Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 diễn ra. Để tái tạo lại năng lượng sau một năm học tập và làm việc căng thẳng, thay vì lên kế hoạch chi tiêu hoành tráng, năm nay, một số người trẻ chọn đón Tếtbằng những trải nghiệm đơn giản, chú trọng cảm giác thoải mái chữa lành bên trong.
Tết đơn giản để thư giãn
Ý Như, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM, cho hay Tết này Như và bạn bè sẽ tổ chức cắm trại, nướng thịt và tắm suối gần nhà (Gia Lai).
“Nhịp sống hối hả, năng động khiến tôi luôn cảm thấy ngột ngạt, đuối sức, đôi khi tôi cần một khoảng lặng để phục hồi. Tết là khoảng thời gian để tôi làm những gì mình thích. Bên cạnh việc tận hưởng không khí yên bình, đây còn là cơ hội để tôi rời xa công nghệ, gắn kết bạn bè và rèn luyện sức khỏe” - Ý Như bày tỏ.
Theo Ý Như, Tết là quãng thời gian lý tưởng để những người bận rộn như chị được nghỉ ngơi và thư giãn sau một năm làm việc năng suất. Ảnh: NVCC
Để tiết kiệm thời gian, Ý Như và các bạn đã lên chi tiết kế hoạch "về rừng" đón Tết trên một cao nguyên ở quê nhà. Nói về lý do không đón Tết cùng gia đình, Ý Như chia sẻ: “Sự khác biệt về quan điểm sống giữa các thế hệ khiến không khí ngày Tết trong gia đình tôi sượng trân.
Một số vấn đề như trang trí phòng khách, nấu mâm cúng, sửa sang nhà cửa... tôi thấy không thoải mái khi bị ép phải làm”.
Tương tự, Thành Đạt - một nhân viên chứng khoán tại TP.HCM, cho biết mình có niềm đam mê với những con chữ và văn chương. Đọc sách, sưu tầm sách là sở thích của Thành Đạt trong nhiều năm nay.
"Trước đây, vào dịp Tết mỗi năm, tôi có ghé thăm họ hàng cùng gia đình. Nhưng vì nhận các câu hỏi hóc búa về mức thu nhập, kết hôn, công việc,… tôi mệt mỏi và không thoải mái. Thành thử năm nay, thay vì đi thăm họ hàng, tôi chọn ở nhà tận hưởng Tết một mình.
Tôi dự định đọc khoảng 10 cuốn mà mình vừa săn khuyến mãi dịp cuối năm. Dành ra những ngày đầu năm nằm thư giãn trong căn phòng quen thuộc, vừa cắn hạt dưa, nhâm nhi tách trà, lật từng trang sách, không chỉ giúp tôi mở mang vốn từ, mà còn tiếp cận kho tàng kiến thức của văn chương hùng vĩ. Mới nghĩ đến thôi tôi đã thấy hào hứng rồi” - Thành Đạt phấn khởi nói.
Số lượng sách mà anh Thành Đạt săn được dịp cuối năm.
Dù không tốn chi phí mua vé xe về quê đón Tết như nhiều người khác nhưng chị Hồng Vi (quê ở TP.HCM) bày tỏ quan ngại với việc sắm sửa ngày cận Tết và lì xì các cháu.
"Số tiền gấp ba lần tiền lương tháng của tôi. Thay vì đi thăm họ hàng, lì xì các cháu, Tết này tôi chỉ ở nhà nấu ăn, quay vlog thôi, vậy là hạnh phúc rồi. Mặc dù không khí rạo rực của những ngày cuối năm làm tôi cũng háo hức, nhưng nghĩ tới cảnh chen chúc, ra đường là kẹt xe, tôi rất oải" - chị Vi bày tỏ.
Chị Hồng Vi hạnh phúc khi tự nghiên cứu và nấu những bữa ăn.
Thổi làn gió mới vào văn hóa đón Tết
Ths Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên khoa Tâm lý học trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết ngày nay, nhiều người trẻ thường hướng đến một cái Tết thư thái, nhẹ nhàng, ít tốn kém thay vì một cái Tết hoành tráng.
