Tôi đã có mặt giữa dòng người nườm nượp mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Giữa biển người mừng đại lễ, tôi thấy tình yêu nước không chỉ hiện diện trong những lá cờ, tiếng hô vang, mà còn âm thầm chảy trong máu, trong từng ánh mắt, nụ cười và hành động giản dị của mỗi người Việt Nam hôm nay.
Những ngọn lửa không bao giờ tắt
Người dân TP. Hồ Chí Minh tập trung đông đảo tại Bến Bạch Đằng trong buổi tổng duyệt
Khi nghe tin TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn nhất kể từ năm 1975, tôi đã cùng bạn mình lập kế hoạch “camp” để có một vị trí thật đẹp. Được biết, lễ diễu binh, diễu hành có sự tham gia của hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc 42 đơn vị vũ trang, lực lượng thanh niên xung kích và các tổ chức quần chúng.
Những hình ảnh cảm động của chiến sĩ luyện tập dưới nắng, những dòng trạng thái như: “Tự hào thay tôi là người Việt Nam", "Nếu có kiếp sau, tôi mong mình vẫn là người Việt Nam”. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ của Việt Nam hay lá cờ nửa đỏ nửa xanh đại diện cho tổ chức Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam và cả những chiếc áo với dòng chữ: “Tôi yêu Việt Nam” khắp nơi.
Khi có mặt tại buổi tổng duyệt và duyệt binh chính thức, chứng kiến cảnh người dân, có cả trẻ em, bất chấp đường xa, sẵn sàng dậy sớm để xem diễu binh. Rồi còn thấy cả hình ảnh các chiến sĩ đem lương khô phát cho mọi người ăn lấy sức, một hành động nhỏ nhưng cũng đủ làm bao người cảm thấy ấm lòng. Cảnh tượng ấy thật khiến tôi tự hào vô cùng. Tình yêu nước luôn cháy trong tim người Việt chúng ta, từ những năm tháng chiến tranh đến hôm nay và ngọn lửa ấy vẫn tiếp tục được truyền qua các thế hệ.
Giữa dòng người nườm nượp, tôi có dịp trò chuyện với bạn Mai Ngọc Khôi, sinh viên một trường đại học quốc tế. Khi được hỏi lý do vì sao bạn cắm trại ở ven đường thay vì ở nhà thoải mái xem truyền hình trực tiếp, livestream, bạn chia sẻ: “Lý do em sẵn sàng đứng "camp" ở đây, bất chấp cái nóng nực ở TP.HCM vì em muốn hòa chung bầu không khí hào hùng của ngày lễ lịch sử. Là lớp trẻ, chúng em thấy rất tự hào và biết ơn các bậc cha anh đã hy sinh xương máu để giành được độc lập cho dân tộc.
Chứng kiến hình ảnh trang nghiêm của các lực lượng diễu binh, diễu hành và các cựu chiến binh xúc động mà nước mắt cứ tự trào ra tự trong huyết quản, chúng em tự nhủ mình càng phải thể hiện tình yêu nước sâu sắc hơn bằng những hành động thiết thực để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.
Ấm lòng các chiến sĩ phát lương khô cho người dân. Ảnh: Hồng Duyên
Không chỉ riêng tôi, mà tất cả thế hệ trẻ khi chứng kiến trực tiếp hay qua truyền hình buổi kỷ niệm đại lễ đều có cảm giác đầy tự hào và biết ơn các bậc cha anh đã tạo nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đại lễ không chỉ để nhớ về quá khứ, mà còn là lúc để thấy ngọn lửa yêu nước cháy mãi trong trái tim trong hàng triệu con người, trong đó có thế hệ trẻ. Giữa biển người hôm ấy, tôi nhận ra tình yêu đất nước không xa xôi, mà luôn thường trực từng bước chân, từng nhịp thở và từng ánh mắt quanh tôi.
Giữa biển người rợp sắc cờ, tôi thấy lịch sử không chỉ còn trong những trang sách. Nó hiện diện sống động trong màu cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, trong bộ quân phục sờn vai của những cựu chiến binh, trong những bài ca cách mạng vẫn vang vọng giữa phố phường.
