Người thổi hồn cho thổ cẩm Thái ở miền Tây xứ Nghệ

Người thổi hồn cho thổ cẩm Thái ở miền Tây xứ Nghệ
6 giờ trướcBài gốc
Nghệ nhân Vang Thị Sâm và các học viên lớp học tiếng Thái. Ảnh: Vi Hợi
Nghệ nhân thổ cẩm Vang Thị Sâm đã 90 tuổi, có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt tinh anh và những vết chân chim hằn sâu trên làn da trắng. Cụ là chị cả trong gia đình đông anh em. 8 tuổi, cụ Sâm đã thuần thục nghề thổ cẩm từ sự trao truyền của mẹ. 13 tuổi, mẹ qua đời, cụ thay mẹ nuôi em, rồi cũng qua được bao nhọc nhằn, vất vả. Bước sang tuổi 16, cụ lấy chồng và bắt đầu gánh vác công việc nhà chồng đủ 4 thế hệ. Bây giờ, đã ở tuổi 90, cụ vẫn sống trong ngôi nhà có đầy đủ con, cháu và chắt. Đi cùng nỗi vất vả với cụ là nghề dệt thổ cẩm.
Cụ Vang Thị Sâm kể, dệt vải xong thì mang đi bán, được ít tiền thôi nên phải dệt nhiều mới có đủ cơm ăn. Chiếc khung cửi làm bằng gỗ đinh hương còn nhiều hơn cái tuổi 90 của cụ đã gắn bó với nhiều gian truân từ đời mẹ đến đời cụ bây giờ. Tay vịn cũ mòn lõm vẹt vết thời gian. Âm thanh khung cửi lịch kịch đều đặn cần mẫn suốt hơn một thế kỷ.
Tôi cố ngăn cảm xúc nghẹn lòng, khi nhìn cụ Vang Thị Sâm thoăn thoắt lựa chỉ, xâu chỉ, luồn thoi bằng đôi bàn tay nhăn nheo nhưng vẫn mềm mại như thời thanh xuân. Ở tuổi 90 mà đôi mắt của cụ vẫn tinh anh chọn màu sợi chỉ, pha trộn sắc màu dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ. Cụ bảo, người Thái thường sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh, tím từ lá, thân, rễ cây tạo ấn tượng mạnh. Các họa tiết trên tấm thổ cẩm có sự đối xứng và là tâm niệm của người dệt về trời, đất và vạn vật...
Cụ Vang Thị Sâm chia sẻ, lúc mẹ của cụ qua đời, là chị cả nên cụ phải tiếp tục nghề truyền thống của gia đình, ngày đi làm ruộng, làm nương, tối về ngồi dệt vải, may vá... Giờ, cụ vẫn làm thổ cẩm và dạy cho cháu, chắt làm nữa. Tuy nhiên, người trong bản ít dùng thổ cẩm, làm ra phải đưa đi gửi bán ở các tiệm trên phố huyện.
Cụ Vang Thị Sâm cười nói rạng rỡ: “Tay nhăn nheo thế này thôi, nhưng thổ cẩm của cụ vẫn đẹp lắm! Mấy lần đưa đi triển lãm đều đoạt giải cả đấy”. Tôi gật đầu thừa nhận những sản phẩm thổ cẩm được làm nên từ đôi tay của cụ quả là đẹp, sắc sảo. Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của cụ Vang Thị Sâm không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xóa, đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo, cây dương xỉ... Muông thú trong rừng được phản ánh trên thổ cẩm của cụ rất đa dạng. Nào là con khỉ lanh lợi và hiếu động như trẻ thơ, con rái cá tượng trưng cho tình yêu sắt son, gia đình hạnh phúc. Những con voi, con nai, hoẵng hoặc sơn dương, hổ... thể hiện được sự mạnh mẽ, phi thường. Con chim, con bướm hay con ong chao lượn biểu trưng cho khát vọng về một cuộc sống thanh bình... Những con chỉ màu từng sợi đơn lẻ góp mặt trong thổ cẩm là hoa lá tinh xảo, óng chuốt, nuột nà, bóng mịn vân mây, sắc màu nổi bật, đua nhau "bay nhảy tung tăng"...
Cụ Vang Thị Sâm nói, con gái Thái nết na phải biết trồng bông, se sợi, dệt vải, trong đó, nhuộm chỉ dệt chân váy là kỳ công nhất. Ngày cưới của cô gái Thái giàu hay nghèo không quan trọng bằng việc mang về nhà chồng bao nhiêu chăn gối tự dệt, để trưng ra cái nết na, khéo léo giỏi giang. Chị Vi Thị Nguyệt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm bản Can, là cháu dâu của cụ Vang Thị Sâm tặng tôi cái chăn do chính cụ dệt. Cầm cái chăn trên tay, tôi như bị thôi miên trước vẻ đẹp của nó. Từng hoa văn li ti sắc nét nổi lên mịn màng như vân gỗ. Nhìn vào đấy như thấy cả một rừng hoa lá gió mây đang bay lượn. Sự pha trộn màu sắc tách bạch mà rành rẽ, mang nét đẹp hài hòa đến ngỡ ngàng. Những sắc màu đen, vàng, hồng, trắng, đỏ tươi... đan xen với nhau trong từng nét hoa văn tinh xảo.
Mùa Xuân này, tôi trở lại bản Can để lấy thêm tư liệu cho dự án khoa học “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn nghề thổ cẩm dân tộc Thái các huyện miền núi Nghệ An” do chính tôi làm Chủ nhiệm đề tài. Người ta bảo rằng, cụ Vang Thị Sâm đã về cõi then. Tim tôi đau thắt, tôi nhớ, khi còn làm nghiên cứu sinh ở Hà Nội, thầy giáo hướng dẫn của tôi nói rằng: Nghệ nhân là pho văn hóa sống, nghĩ thật xót xa khi những người như nghệ nhân Vang Thị Sâm đã không còn nữa.
Tôi yêu thổ cẩm Thái, nhất là thổ cẩm quê hương mình, bởi mẹ tôi cũng là một nghệ nhân thổ cẩm có tiếng ở huyện Tương Dương. Thổ cẩm của mẹ đã nuôi tôi từ khi còn học phổ thông cho đến khi tôi học xong đại học. Tôi chợt nhận ra một điều, niềm đam mê thổ cẩm Thái được khởi nguồn từ người thân, từ các nghệ nhân và nuôi khát khao gìn giữ giá trị truyền thống. Nhưng hoài niệm có kết nối được với tương lai hay không lại phụ thuộc vào thế hệ hiện tại có đủ tình yêu với thổ cẩm hay không, có sống vì thổ cẩm hay không. Biết là cứ khắc khoải về một niềm nuối tiếc cho cái thời rực rỡ của thổ cẩm và rồi lại hy vọng trong tương lai thổ cẩm vẫn còn đất để sống, vẫn còn có những con người nâng niu, gìn giữ để lưu truyền đưa thổ cẩm Thái vươn xa.
Vi Hợi
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/nguoi-thoi-hon-cho-tho-cam-thai-o-mien-tay-xu-nghe-post486169.html