'Người tiêu dùng Mỹ vẫn có thể chấp nhận giá cá tra cao nếu áp thuế 46%'

'Người tiêu dùng Mỹ vẫn có thể chấp nhận giá cá tra cao nếu áp thuế 46%'
một ngày trướcBài gốc
Người tiêu dùng Mỹ vẫn có thể chấp nhận giá cá tra mới
Bất chấp những rào cản về thuế từ phía chính quyền ông Trump, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 4 vẫn đạt kết quả khả quan nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất hàng, tận dụng thời gian hoãn thuế đối ứng từ Mỹ.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong tháng 4, xuất khẩu cá tra đạt gần 175 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 640 triệu USD, tăng 10%.
Nguồn: Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)
Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam. VASEP gọi đây là “thời gian vàng” để cả Việt Nam và Mỹ tiếp tục đàm phán, hướng tới khả năng kéo dài thời hạn hoặc đạt được mức thỏa thuận tích cực hơn. Việc hoãn thuế mang lại tâm lý nhẹ nhàng hơn cho thị trường.
Chia sẻ bên lề ĐHĐCĐ 2025, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, cho rằng ngay cả khi áp thuế đối ứng 46% thì người tiêu dùng Mỹ vẫn có thể chấp nhận bởi giá cá tra rất rẻ.
“Cá tra của Việt Nam rất rẻ. Nếu cộng thêm thuế 46% thì giá cũng cũng chỉ khoảng 50 - 60 cent/pound. Mức giá này thậm chí thấp hơn cả năm 2018. Thậm chí mức giá sau áp thuế rẻ hơn so với nhiều loại cá thịt trắng phổ thông khác tại Mỹ như cá minh thái, cá tuyết. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng thuế thấp hơn một chút để các khách hàng tăng giá một cách từ từ”, bà Tâm cho biết.
Do diễn biến mới, công ty điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Ở mức cơ bản, mục tiêu doanh thu 10.900 tỷ và lãi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 18% so với năm ngoái.
Ở kịch bản cao, công ty đề ra chỉ tiêu doanh thu 12.350 tỷ đồng, giảm 1,3% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự kiến 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.
Nguồn: Vĩnh Hoàn (H.Mĩ tổng hợp)
Con số này đều thấp hơn so với mục tiêu ban đầu. Trong tài liệu công bố hồi đầu tháng 4, Vĩnh Hoàn đưa ra kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu 13.800 tỷ đồng và lãi ròng 1.500 tỷ đồng. Như vậy chỉ tiêu lợi nhuận đã giảm 200-500 tỷ so với ban đầu.
Vĩnh Hoàn khẳng định xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng 9-10% trong năm nay, điều này là nhờ các loại cá thịt trắng khác suy giảm. Ca tra đang chiếm thêm thị phần cá minh thái do lệnh cấm đối với Nga, hay cá tuyết ở phân khúc cao hơn và bị hạn chế đánh bắt.
Lãnh đạo công ty cho biết thêm vẫn lạc quan về việc thực hiện tốt hơn kế hoạch, phụ thuộc khả năng chấp nhận của người tiêu dùng Mỹ với mức giá cao hơn và phụ thuộc sức mạnh nền kinh tế. Các khách hàng Mỹ vẫn có sức tiêu thụ tốt, mong muốn công ty nuôi cá lớn nhanh để tăng xuất khẩu.
"So với kế hoạch ban đầu, chúng tôi đã thận trọng trong bối cảnh mới. Diễn biến tiếp theo tùy thuộc vào độ chấp nhận của thị trường, chúng tôi vẫn lạc quan để thực hiện được vượt kế hoạch bảo thủ này", bà Tâm chia sẻ với cổ đông.
Hiện tại doanh nghiệp đang tranh thủ xuất khẩu cá tra sang Mỹ để tận dụng 90 ngày hoãn thuế.
"Đơn hàng trong quý II cũng không khó đoán, khi các doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng đi Mỹ trong thời gian hoãn thuế 90 ngày", bà nói.
Đối với các thị trường ngoài Mỹ, bà Tâm nhận thấy chưa ghi nhận bất kì ảnh hưởng nào. Về cơ bản, công ty ưu tiên tăng xuất khẩu vào Mỹ nhưng vẫn đảm bảo lượng hàng cho các thị trường ngoài Mỹ.
Trong báo cáo mới đây, công ty chứng khoán VCBS nhận định giá cá tra tại thị trường Mỹ dự báo duy trì ở mức cao do các nhà nhập khẩu đang tích cực nhập cá tra trong 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng. Bên cạnh đó, giá cá tra giống đang tăng do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường vẫn khá sôi động do lo ngại thiếu hụt nguồn cung cá thịt.
