Sau mỗi tấm hình là những câu chuyện chưa từng kể, những nỗi nhớ chưa từng nguôi và cả những giọt nước mắt của những người đã dành cả đời đi tìm hình bóng người thân. Những người trẻ với hành trang là công nghệ số và lòng nhiệt huyết đang góp phần làm sống dậy và lan tỏa giá trị lịch sử tới cộng đồng. Hãy cùng nghe những chia sẻ của anh Lê Văn Phúc về hành trình đầy ý nghĩa, tri ân thế hệ cha anh đã anh dũng, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Anh Lê Văn Phúc miệt mài gắn bó với công việc phục dựng ảnh trong suốt 5 năm qua.
Phóng viên: Hôm nay là ngày 30/4, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên khắp mọi miền của Tổ quốc, mọi người đều hân hoan chào đón ngày thống nhất, Bắc - Nam nối liền một dải, đất nước trọn niềm vui. Là một người trẻ sinh ra trong hòa bình, cảm xúc của anh thời điểm này như thế nào?
Anh Lê Văn Phúc: Tôi cảm thấy rất tự hào. Năm nay là một mốc tròn, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được làm những công việc có ý nghĩa, thể hiện sự tri ân đối với những người có công với cách mạng.
Phóng viên: Để thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình là biết bao sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Là một trong những người tiên phong trong việc thực hiện phục dựng ảnh và trao tặng ảnh cho các gia đình, thân nhân trên khắp mọi miền của Tổ quốc, cơ duyên nào đưa anh gắn bó với công việc này?
Anh Lê Văn Phúc: Đến với dự án này, tôi cũng đã làm được 5 năm. Cơ duyên đưa tôi đến công việc này xuất phát đầu tiên từ sự đồng cảm đối với những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Bởi trong gia đình tôi cũng có bác là liệt sĩ và mọi người trong gia đình cũng rất muốn có được một tấm ảnh của bác, nhưng đến nay vẫn chưa thể làm được vì giờ không còn ai nhớ mặt bác để mô tả hoặc vẽ lại và ảnh của bác ngày xưa cũng không có. Vì vậy, tôi ý thức được rằng, đối với những liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, tấm ảnh là kỷ vật gần như duy nhất và sau nhiều năm, ảnh cũng bị hoen ố, phai màu đi rất nhiều. Khi chúng tôi làm được tấm ảnh liệt sĩ để trao tặng đến các gia đình, mọi người cảm thấy rất xúc động, nhiều người đã bật khóc. Vì vậy chúng tôi quyết định chọn phục dựng ảnh liệt sĩ để trao tặng và tri ân đối với các gia đình.
Phóng viên: Đằng sau từng bức ảnh gửi gắm trong đó là rất nhiều tâm huyết và tấm lòng tri ân đối với thế hệ cha anh. Vậy trong hành trình 5 năm thực hiện công việc này, anh có thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Anh Lê Văn Phúc: Thuận lợi của tôi đó là được sự ủng hộ của gia đình, của mọi người, của cộng đồng. Còn khó khăn thì cũng có rất nhiều. Từ những ngày chúng tôi bắt đầu làm, việc đầu tiên chúng tôi phải tìm hiểu về quân phục của các chiến sĩ theo các thời kì và tư liệu đó thì cũng không có nhiều trên mạng để tham khảo. Chúng tôi phải hỏi các chú, các bác cựu chiến binh hay tham khảo ở những bảo tàng, bởi chúng tôi quan niệm, đã làm là phải chính xác, mỗi một thời kì sẽ có một sự thay đổi nhất định. Khó khăn thứ hai là có những bức ảnh rất khó, bức ảnh gần như hỏng hết toàn bộ hoặc có những liệt sĩ không có ảnh. Trong trường hợp đó, chúng tôi phải vẽ phác thảo lại rất nhiều, trao đổi với gia đình để nhận được sự mô tả và sự góp ý, từ đó điều chỉnh cho chính xác. Khó khăn thứ ba là về thời gian. Công việc cần rất nhiều thời gian và chúng tôi cũng phải cân đối với công việc hàng ngày.
