đội, mọi thứ đều cứ thế lặng lẽ diễn ra, chỉ có ánh đèn với bóng đêm làm bầu bạn. Vậy nên, mỗi trang giáo án đều là sự gửi gắm biết bao tình cảm, trách nhiệm, niềm tin, sự kỳ vọng của những người thầy thầm lặng về sự tiến bộ từng ngày của chiến sĩ mới.
Khó khăn là vậy mà tuyệt nhiên không ai có bất cứ một lời nào than vãn, bởi đã là quân nhân, nhất lại là cán bộ thì nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành thắng lợi để làm gương cho chiến sĩ.
Ấy vậy mà cứ mỗi độ thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ, trên một số nền tảng mạng xã hội lại xuất hiện những thông tin, hình ảnh sai sự thật với mục đích bôi xấu, hạ thấp uy tín, danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy nói riêng; gây tư tưởng hoài nghi, hoang mang cho hậu phương chiến sĩ về bản chất tốt đẹp của môi trường quân ngũ và sự thiêng liêng, cao cả của tình đồng chí, đồng đội. Đây là điều mà chúng ta cần phải cảnh giác và kiên quyết đấu tranh.
Oai nghiêm trong nhịp bước quân hành
Thời gian huấn luyện tân binh dẫu có nhiều gian lao, thử thách nhưng rất đỗi vinh quang và lắng đọng biết bao kỷ niệm đẹp. Sau 3 tháng luyện quân, chiến sĩ mới sẽ có sự phát triển vượt bậc, không chỉ vững vàng về tinh thần mà còn rắn rỏi về thể chất; trình độ, kiến thức, năng lực cũng được nâng lên rõ rệt. Thành quả ấy không chỉ là niềm vui của đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy, của tập thể đơn vị mà còn là niềm tự hào của gia đình, người thân mỗi quân nhân; đồng thời, là minh chứng thực tế góp phần đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Những tân binh với làn da sạm đi vì nắng gió thao trường, song từ mỗi ánh mắt, khuôn mặt lại toát lên vẻ đẹp của sự trưởng thành. Điều đó tựa như những ý thơ trong tác phẩm Nghe tiếng giã gạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công”. Ấy là thành quả của ý chí, nghị lực, quyết tâm phấn đấu, rèn luyện thường xuyên, liên tục ở bản thân mỗi quân nhân, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ - những người truyền cảm hứng, luôn gần gũi, sâu sát chiến sĩ mới từ những ngày đầu nhập ngũ.
Khi tiếng “xin thề” dõng dạc được đồng thanh hô vang trong Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới cũng là lúc chặng đường tân binh kết thúc; những bước đi chập chững thuở ban đầu sẽ trở nên mạnh mẽ và oai nghiêm trong nhịp bước quân hành. Đồng thời, đây cũng là thời điểm các chiến sĩ binh Nhì chia tay đơn vị cũ, về với đơn vị mới, nơi có đồng chí, đồng đội mới chờ đợi để cùng phấn đấu, cống hiến cho lý tưởng, hoài bão của tuổi trẻ. Tuy nhiên, ký ức về người cán bộ đầu tiên trong quân ngũ chắc chắn sẽ hằn sâu trong trái tim mỗi người và ở phía sau, người thầy chưa một lần được vinh danh ấy cũng sẽ luôn dõi theo mỗi bước trưởng thành của những người đồng chí, người em, người học trò thân yêu.
VŨ QUỐC-NGHIÊM TÚ
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nguoi-thay-cua-chien-si-moi-815235