Hơn một thập niên qua, người dân Syria đã trở thành cộng đồng người tị nạn lớn nhất thế giới, theo tờ The Conversation.
Kể từ năm 2011, hơn 6 triệu người Syria đã phải rời bỏ quê hương khi phong trào nổi dậy chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad leo thang thành cuộc nội chiến kéo dài 13 năm.
Phần lớn những người tị nạn tìm đến các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq và Ai Cập, trong khi một bộ phận không nhỏ đã đến châu Âu. Tuy nhiên, việc chính quyền ông al-Assad hồi tháng 12-2024 bị lực lượng đối lập do nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu dường như đã mở ra cánh cửa để người dân trở về. Hàng chục nghìn người tị nạn Syria đã quyết định quay lại quê hương.
Người dân Syria ở Lebanon tiến về cửa khẩu biên giới Al-Masnaa giữa hai nước sau khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ ngày 8-12-2024. Ảnh: ANADOLU AGENCY
Rủi ro khi trở về
Trong tháng đầu tiên sau khi chính quyền ông al-Assad bị lật đổ, khoảng 125.000 người Syria đã trở về quê hương, chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon. Tuy nhiên, với phần lớn những người còn đang cân nhắc, nhiều câu hỏi lớn vẫn tồn tại.
Trước hết, chính quyền sẽ vận hành ra sao dưới sự lãnh đạo của chính phủ lâm thời? Đến nay, cách quản trị của HTS dưới sự dẫn dắt của ông Ahmed al-Sharaa cho thấy nhóm này có xu hướng thúc đẩy tính bao trùm, tôn trọng sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo tại Syria. Dẫu vậy, một số nhà quan sát vẫn lo ngại về mối liên hệ trong quá khứ của nhóm này với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, bao gồm al-Qaida.
Bên cạnh đó, nỗi lo ban đầu về việc hạn chế vai trò của phụ nữ trong đời sống công cộng phần lớn đã được xoa dịu, mặc dù chính phủ lâm thời chỉ bổ nhiệm hai phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo.
Những người Syria đang cân nhắc việc trở về cũng phải đối mặt với tình trạng kinh tế kiệt quệ do chiến tranh kéo dài, sự quản lý yếu kém của chính quyền trước đây và các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Syria từ thời ông al-Assad.
Các lệnh trừng phạt đã ngăn chặn việc nhập khẩu thuốc men và thiết bị, cùng với các cuộc không kích của ông al-Assad nhắm vào cơ sở hạ tầng trong suốt thời gian nội chiến đã khiến hệ thống y tế của Syria rơi vào khủng hoảng.
Vào năm 2024, 16,7 triệu người Syria – hơn một nửa dân số cả nước – cần sự hỗ trợ nhân đạo thiết yếu, mặc dù nguồn hỗ trợ này rất hạn chế. Đầu năm 2025, Mỹ thông báo gia hạn tạm thời trong 6 tháng việc miễn trừ một phần trừng phạt nhằm cho phép các tổ chức nhân đạo cung cấp các dịch vụ cơ bản như nước sạch, vệ sinh và điện.
Tuy nhiên, việc tái thiết cơ sở hạ tầng của Syria sẽ mất nhiều thời gian hơn, và người tị nạn Syria sẽ phải cân nhắc liệu họ có nên ở lại các quốc gia tiếp nhận hay không. Điều này đặc biệt đúng với những người đã dành nhiều năm xây dựng cuộc sống mới khi sống lưu vong.
Chính phủ lâm thời của Syria cũng cần giải quyết vấn đề hoàn trả tài sản. Nhiều người sẽ chỉ muốn quay về nếu họ chắc chắn rằng mình còn một ngôi nhà để trở về.
Tiếp tục được chào đón ở châu Âu?
Kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu, khoảng 1,3 triệu người Syria đã tìm kiếm sự bảo vệ ở châu Âu, phần lớn trong số họ đến châu Âu vào các năm 2015 và 2016, định cư tại các quốc gia như Đức và Thụy Điển.
Tính đến tháng 12-2023, 780.000 người vẫn giữ quy chế tị nạn hoặc được hưởng bảo vệ bổ sung – một hình thức bảo vệ quốc tế dành cho người tị nạn. Phần còn lại đã nhận được quyền cư trú lâu dài hoặc quốc tịch.