Phóng viên: Trong 5 năm qua, anh đã phục dựng thành công bao nhiêu bức ảnh liệt sĩ?
Anh Lê Văn Phúc: Nếu để nhớ chính xác bao nhiêu bức thì có lẽ là không thể nhớ được hết. Nhưng tôi có thể ước tính, cá nhân tôi và tất cả các thành viên trong nhóm của chúng tôi đã phục dựng được khoảng 7.000 bức chân dung.
Phóng viên: Hành trình phục dựng hàng nghìn bức ảnh mờ nhạt, ố vàng ban đầu trở thành các bức ảnh chân thực chắc chắn là công việc tốn rất nhiều công sức và tâm huyết. Trong hành trình phục dựng ảnh, bức nào anh phải chú trọng nhất và trung bình thời gian để anh thực hiện thành công, phục dựng một bức ảnh là khoảng bao lâu?
Anh Lê Văn Phúc: Bước lâu nhất trong việc phục dựng một bức ảnh là bước xử lý cơ bản đầu tiên. Đó là xử lý những vết mốc, những nét mờ nhạt hoặc là vẽ lại những chi tiết bị thiếu ở trên bức ảnh. Đó là bước khó khăn và mất nhiều thời gian nhất. Những bức ảnh khó có thể mất cả buổi hoặc cả ngày. Những bức ảnh khó tôi đã gặp rất nhiều và chính tôi là người thực hiện phục dựng những bức ảnh đó. Tôi nhận được rất nhiều bức ảnh đã bị hoen ố. Nhưng chúng tôi luôn luôn đặt tâm niệm, phải làm giống nhất, có thể không chính xác đến 100% nhưng cũng phải được đến 90%.
Những bức ảnh đó chúng tôi sẽ chia các thành viên trong nhóm để làm. Trong tất cả các công việc, kiên nhẫn đóng vai trò rất quan trọng và trong phục dựng ảnh cũng vậy. Có những bức ảnh tôi phải phục dựng trong vòng một tuần hoặc nhiều hơn. Cố gắng làm và cuối cùng cũng sẽ hoàn thành. Tôi khá kỹ tính. Tôi luôn tâm niệm làm sao để phục dựng được những bức ảnh chân thực nhất. Việc phục dựng ảnh của các anh hùng liệt sĩ cũng mang lại cho tôi rất nhiều điều. Điều đầu tiên, chúng tôi hiểu nhiều hơn về lịch sử, được nghe những câu chuyện về lịch sử và được tận mắt chứng kiến sự xúc động của các gia đình khi chúng tôi đến. Đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn. Hạnh phúc vì chúng tôi đã làm được những điều có thể chạm đến trái tim mọi người.
Được trao tận tay những bức ảnh cho thân nhân các liệt sĩ là điều khiến anh Phúc hạnh phúc nhất.
Phóng viên: Như chúng ta vừa chia sẻ, có thể thấy việc phục dựng ảnh như một sứ mệnh kết nối hiện tại, quá khứ và tương lai. Với chúng ta thì đôi khi đó chỉ là một bức ảnh bình thường thôi, nhưng với gia đình có người thân hy sinh tại các chiến trường thì đó là tất cả, là thứ quý giá nhất, là kỷ vật duy nhất thời thanh xuân của người con, người cha, người ông. Trong hành trình anh thực hiện phục dựng ảnh và trao tặng cho các gia đình trên khắp mọi miền đất nước, có kỷ niệm nào khiến anh cảm thấy xúc động và đáng nhớ nhất?
