Họa nắng trong sương sẽ chuyển tải những gì, thưa anh?
Nhà sản xuất Phạm Gia Quý (PGQ):Đây là bộ phim mang thể loại lịch sử và lãng mạn lấy bối cảnh tại Hà Nội những năm 1940. Nhân vật chính là đôi sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nói đến tình yêu sinh viên ta dễ liên tưởng đến thể loại phim thanh xuân, nhưng hồi đó khác bây giờ rất nhiều. Một giai đoạn đầy biến động cùng với Thế chiến thứ hai chính là bối cảnh đầy thử thách đối với tình yêu của con người. Đôi bạn ấy phải đối mặt với hàng loạt những câu hỏi lớn cho những người trẻ tuổi thời điểm đó: cân bằng khát vọng của tuổi trẻ, đòi hỏi của gia đình, tình cảm dành cho nhau, cũng như về lý tưởng nghệ thuật...
Poster ý tưởng của Họa nắng trong sương
Bộ phim xoay quanh câu hỏi then chốt: "vì tôi, vì người, hay vì một thứ lớn lao và cao cả hơn?". Sự trăn trở mang tính triết học này phản ánh những trải nghiệm văn hóa rộng lớn hơn của người Việt như thế nào?
Tôi là một người sống ở thế kỷ 21 nên tôi không thể đại diện cho những người ở thế kỷ thứ 20. Nhưng thời nay ta cũng có những trăn trở của bản thân cần phải vượt qua. Tuy nhiên, mỗi lần nói chuyện với ông bà, cha mẹ thì họ luôn nói: “Người trẻ sướng quá rồi, không cần phải lo gì hết mà còn than thở”. Những vấn đề lớn của người trẻ ngày nay thường xoay quanh việc chọn công ty nào, lương thưởng có tốt không, hoặc không biết nên đi du học hay không. Ta thấy những chuyện này rất khó khăn. Nhưng khi nhìn lại thời kỳ những năm 1940 vừa có chiến tranh, vừa có văn hóa du nhập, theo một cách nào đó, tôi và các đồng nghiệp cảm thấy rằng thời gian đó cũng mang nét tương đồng với những gì người trẻ thời kỳ này đang trải qua. Những khó khăn mà bản thân tôi và bạn đã và đang trải qua: những câu hỏi về sự nghiệp, về tình yêu, về gia đình và khoảng cách thế hệ, thì con người thời xưa cũng đã đối mặt, chỉ khác bối cảnh thôi. Chúng tôi muốn biến những trăn trở đó thích hợp với thời bây giờ bằng cách xoáy vào vấn đề của người trẻ Việt, như sự nông nổi, tình yêu, lý trí,... ở thời điểm nhiều biến động thời cuộc. Đó là thời gian mà người Việt phải chọn theo cái này hoặc cái kia. Đó cũng là cách để ta nhìn về quá khứ và hiểu thêm về những người đi trước.
Phạm Gia Quý là nhà làm phim trẻ, tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Savannah tại Mỹ, đã có một số phim độc lập được công chiếu tại các LHP quốc tế như LA Shorts Film Festival (Mỹ), Brisbane International Film Festival (Úc)...
Bộ phim kể câu chuyện về thời kỳ Đông Dương của Việt Nam qua góc nhìn của người bản địa. Theo anh, những câu chuyện hoặc góc nhìn lịch sử cụ thể nào đã bị bỏ qua trong các bộ phim do phương Tây sản xuất trước đây về thời kỳ này?
Khi người Pháp làm phim về thời kỳ Đông Dương như The Lover (1992) hay Indochine (1992) thì tất nhiên nhân vật chính hoặc thứ chính của họ là người Pháp. Ký ức tập thể của người Pháp về thời kỳ Đông Dương khác với ký ức của người Việt. Góc nhìn của họ về thời kỳ này mang vẻ hoài cổ và lãng mạn hóa. Sự lãng mạn luôn là yếu tố tiên quyết của họ khi gợi nhớ về thời kỳ Đông Dương.
Còn với tôi, góc nhìn của người Việt về thời kỳ Đông Dương phức tạp hơn, chứ không chỉ mang một nỗi nhớ nhung về nó. Đối với ta, đó là một thời kỳ đã qua và ta muốn vượt qua nó. Giống như thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của người dân Việt Nam vậy. Đó là một thời kỳ rất gian khổ, khó khăn nhưng ta luôn nhớ về nó. Nhưng ta nhớ, để biết rằng mình đã vượt qua được những gì, và bây giờ tự hào về điều đó.
