Người tình trong mộng của Hitler năm 16 tuổi

Người tình trong mộng của Hitler năm 16 tuổi
11 giờ trướcBài gốc
Ngày 3 tháng 1 năm 1903, Alois Hitler qua đời vì bị xuất huyết ở phổi, hưởng thọ 65 tuổi. Ông lên cơn đau trong khi đi dạo buổi sáng, rồi sau đó từ trần trong quán trọ gần đó giữa vòng tay của một người láng giềng. Khi trông thấy thi thể người cha, cậu con trai 13 tuổi đã thất thần bật khóc.
Bà mẹ, lúc này 42 tuổi, dời đến cư ngụ trong một căn hộ khiêm tốn ở Urfahr, vùng ngoại ô của Linz, cố gắng nuôi 2 đứa con Adolf và Paula bằng số tiền dành dụm ít ỏi và khoản lương hưu nhỏ nhoi. Như Hitler đã nhắc đến trong quyển Mein Kampf, bà vẫn muốn đứa con trai trở thành công chức theo kỳ vọng của người cha. Hitler ghi “nói cách khác, bà bắt tôi học để theo nghề công chức”.
Nhưng cho dù người quả phụ trẻ có tính khoan dung đối với cậu con trai và có vẻ như cậu con cũng thương yêu bà hết mực, nhưng cậu vẫn “nhất quyết không muốn theo đuổi cái nghề đó”. Thế là, dù giữa hai mẹ con có sợi dây tình cảm thân thương, nhưng họ vẫn có mâu thuẫn và Adolf tiếp tục bỏ bê việc học.
“Rồi thình lình một cơn bệnh đã cứu nguy cho tôi, nó đã xảy ra ngay trong ít tuần lễ quyết định tương lai của tôi và nó cũng đã chấm dứt sự cãi vã trường kỳ trong gia đình”.
Những tâm tình của Hitler thời trẻ được thể hiện ở nhiều góc nhìn. Ảnh: Times Literary.
Khi gần đến tuổi 16, Hitler bị bệnh phổi nên buộc phải thôi học ít nhất 1 năm. Trong một thời gian, cậu được đưa đến sinh quán gia đình ở làng Spital, để hồi phục sức khỏe tại nhà người dì tên Theresa Schmidt, làm nghề nông. Sau khi lành bệnh, cậu trở lại học ở trường công lập Steyr trong một thời gian ngắn. Bảng điểm cuối cùng đề ngày 16 tháng 9 năm 1905 cho thấy mức điểm “trung bình” của các môn Đức văn, Hóa học, Vật lý, Hình học và Vẽ hình học. Chỉ có 2 môn Địa lý và Lịch sử, cậu được chấm “khá” và môn vẽ tự do được “xuất sắc”.
Cậu cảm thấy phấn khích trước viễn cảnh được giã từ trường học vĩnh viễn, đến nỗi lần đầu tiên và cũng là lần cuối trong đời, cậu uống rượu đến say mèm. Nhiều năm sau, cậu nhớ lại hình ảnh của mình khi nằm trên một đường quê ngoài Steyr, đến sáng được một người giao sữa vực dậy và đưa về thị trấn. Cậu thề sẽ không bao giờ như thế nữa. Ít nhất là về phương diện này, Hitler đã giữ lời, vì sau này ông không uống rượu, không hút thuốc, lại ăn chay, ban đầu do cuộc sống lang thang rỗng túi ở Vienna và Munich, sau đó là do sự tin tưởng.
Hitler thường miêu tả giai đoạn 2 đến 3 năm kế tiếp là những ngày đẹp nhất trong đời mình. Dù cho bà mẹ động viên và những người thân thúc giục học nghề và tìm việc làm, nhưng cậu trai trẻ vẫn mơ đến ngày trở thành một họa sĩ và thơ thẩn dọc sông Danube cho qua tháng ngày.