Quy chế bảo vệ bổ sung được cấp cho những người không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của quy chế tị nạn theo Công ước Geneva – vốn yêu cầu phải có cơ sở vững chắc về nỗi sợ bị đàn áp dựa trên chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc thành viên của một nhóm xã hội cụ thể – nhưng sẽ “đối mặt với nguy cơ thực sự bị tổn hại nghiêm trọng” nếu bị buộc trở về quốc gia của họ.
Tương lai của những người Syria ở Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả những người có quy chế tị nạn, được hưởng bảo vệ bổ sung hoặc đang chờ xét duyệt đơn xin tị nạn, vẫn rất bất định. Theo Công ước Geneva, luật pháp EU cho phép các chính phủ thu hồi, chấm dứt hoặc từ chối gia hạn quy chế bảo vệ nếu lý do cấp quy chế này không còn, điều mà nhiều quốc gia tin rằng đã xảy ra sau khi ông al-Assad bị lật đổ.
Kể từ khi nội chiến Syria kết thúc, 12 quốc gia châu Âu đã tạm dừng xử lý đơn xin tị nạn của công dân Syria. Một số nước, chẳng hạn như Áo, thậm chí đe dọa triển khai chương trình “trở về có trật tự và trục xuất”.
Điều kiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và Liban
Số lượng người Syria được bảo vệ tại các quốc gia láng giềng là rất lớn, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ (2,9 triệu), Lebanon (755.000) và Jordan (611.000). Tuy nhiên, con số thực tế, bao gồm cả những người không đăng ký, được ước tính còn cao hơn nhiều.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia tiếp nhận người tị nạn Syria nhiều nhất – người Syria chỉ được cấp quy chế bảo vệ tạm thời.
Về lý thuyết, quy chế này cho phép họ tiếp cận việc làm, chăm sóc y tế và giáo dục. Nhưng trên thực tế, người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải lúc nào cũng được hưởng các quyền lợi này. Cùng với tâm lý bài ngoại gia tăng sau trận động đất năm 2023, cuộc sống của nhiều người Syria vẫn còn rất khó khăn.
Mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công khai tuyên bố rằng người Syria nên trở về theo lộ trình do chính người Syria quyết định, nhưng việc ông từng đổ lỗi cho cộng đồng tị nạn cho thấy ông có thể muốn họ trở về sớm hơn – nhất là khi nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây tin rằng người tị nạn Syria không còn lý do để ở lại.
Người Syria tại Lebanon phải đối mặt với những thách thức kinh tế và pháp lý còn nghiêm trọng hơn. Quốc gia này không ký Công ước Geneva, và luật tị nạn khắt khe trong nước chỉ cấp quyền cư trú cho 17% người Syria sống tại đây.
Trong nhiều năm, Lebanon đã gây áp lực buộc người tị nạn Syria phải rời đi thông qua các chính sách khắt khe. Những biện pháp này đã gia tăng trong những tháng gần đây với kế hoạch trục xuất những người Syria không đăng ký với Liên Hợp Quốc.
Đến năm 2023, 84% gia đình Syria tại Lebanon sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Tình trạng dễ bị tổn thương của họ càng trầm trọng hơn do cuộc xung đột gần đây giữa nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) và Israel, khiến 425.000 người Syria phải một lần nữa chạy trốn chiến tranh và trở về Syria dù điều kiện khi đó vẫn chưa an toàn.
Cuộc nội chiến kéo dài 13 năm ở Syria đã biến nhiều ngôi nhà thành đống đổ nát. Ảnh: GETTY IMAGES
Giải pháp cho những trăn trở của người tị nạn Syria
Chính sách “thăm dò thực địa” cho phép một thành viên trong gia đình quay trở về nước để đánh giá tình hình và sau đó được phép trở lại quốc gia tiếp nhận mà không mất quy chế pháp lý – là một thông lệ phổ biến trong nhiều tình huống tị nạn. Chính sách này đang được áp dụng với người Ukraine tại châu Âu và đã được sử dụng trước đây cho người tị nạn Bosnia và Nam Sudan.
Chính sách này cũng có thể áp dụng cho người tị nạn Syria hiện nay. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã triển khai kế hoạch tương tự. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc hồi hương người tị nạn Syria phải hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc. Việc tạo ra các điều kiện phù hợp cho người tị nạn trở về sẽ có tác động to lớn đến việc tái thiết Syria và duy trì hòa bình trong những năm tới.
THẢO VY