Thẩm mỹ thị giác của nghệ thuật Đông Dương, đặc biệt là tác phẩm của các họa sĩ như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân được chuyển thể thế nào vào tầm nhìn điện ảnh của phim?
Không phải là người trực tiếp lo về vấn đề này nên tôi chỉ có thể nói rằng đạo diễn, ekip nghệ thuật cũng như cố vấn nghệ thuật của phim đã rất tập trung nghiên cứu và sử dụng tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đó để tham khảo cho phần hình ảnh của phim, như cách đánh sáng, cách lựa ống kính, hay bối cảnh. Đó là tất cả những vấn đề về mặt kỹ thuật tạo nên một bộ phim. Nó nằm trong câu chuyện liệu mọi người có làm bộ phim giống những tư liệu tham khảo hay không, và giống tới mức nào. Ví dụ như bộ phim Loving Vincent được tạo thành từ những khung hình được vẽ theo phong cách tranh sơn dầu của họa sĩ Van Gogh. Đó tất nhiên không phải là cái mà Họa nắng trong sương đang làm.
Nhà sản xuất Phạm Gia Quý (trái) và đạo diễn Jay Đỗ của bộ phim Họa nắng trong sương. Nguồn ảnh: Spring Auteurs
Với một tổ chức các nhà làm phim trẻ là Spring Auteurs, theo anhcác bạn ấy có mang đến những góc nhìn mới mẻ khi kể lại lịch sử?
Tôi nghĩ là ở trên đời không có cái gì là mới hết, không có gì là nguyên bản cả. Hồi tôi đi học đạo diễn ở Mỹ, có một câu của nhà báo Christopher Booker mà tôi khắc cốt ghi tâm: “Ở trên đời chỉ có 7 câu chuyện, và nó sẽ được kể từ đây cho đến khi nào câu chuyện không được kể nữa”. Dù là câu chuyện nào đi chăng nữa thì nó cũng không phải là mới. Những bộ phim ta xem đều học hỏi từ những bộ phim khác của những nhà làm phim đời đầu. Công việc mà chúng tôi đang làm ở đây là cố gắng làm cho những phần lịch sử này dễ tiếp cận với đại chúng hơn, thay vì đọc sách và học lịch sử.
Trong ngành phim có một quy tắc được sử dụng nhiều nhất, là “Hãy viết những gì ta biết”. Tuy nhiên riêng tôi lại nhìn nhận câu đó như thế này: “Để viết thì bạn phải biết. Nếu không biết thì bạn phải đi tìm cho đến khi nào bạn tự tin là bạn thật sự hiểu sâu về vấn đề đó rồi bạn mới nên viết”. Trong quá trình viết bạn còn phải tìm hiểu nhiều hơn nữa. Tôi mong rằng mọi người cũng sẽ hiểu câu nói đó theo nghĩa này. Tôi thích những bộ phim gần gũi về đề tài làng xóm, láng giềng, và cuộc sống hiện tại của mình. Nhưng tôi cũng muốn mạo hiểm để đi xa hơn và sâu hơn về một giai đoạn lịch sử nào đó. Điều này sẽ đem lại một phần thưởng rất tuyệt vời vì mình đang giúp một bộ phận khán giả hoặc nói chung là rất nhiều người Việt biết thêm về vấn đề đó.
Sau buổi thuyết trình gần đây của anh tại LHP Quốc tế Singapore, bộ phim này đã nhận được sự quan tâm quốc tế nào?
Các công ty phim và công ty hậu kỳ ở Singapore quan tâm và hỏi về dự án này. Ngoài ra còn có Pháp cũng như một số quốc gia khác như Philippines, Nhật Bản. Khi đi thuyết trình ở Singapore ban đầu tôi cũng hướng đến việc đồng sản xuất với nước khác. Nhưng tôi nhận ra rằng sự phối hợp sản xuất sẽ phù hợp hơn với những dự án phim arthouse (phim nghệ thuật), còn dự án này nửa arthouse, nửa thương mại. Nếu xét theo thước đo từ 1 đến 10 với 1 là “siêu thương mại” và 10 là “siêu nghệ thuật” thì Họa nắng trong sương ở mức 4 hoặc 5. Tôi nghĩ có những bộ phim mà mình không thể nào phân loại thành arthouse hay thương mại được, nó chỉ là một bộ phim hay hoặc dở thôi.
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Kinh Quốc