Anh Lê Văn Phúc: Đối với chúng tôi thì mỗi một chuyến đi, mỗi một lần đến thăm các gia đình anh hùng liệt sĩ thì đó là kỷ niệm không thể nào quên. Tôi xin phép kể câu chuyện gần đây. Đó là chúng tôi vừa đi trao tặng ảnh liệt sĩ tại Từ Sơn, Bắc Ninh và gia đình liệt sĩ thì cũng không có ảnh. Rất may mắn, gia đình có thể mô tả được khuôn mặt của liệt sĩ và cũng có những thành viên có những chi tiết. Từ đó, chúng tôi tham chiếu và làm lại thành một bức ảnh của liệt sĩ. Hôm đó, gia đình liệt sĩ có 16 người tất cả, chúng tôi đến thấy gia đình gần như đầy đủ hết. Mọi người và các cô, các chú rất xúc động, rất nhiều người đã khóc và gọi “Anh ơi, anh về với chúng em rồi, anh về với bố mẹ rồi”. Thực sự lúc đó, chúng tôi cũng không thể cầm được nước mắt.
Phóng viên: Có thể thấy rằng, gần đây sự đón nhận và sự quan tâm của các bạn trẻ với công việc phục dựng ảnh mà anh và các thành viên nhóm đang thực hiện là rất lớn. Vậy đây có phải là tín hiệu mừng?
Anh Lê Văn Phúc: Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn các bạn trẻ đã quan tâm và các bạn yêu mến, ủng hộ công việc của chúng tôi. Tôi nghĩ trong tương lai, mọi người sẽ quan tâm hơn đối với những gia đình có công với cách mạng. Nhiều người cũng có thể làm được công việc phục dựng này. Tôi thấy hiện khá nhiều bạn trẻ đã làm những dự án tri ân như vậy. Tôi cảm thấy rằng đó là một điều rất tuyệt vời khi nghĩa cử cao đẹp này được lan tỏa rộng, được mọi người ủng hộ.
Phóng viên: Được biết là với nhiều hoạt động hướng về cộng đồng mà anh thực hiện, trong năm 2024 vừa qua, anh được trao tặng danh hiệu "Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu". Không biết cảm xúc của anh như thế nào khi đón nhận danh hiệu này?
Anh Lê Văn Phúc: Đối với tôi, khi nhận được danh hiệu “Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu”, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và vinh dự. Tôi cảm thấy công việc tôi đang làm không chỉ là phục dựng những bức ảnh đơn thuần, đó là một sứ mệnh và để tri ân tới những người đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập dân tộc.
Phóng viên: Trong dịp 30/4 năm nay và trong thời gian sắp tới, anh và các thành viên trong nhóm của mình có kế hoạch cho những dự án nào?
Anh Lê Văn Phúc: Trong dịp 30/4 thì cũng có một bức ảnh rất là đặc biệt. Đó là bức ảnh của nữ anh hùng liệt sĩ Đặng Thị Kim. Khi đến trao tặng ảnh cho gia đình, chúng tôi được nghe những câu chuyện về nữ anh hùng liệt sĩ và cảm thấy vô cùng xúc động. Điều đặc biệt là bức ảnh của nữ anh hùng liệt sĩ này là bức ảnh duy nhất có khi chỉ khoảng 6 tuổi, gia đình không có ảnh nào khác. Nhóm đã phải làm già hóa khuôn mặt để thành tuổi 19, điều này rất khó. Nhưng cũng rất may mắn khi mang ảnh đến gia đình để tặng thì gia đình nhận ra được đó là người thân của mình. Đó là sự khẳng định rằng bức ảnh chúng tôi làm đã hoàn thành tốt. Dịp 30/4 năm nay, nhóm cũng đã phục dựng nhiều ảnh liệt sĩ trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Trị, Côn Đảo, Hải Dương. Thời gian tới, nhóm vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố Hà Nội trong dịp 27/7 và 2/9.
Hòa bình ngày hôm nay có được là nhờ biết bao hy sinh, biết bao xương máu, biết bao thanh xuân của người con đất Việt gửi lại chiến trường. Vì vậy, khoảnh khắc đoàn tụ dù chỉ thông qua di ảnh trở nên xúc động hơn bao giờ hết. Lòng biết ơn chính là một mạch nguồn dạt dào mà bền bỉ. Ngày 30/4 là dịp để chúng ta nhìn lại và trân trọng hơn bao giờ hết giá trị của hòa bình, của thống nhất non sông, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về lòng biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Thanh Duyên