Lịch sử không phải là điều xa xôi, nó bước cùng chúng ta mỗi ngày, hiện hình trong từng biểu tượng và từng ký ức được gìn giữ cẩn trọng.
Tự hào về lịch sử là hiểu rằng chiến thắng hôm nay được đánh đổi bằng máu và nước mắt của bao thế hệ đi trước. Là biết trân trọng những giá trị đã đắp nên nền hòa bình hôm nay và tự nhắc mình giữ lấy bằng lòng biết ơn sâu sắc, bằng hành động cụ thể, không để lịch sử chỉ còn là lễ nghi hình thức.
Giữ gìn lịch sử là trách nhiệm của mỗi người, để lịch sử không chỉ là bảo tồn những kỷ vật cũ mà đó còn là cách thắp lên ngọn lửa tự hào trong lòng thế hệ trẻ, để lòng yêu nước mãi cháy rực và bền bỉ qua thời gian.
Tình yêu đất nước thể hiện qua những việc làm thiết thực
Tình yêu đất nước không chỉ thể hiện qua lời nói hay những biểu tượng bề nổi, mà phải được chứng minh bằng hành động thiết thực trong đời sống hằng ngày. Một người yêu nước thật sự là người biết hành động vì cộng đồng, vì danh dự và hình ảnh quốc gia.
Giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, tôn trọng các di tích lịch sử, cư xử văn minh với du khách quốc tế, chấp hành luật lệ giao thông - tất cả những việc nhỏ ấy đều phản ánh tinh thần yêu nước. Tình yêu ấy không phải là những phút giây bốc đồng theo trào lưu, mà là sự bền bỉ trong từng hành động giản dị, không cần phô trương.
Giữa dòng người hối hả ra về sau buổi lễ, tôi bắt gặp một nhóm bạn trẻ lặng lẽ nhặt rác trên phố. Không hô hào, không ồn ào, chỉ cần một chiếc bao lớn và đôi tay kiên nhẫn, họ từng bước gom lại những vỏ chai, túi nilon còn vương vãi. Trong số đó, tôi gặp bạn Nguyễn Ngọc Quỳnh Uyên, sinh viên FPT Polytechnic, bạn chia sẻ về hành động của mình: “Em chỉ đơn giản là muốn giữ gìn vệ sinh sau buổi lễ 30/4, một phần cũng giúp các cô chú lao công đỡ cực nhọc hơn”.
Một nhóm bạn trẻ ở lại nhặt rác sau khi buổi lễ kết thúc. Ảnh: Trân Nguyễn
Lòng yêu nước không thể chỉ dừng lại ở những lời hô hào hay các trend trên mạng xã hội. Tình yêu đất nước cần phải được nuôi dưỡng bằng nhận thức lịch sử, hành động thiết thực. Một dân tộc không chỉ cần những ngọn lửa rực cháy trong mắt, mà còn cần những bàn tay kiên trì dọn dẹp từng hạt tro sau đó. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nhưng cũng đừng quên rằng, nếu chỉ biết ăn quả mà không biết chăm bón thì cái cây ấy cũng sẽ chết.
Vậy nên, thay vì chỉ đứng hô vang hai chữ "Việt Nam", hãy cúi xuống, nhặt từng mẩu rác dưới chân, ngẩng lên nhìn những người từng giữ nước đang lặng lẽ giữa dòng người, và tự hỏi: Mình yêu nước thật sự, hay chỉ đang đu trend? Bởi lòng yêu nước, nếu thực sự chảy trong máu, sẽ hiện ra trong từng việc nhỏ bé nhất, chứ không chỉ trong những phút giây cao trào.
Một người yêu nước thật sự là người biết hành động vì cộng đồng, vì danh dự và hình ảnh quốc gia và tình yêu đất nước cần phải được nuôi dưỡng bằng nhận thức lịch sử, hành động thiết thực.
Trân Nguyễn