Ths Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên khoa Tâm lý học trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Theo Ths Vui, việc người trẻ chú trọng nâng cao trải nghiệm bên trong, chọn đón Tết thư giãn để phục hồi năng lượng sau một năm đầy biến động là điều đáng quý và cũng là một sự thay đổi dễ hiểu.
“Đối với người lớn, cả một năm mới có cơ hội sum vầy, Tết là dịp quan trọng để đoàn tụ, đa phần người lớn sẽ kỳ vọng người trẻ tham gia đông đủ. Tuy nhiên, việc người trẻ tỏ ra không hứng thú sẽ khiến ông bà, cha mẹ thất vọng, buồn tủi và có thể gây ra mâu thuẫn trong gia đình" - Ths Vui nói.
Theo Ths Vui, trước những câu hỏi khó, những so sánh về chuyện kết hôn, công việc từ người lớn cũng khiến người trẻ cảm thấy bị phán xét.
Cạnh đó, việc người trẻ né tránh đoàn tụ gia đình có thể là cơ chế phòng vệ tâm lý nhằm tránh cảm giác thất bại, tự ti hoặc căng thẳng khi không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình. Nếu không có sự thấu hiểu và giao tiếp hiệu quả, mối quan hệ gia đình sẽ dần xa cách và người trẻ sẽ cảm thấy bị xa lạ trong chính tổ ấm của mình.
Để việc chọn đón một cái Tết đơn giản, thậm chí đón Tết một mình hiệu quả và lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực, người trẻ cần hiểu được động cơ của việc lựa chọn này.
"Người trẻ cần có sự cân bằng giữa quyền tự do cá nhân và mối quan hệ gia đình để tránh tạo sự xa cách lâu dài. Bên cạnh đó, người trẻ nên học cách quản lý cảm xúc và xây dựng kỹ năng giao tiếp để đối diện với những tình huống nhạy cảm thay vì né tránh” - Ths Vui cho hay.
Ở khía cạnh văn hóa, TS Lưu Tuấn Anh - một chuyên gia văn hóa, cho rằng Tết là dịp lễ lớn của dân tộc, mỗi người sẽ có những cách tận hưởng khoảng thời gian ý nghĩa này theo cách khác nhau.
“Việc lựa chọn đón Tết bằng những trải nghiệm đơn giản, không cầu kỳ của nhiều bạn trẻ rất đáng để học hỏi. Sự phức tạp đôi khi lại kiềm chế con đường phát triển của xã hội, đơn giản mà mang lại niềm hạnh phúc, an lạc trong tâm hồn thì tại sao chúng ta lại không ủng hộ?
Trải nghiệm Tết đơn giản cũng giúp chúng ta duy trì lối sống tiết kiệm, nhất là trong thời buổi đời sống kinh tế khó khăn. Đọc sách tại nhà, nấu ăn cùng gia đình hay cắm trại với bạn bè vừa có cơ hội gắn kết, quây quần bên người thân yêu, vừa trang bị thêm cho chúng ta nhiều kiến thức bổ ích” - TS Lưu Tuấn Anh chia sẻ.
Cuối cùng, TS Tuấn Anh nhấn mạnh rằng người trẻ đón Tết dù đơn giản hay phức tạp đều đáng được trân trọng nếu như chúng không đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
“Người trẻ mang theo lối sống tích cực, thổi vào làn gió mới trong dòng chảy văn hóa của dân tộc, trong đó có văn hóa Tết. Họ đã đang làm cho ngày Tết của chúng ta thêm nhiều màu sắc mới nhưng cũng không xa rời truyền thống tốt đẹp của đất nước.
Họ sẽ quảng bá Tết của chúng ta rộng rãi đến với bạn bè khắp nơi thông qua các phương thức trải nghiệm của họ trên các nền tảng mạng xã hội” - TS Lưu Tuấn Anh nhận định.
NHƯ NGUYỆT