Người trẻ ngại cưới, lười sinh: Nguyên nhân khiến cấu trúc gia đình Việt thay đổi?

Người trẻ ngại cưới, lười sinh: Nguyên nhân khiến cấu trúc gia đình Việt thay đổi?
5 giờ trướcBài gốc
Một trong những thông điệp được nêu ra trong ngày Quốc tế gia đình năm nay (15/05) là: Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc.
Ảnh minh họa: PoE
Vậy sự thay đổi về cấu trúc gia đình Việt Nam hiện nay có làm thay đổi quan niệm hạnh phúc gia đình và hạnh phúc quốc gia hay không, phóng viên Huy Hoàng đã có cuộc trao đổi với ông Huy Phạm – thành viên trung tâm nghiên cứu Hill Asean Việt Nam ( tập đoàn Hakuhodo - Nhật Bản) về nội dung này.
PV: Xin chào Huy Phạm, đâu là điểm khác biệt về cấu trúc gia đình Việt Nam hiện nay so với giai đoạn 10 năm trước hay xa hơn là thời điểm Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước 50 năm trước?
Ông Huy Phạm: 10 năm trước đây Hill Asean có làm 1 nghiên cứu, lúc đó khi được hỏi thì định nghĩa về gia đình Việt Nam khá là rộng, bao gồm cả những thành viên không ở chung 1 ngôi nhà vì thời điểm đó sự bùng nổ của internet, mạng xã hội giúp kết nối được các người thân ở nhiều nước khác. Sau 10 năm, năm 2024 với cùng 1 câu hỏi đó thì tỷ lệ xem người thân như ông bà, anh em, cô cậu là thành viên trong 1 gia đình đã giảm rất thấp, thậm chí là thấp nhất Đông Nam Á.
Có thể thấy là sự hào hứng kết nối bằng công nghệ đã không còn nữa và hiện nay người Việt Nam xem số lượng thành viên trong gia đình nhỏ hơn, chỉ gồm bố mẹ và anh chị em. Hiện tại, kích cỡ 1 gia đình Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều so với trước.
PV: Công nghệ hay thiết bị thông minh có phải là nguyên nhân khiến cấu trúc gia đình Việt Nam bị phá vỡ?
Ông Huy Phạm: Thực ra công nghệ có thể xem là nền tảng để kết nối, nó không phải là nhân tố chính ảnh hưởng mà chỉ để thể hiện sự chuyển đổi. Theo tôi thì sự thay đổi đó đến từ việc kinh tế phát triển, mỗi người khi đi làm việc phải cạnh tranh nhiều hơn dẫn đến việc 1 gia đình nhỏ sẽ hiệu quả hơn trong việc vận hành so với 1 gia đình quá lớn.
Ngoài ra thì sự di cư từ nông thôn lên thành thị cũng dẫn đến việc cấu trúc gia đình nhỏ hơn, người ta hay nói đến khái niệm “Xa mặt cách lòng” để lý giải tình trạng ít gặp gỡ anh chị em, ông bà, người thân hơn, cuộc sống quá bận rộn khiến người ta mất dần các sự kết nối.
PV: Có một thực tế tại TP.HCM hay Hà Nội là người trẻ ngại cưới lười sinh. Theo nhóm nghiên cứu thì đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Ông Huy Phạm: Một số báo cáo gần đây cho thấy tuổi kết hôn trung bình tại TP.HCM là 30 tuổi – cao nhất cả nhất. Có thể lý giải là mức độ phát triển kinh tế đang ảnh hưởng đến nhu cầu lập gia đình của người của người trẻ hiện tại.
Các áp lực về công việc, áp lực về chi phí để nuôi dạy 1 đứa trẻ hay tâm lý đưa 1 đứa trẻ đến với cuộc sống nhiều bất ổn, chưa sẵn sàng ngoài kia tương đối khó khăn trong nhiều năm tới hay từ những chính sách trước đây của nhà nước như “dù gái hay trai chỉ 2 là đủ”… càng ngày càng khiến người trẻ cảm thấy khó khăn trong việc lập gia đình, có con hơn là tận hưởng niềm vui trong đó.
Ảnh minh họa: PoE
PV: Câu chuyện tận hưởng niềm vui cá nhân về kinh tế hay các giá trị bản thân của người trẻ là khá dễ thấy hiện nay. Tuy nhiên từ những người lớn tuổi hơn như ông bà cha mẹ họ lại cho rằng người trẻ lại thờ ơ thậm chí là ích kỷ. Nên hiểu như thế nào về các quan điểm có phần bất đồng này?
Ông Huy Phạm: Thực ra giới trẻ hiện nay có nhiều lợi thế hơn, có nhiều nền tảng, sự hỗ trợ để phát triển nhưng cũng chính vì vậy mà các bạn đang phải chịu nhiều áp lực, thử thách khi những người xung quanh ai cũng rất giỏi.
Nghiên cứu của chúng tôi từ Việt Nam mở rộng sang các nước ASEAN và nhìn ngược lại Việt Nam cũng cho thấy điều đó.
Chính áp lực phải lo cho cuộc sống sau này của người trẻ ngày càng cao dẫn đến việc các bạn phải lo cho sự nghiệp, bản thân nhiều hơn. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng không phải tất cả ông bà cha mẹ đều cho rằng điều đó là ích kỷ mà phần lớn họ đều ủng hộ về tinh thần hay giúp đỡ các bạn bằng cách tự lo cho bản thân nhiều hơn.
Rất nhiều người khi trả lời phỏng vấn chúng tôi đều nói rằng “ miễn con cái lớn lên tự lo cho bản thân được là tốt lắm rồi”. Điều đó cho thấy là 1 bộ phận người lớn tuổi tự ý thức chăm sóc cho bản thân họ hơn là lệ thuộc vào con cái. Điều đó phản ánh sự phát triển của con cái và mỗi người cần cố gắng hơn nữa để cả gia đình có thể phát triển.
PV: Xin cám ơn ông!
PV/VOV - Giao thông
Nguồn VOV : https://vov.vn/doi-song/nguoi-tre-ngai-cuoi-luoi-sinh-nguyen-nhan-khien-cau-truc-gia-dinh-viet-thay-doi-post1199800.vov