Cậu không bao giờ quên những năm tháng từ 16 đến 19 tuổi khi còn là “cục cưng của mẹ”, vui hưởng sự “trống rỗng của một cuộc đời thoải mái”. Tuy bà mẹ hay đau yếu và túng quẫn vì khoản lợi tức ít ỏi, nhưng cậu trai trẻ Adolf vẫn không muốn đỡ đần bằng cách kiếm một công việc. Cậu luôn căm ghét ý tưởng làm một nghề thường xuyên nào đấy để sinh sống.
Điều khiến cho cậu trai trẻ Hitler sắp thành niên cảm thấy hạnh phúc lúc này là được tự do mà không phải làm việc, để nghiền ngẫm ý tưởng, để mơ mộng, để thơ thẩn trên đường phố hoặc trong vùng đồng quê mà tranh luận với bạn bè rằng thế giới đang có những vấn đề gì và phải giải quyết ra sao, để những buổi tối nằm co với một cuốn sách hoặc đứng sau nhà hát ở Linz hoặc Vienna mà nghe những âm điệu huyền bí của nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner.
Một người bạn thời trai trẻ còn nhớ Adolf Hitler là một thanh niên có nước da xanh xao, có vẻ bệnh hoạn, khổ người mảnh khảnh, thường tỏ ra e thẹn và ít nói, nhưng có thể nổi cơn giận dữ đối với bất cứ người nào bất đồng ý kiến với anh ta. Trong 4 năm, anh ta tưởng tượng mình đem lòng yêu tha thiết một cô gái xinh đẹp có mái tóc bạch kim tên Stefanie. Và tuy vẫn thường trìu mến nhìn theo cô khi cô đi trên đường phố ở Linz cùng với bà mẹ, nhưng anh không bao giờ tìm cách làm quen với cô, mà chỉ muốn giữ cô trong thế giới tăm tối với những mộng tưởng của mình.
Đúng thế: trong nhiều bài thơ tình ông sáng tác cho cô nhưng không hề gửi đi (một bài có tựa Hymn to the Beloved, có nghĩa là: Khúc thánh ca cho người yêu dấu) mà ông đọc cho người bạn August Kubizek nghe, cô trở thành một khuê nữ trong vở opera Die Walkuerie, mặc bộ áo bằng nhung màu lam thẫm, cưỡi một con chiến mã trắng trên cánh đồng đầy hoa.
Ở tuổi 16, tuy vẫn muốn trở thành một họa sĩ hoặc kiến trúc sư, nhưng Hitler luôn bị chính trị ám ảnh. Lúc này, cậu có ác cảm mạnh mẽ đối với vương triều Habsburg và tất cả những chủng tộc không phải là gốc Đức. Bắt đầu từ tuổi 16 cho đến cuối đời, Hitler vẫn là người theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan.
Dù thích thơ thẩn đây đó, nhưng dường như Hitler lại không có phong cách vô tư lự của giới trẻ. Những vấn nạn của thế giới đè nặng tâm tư cậu. Kuzibek sau này kể lại:
“Đâu đâu cậu ấy cũng nhìn ra được những chướng ngại và thù địch... Cậu luôn tỏ thái độ chống đối với điều gì đó và thường đối nghịch với cả thế giới... Tôi chưa từng thấy cậu ấy xuề xòa với bất cứ điều gì...”.
Chính vào giai đoạn này mà người thanh niên vốn chán ghét trường học lại trở thành một người thích đọc sách, cậu đăng ký làm hội viên của Thư viện Giáo dục Thường xuyên ở Linz và Câu lạc bộ Bảo tàng, những nơi cậu mượn rất nhiều sách. Người bạn thời trai trẻ còn nhớ xung quanh Hitler luôn có đầy sách, thường là sách về lịch sử nước Đức và huyền thoại Đức.
William L.Shirer/Bách Việt Books - NXB Thông tin và Truyền thông
Nguồn Znews : https://znews.vn/nguoi-tinh-trong-mong-cua-hitler-nam-16-tuoi-post1533432.html