Thế khó cho chuỗi cung ứng cá tra
Theo VASEP, tác động của chiến tranh thương mại là dài hạn, đặc biệt là đối với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu, dòng vốn, lạm phát và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và ngành xuất khẩu cá tra.
Với Việt Nam – nền kinh tế có độ mở cao và còn phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế – mọi biến động về thuế quan từ Mỹ đều có thể gây ra hiệu ứng domino, tác động tiêu cực đến thị trường, trong đó có xuất khẩu thủy sản và cá tra.
Bà Tâm cho biết với những nhà nhập khẩu, câu hỏi khó khăn nhất lúc này không phải là người tiêu dùng có chấp nhận mức giá tăng lên không mà là kế hoạch tồn kho thời gian tới sẽ thế nào?
“Tất cả mọi người trong chuỗi cung ứng cá tra phải lên kế hoạch tồn kho một cách rất thận trọng. Với nhà nhập khẩu, câu hỏi đặt ra lúc này là nên duy trì hàng tồn kho trong bao lâu, 3 tháng hay 6 tháng? Rồi sau 90 ngày thì thuế tăng hay giảm? Nhiều nhà nhập khẩu không dám bán quá nhiều vì họ sợ nếu bán hết hàng vì sợ phải “ôm” lô cá mới với thuế 46%”, bà cho biết.
Để hạn chế “bị động” trong cuộc chiến thuế quan, theo VASEP, Việt Nam nên tính đến các phương án như đa dạng hóa thị trường, “mở rộng đường đi” cho cá tra Việt Nam, đồng thời đầu tư vào nghiên cứu xuất khẩu các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi, cá điêu hồng.
Trong báo cáo của phân tích mới đây, công ty chứng khoán KBSV kỳ vọng Châu Âu là điểm sáng cho sản phẩm cá tra Việt Nam với các chính sách tăng trưởng kinh tế giúp cải thiển thiện triển vọng tiêu dùng. Theo Ngân Hàng Trung Ương (ECB), tăng trưởng GDP thực (đã điều chỉnh giảm nhẹ do tác động từ thuế quan) dự kiến sẽ có đà phục hồi đáng kể nhờ chính sách chi tiêu tài khóa mở rộng và hạ lãi suất.
Lạm phát thấp ở mức 2,2% và ECB hạ lãi suất điều hành xuống 2,25% trong tháng 4 (mức thấp nhất từ cuối năm 2022) kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng và năng suất lao động trong thời gian tới.
KBSV kỳ vọng tiêu thụ cá tra tại Châu Âu sẽ cải thiện nhẹ nhờ nhu cầu ổn định hơn trong khi người tiêu dùng khu vực này không ưa chuộng cá rô phi, giúp hạn chế áp lực chuyển hướng xuất khẩu từ Trung Quốc. Nhu cầu cá tra tại Châu Âu còn được hỗ trợ bởi việc giảm hạn mức đánh cá hoang dã, với mức giảm 20-25% đối với hạn mức cá tuyết. Ngoài ra, việc tỉ giá EUR/VND tăng 10% so với đầu năm 2025 sẽ phần nào hỗ trợ doanh số xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng được xem là mảnh đất màu mỡ mà các doanh nghiệp đang bỏ quên. Theo VASEP, cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 140 quốc gia. Tuy nhiên, trong nước cá tra vẫn chưa có vị trí xứng đáng trên mâm cơm người Việt.
Thị trường nội địa có tiềm năng lớn nhờ dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng và nhu cầu thực phẩm chất lượng cao. Cá tra có nhiều lợi thế: giá tốt, ít xương, dinh dưỡng cao, dễ chế biến và đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, cá tra bị lép vế trong kênh bán lẻ hiện đại, bao bì sơ sài, thiếu thương hiệu mạnh.
Theo VASEP, giải pháp là tái định vị hình ảnh cá tra, hướng đến sản phẩm tiện lợi, cao cấp, dinh dưỡng, ăn kiêng. Bên cạnh đó, cần chiến dịch truyền thông quy mô như “Người Việt dùng cá Việt”, có sự tham gia của hiệp hội và doanh nghiệp.
“Ngành cá tra Việt Nam đã có những bước tiến ngoạn mục trên thị trường quốc tế, trở thành biểu tượng cho năng lực chế biến và xuất khẩu thủy sản của cả nước. Nhưng để thật sự phát triển bền vững, ngành cần một “chân trụ” tại chính quê hương mình. Thị trường nội địa không chỉ là giải pháp chống chọi ngắn hạn trong thời kỳ xuất khẩu khó khăn – mà là chiến lược lâu dài”, VASEP nhận định.
H.Mĩ
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/nguoi-tieu-dung-my-van-co-the-chap-nhan-gia-ca-tra-cao-neu-ap-thue-46.html