Người trẻ kiếm tiền ngay cả khi không rời khỏi căn phòng

Người trẻ kiếm tiền ngay cả khi không rời khỏi căn phòng
9 giờ trướcBài gốc
Không cần hộ chiếu, không đến văn phòng, không ký hợp đồng lao động truyền thống, một thế hệ lao động mới đang âm thầm định nghĩa lại khái niệm “nghề nghiệp”. Họ làm việc qua màn hình, nhận thù lao bằng mã QR, và xây dựng sự nghiệp trong một không gian không ranh giới: nền tảng số.
Theo khảo sát quốc tế của World Economic Forum và McKinsey, tỷ lệ người trẻ chọn con đường làm việc tự do qua nền tảng số đang tăng mạnh sau đại dịch, đặc biệt trong các lĩnh vực sáng tạo nội dung, công nghệ, tư vấn và thương mại điện tử.
Trong hệ sinh thái đó, livestream từng là công cụ giải trí đang dần trở thành một mô hình nghề nghiệp thực thụ.
Một số nghiên cứu từ Allied Market Research và Grand View Research ước tính, đến năm 2024, quy mô thị trường livestream toàn cầu có thể chạm ngưỡng 240–250 tỷ USD. Khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á, đóng vai trò trung tâm tăng trưởng.
Tại Việt Nam, livestream xuất hiện ngày càng nhiều không chỉ trong thương mại điện tử mà còn ở các lĩnh vực như làm đẹp, tâm sự, giáo dục, chăm sóc sức khỏe tinh thần…
Một trong những người trẻ đang sống và làm việc theo mô hình đó là Nguyễn Quỳnh Như – sinh năm 2001. Như đến từ Khánh Hòa. Không xuất thân từ ngành truyền thông hay công nghệ, bắt đầu công việc như một trải nghiệm cá nhân: chia sẻ những câu chuyện nhỏ trong ngày, tâm sự với người xem như những người bạn. Thế nhưng, sau một thời gian, cô nhận ra: để làm nghề thực sự trong không gian ảo, cần nhiều hơn cảm hứng.
Nguyễn Quỳnh Như bắt đầu livesstream như một thú vui từ năm 2021
Từ một streamer chỉ tùy hứng trong lúc rảnh rỗi, Như bắt đầu xây dựng lịch làm việc bài bản: lên kịch bản trước mỗi buổi livestream, phân tích thời gian xem, theo dõi phản hồi, điều chỉnh giọng nói, ánh sáng và cả nội dung cho phù hợp với từng mùa.
Cô chọn đi sâu vào hai hướng ít cạnh tranh hơn nhưng giàu tiềm năng: beauty review và kể chuyện (storytelling).
Càng làm, tôi nhận ra khán giả không chỉ cần nội dung hay, mà cần cảm thấy thật, dù đang qua màn hình. Chính vì vậy, tôi luôn ưu tiên giữ phong cách gần gũi, chân thành, thay vì phô trương hay chạy theo xu hướng một cách rập khuôn”, Như cho biết.
Ở mảng nội dung làm đẹp, lĩnh vực đang tập trung phát triển, Như đặc biệt chú trọng yếu tố hữu ích và ứng dụng được.
Mình không hướng tới việc quảng bá sản phẩm cho bằng được, mà chọn lọc kỹ và chỉ chia sẻ những gì thực sự phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh của người xem. Nếu không mang lại giá trị thật, thì mình không làm”, Như chia sẻ.
Hiện tại, mỗi phiên livestream chia sẻ của Như có hàng ngàn người xem đồng thời.
Sự chuyên tâm ấy giúp Như dần hình thành tệp người xem ổn định, phần lớn là nữ từ 18–35 tuổi.
Điều thú vị là có không ít người trong số đó đang sinh sống tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu hay Mỹ. Họ không chỉ là người nước ngoài, mà còn là những người Việt trẻ xa quê, chọn nghe Như mỗi tối như một cách kết nối lại với tiếng Việt, với giọng nói và văn hóa quen thuộc. Dù chưa từng gặp mặt, họ để lại bình luận, nhắn tin, gửi lời cảm ơn và… mua các sản phẩm mà Như giới thiệu.
Theo các chuyên gia, nghề nghiệp như Như là một dạng lao động xuyên biên giới ở cấp độ cá nhân, nơi người trẻ có thể tiếp cận thị trường toàn cầu mà không cần di chuyển khỏi không gian sống của mình.
Họ không bị ràng buộc bởi văn phòng cố định, thị thực lao động hay ranh giới địa lý. Thay vào đó, chính kết nối internet và khả năng sáng tạo nội dung đã mở ra một hình thái nghề nghiệp mới – linh hoạt, tự chủ và không biên giới.
Meta thống kê, vào năm 2023 có gần 48% người sản xuất nội dung UGC tại Việt Nam là nữ giới. Trong số đó, Gen Z chiếm tỷ lệ áp đảo, với hai lĩnh vực phát triển nhanh nhất là beauty và lifestyle.
Những người trẻ này không chờ được tuyển dụng, họ tự tạo ra công việc cho chính mình, tự học kỹ thuật, tự xây dựng thương hiệu rồi tự điều chỉnh để phù hợp hơn với thị trường.
Tuy nhiên, làm nghề trong không gian số cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Không khung giờ cố định đồng nghĩa với việc khó phân định ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân.
Việc thiếu hợp đồng chính thức, chế độ bảo hiểm hay thuế thu nhập cũng khiến nhiều creator không thể tiếp cận các chính sách tài chính cơ bản.
Bên cạnh đó, áp lực vô hình của “thuật toán”: chỉ cần vài buổi livestream vắng người xem, vài video không lên xu hướng, thu nhập có thể giảm đáng kể.
“Cái khó không phải là lúc bắt đầu, mà là làm sao để duy trì đều đặn, không kiệt sức và vẫn giữ được cảm xúc thật trong từng buổi livestream”, Như chia sẻ.
Với Như, công việc này không chỉ là cách kiếm tiền mà còn là hành trình tự trưởng thành. Cô học được cách lên tiếng, lắng nghe và làm việc nghiêm túc trong một thị trường tưởng chừng rất thoáng nhưng thực tế lại vô cùng khắc nghiệt.
Câu chuyện của Nguyễn Quỳnh Như phản ánh chân thực một lát cắt của thị trường lao động hiện đại, nơi công việc không còn phụ thuộc vào không gian, mà vận hành nhờ kết nối công nghệ và tính kỷ luật cá nhân.
Trong bối cảnh môi trường số liên tục biến động, những người trẻ như Quỳnh Như đang từng bước định hình một thế hệ lao động mới: linh hoạt về hình thức, chủ động trong phát triển kỹ năng, có trách nhiệm với chính lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Linh Đan
Nguồn Tiêu Dùng : https://tieudung.giadinhonline.vn/nguoi-tre-kiem-tien-ngay-ca-khi-khong-roi-khoi-can-phong-d11034.html