Người trẻ 'rần rần' với trào lưu 'Thắng đời 1-0'

Người trẻ 'rần rần' với trào lưu 'Thắng đời 1-0'
11 giờ trướcBài gốc
Trend "Thắng đời" là gì?
Cụm từ "thắng đời" xuất phát từ cách nói vui của Gen Z nhằm thể hiện sự tự hào về những khoảnh khắc mà họ cảm thấy được cuộc sống “ưu ái”. Từ những niềm vui đơn giản như được nhận lì xì, tránh được tắc đường trong ngày 30 Tết đến những thành công lớn hơn như tốt nghiệp đúng hạn, tìm được công việc mơ ước, tất cả đều có thể trở thành một “bàn thắng” trước cuộc đời.
Trào lưu "thắng đời" nổi rần rần trên các nền tảng mạng xã hội những ngày qua. (Ảnh chụp màn hình).
Ban đầu, cụm từ này chỉ xuất hiện trong một số bài đăng vui nhộn trên TikTok, Facebook, Instagram, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng lan rộng nhờ tương tác cao từ sự đồng cảm của người dùng. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2025 đã khiến trend này bùng nổ khi ai cũng muốn chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ của mình: Nhận được lì xì đầu năm từ người thân? Thắng đời 1-0 Bốc được quẻ xăm may mắn ở chùa? Thắng đời 2-0!Đi ăn tất niên nhưng bạn bè tranh trả tiền? Thắng đời 3-0!
Nam diễn viên Bình An đu trend "thắng đời" nhận được lượt tương tác khủng. (Ảnh chụp màn hình)
Ngược lại, nếu gặp phải những tình huống không mong muốn, mọi người lại đăng trạng thái "thua đời" như một cách thể hiện những điều chưa như ý, những thất bại nho nhỏ nhưng được kể lại một cách lạc quan: Tết đến nơi mà chưa có người yêu? Thua đời 0-1! Bị mẹ giục dậy sớm dọn nhà ngày 30 Tết? Thua đời 0-2! Ăn Tết xong bước lên cân thấy tăng 5kg? Thua đời 0-3!
Dù là "thắng đời" hay "thua đời", cách nói này đều mang tính giải trí, giúp mọi người nhìn nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng và tích cực hơn.
Người trẻ nói gì?
Trào lưu này thu hút đông đảo sự tham gia của giới trẻ trên khắp các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram, Threads... Mỗi bài đăng mang một câu chuyện riêng, từ những niềm vui nhỏ bé đến những thành tựu đáng tự hào.
Nguyễn Quang Trường, sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền hào hứng chia sẻ: "Mình vừa nhận được kết quả thi học kỳ với số điểm cao hơn kỳ vọng. Dù không xuất sắc nhất lớp, nhưng so với bản thân kỳ trước, mình đã tiến bộ đáng kể. Vậy nên, mình tự thưởng cho bản thân một status: 'Thắng đời 1-0'."
Quang Trường "thắng đời 1-0" khi nhận được kết quả thi học kỳ. (Ảnh: NVCC)
Nguyễn Minh Hoàng (22 tuổi), sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ bức ảnh chụp bằng lái xe máy với dòng trạng thái: "Thắng đời 1-0! Đỗ ngay lần đầu, khỏi mất tiền học lại, mẹ không mắng". Bài đăng nhanh chóng nhận được nhiều lượt thích và hàng trăm bình luận chúc mừng từ bạn bè trên Facebook. "Mình vốn là đứa nhát tay, lúc thi cứ run cầm cập, vậy mà vẫn qua được. Cảm giác lúc đó đúng là ‘thắng đời’ luôn!", Hoàng hào hứng kể lại.
Không chỉ dừng lại ở những chuyện học hành hay thi cử, trào lưu này còn được bạn trẻ "ứng dụng" vào nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Nguyễn Trần Ngọc Quyên (18 tuổi, Hà Nội) cũng không nằm ngoài trào lưu. Cô nàng chia sẻ bức ảnh bếp cơm nhà làm trên story Facebook cùng dòng caption: "Thắng đời 1-0: Học nấu ăn sau 18 năm toàn ăn cơm mẹ nấu!".
Bức ảnh Ngọc Quyên chia sẻ trên story Facebook. (Ảnh: NVCC)
Ngọc Quyên kể, trước đây cô nàng chỉ ăn đồ mẹ nấu, hôm nào mẹ vắng nhà thì gọi đồ ăn ngoài, nhưng sau nhiều lần xem TikTok, cô gái trẻ quyết định học nấu ăn và tự tay làm bữa cơm đầu tiên. "Nhìn cơm tự làm tuy hơi không được 'ngon mắt' nhưng mình cảm thấy vui lắm. Cũng là một dạng ‘thắng đời 1-0’ đúng không?", cô cười nói.
Dưới góc nhìn của những người lớn tuổi hơn, trào lưu này mang lại một cách tiếp cận mới với cuộc sống. Chị Nguyễn Thanh Hà (29 tuổi), giáo viên tại Hà Nội, cho rằng "thắng đời" giúp mọi người nhìn nhận cuộc sống theo hướng tích cực hơn. "Ngày trước, khi còn trẻ, mình thường bị cuốn vào những áp lực công việc, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những thất bại. Nhưng khi thấy giới trẻ nói về ‘thắng đời’, mình nhận ra rằng niềm vui có thể đến từ những điều rất đơn giản", chị Hà bày tỏ.
Chị Hà chia sẻ khoảnh khắc "thắng đời 1-0" khi được đi xem phim cùng chồng. (Ảnh chụp màn hình)
Nếu như "thắng đời" là những khoảnh khắc vui vẻ, thì cụm từ "thua đời" cũng xuất hiện như một cách hài hước để diễn tả những tình huống kém may mắn.
Đặng Khánh Linh (21 tuổi), sinh viên năm hai tại một trường đại học ở Hà Nội, than thở rằng mình vừa trải qua một khoảnh khắc "thua đời 1-0" đầy tiếc nuối. "Lịch học sau Tết của mình là thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, nên đã đặt xe từ trước để chuẩn bị đi học lại sau kỳ nghỉ Tết. Nhưng đến trưa, thầy giáo bất ngờ nhắn tin thông báo nghỉ học. Lúc đó, mình đã sẵn sàng tâm lý xa nhà, chuẩn bị đồ đạc xong xuôi hết rồi. Điều buồn nhất là mình không kịp hoàn vé xe, coi như mất tiền oan". Dù vậy, Linh vẫn giữ tinh thần lạc quan: "Thôi thì cứ coi như ‘thua đời’ lần này để rút kinh nghiệm, lần sau mình sẽ cẩn thận hơn".
Khánh Linh chia sẻ khoảnh khắc "dở khóc dở cười" của mình dịp đầu năm
Vũ Ngọc Mai (23 tuổi, Nam Định), chia sẻ câu chuyện "thua đời" suốt dịp Tết của mình: "Là con gái trưởng trong gia đình, từ 25 Tết đến mùng 6, mình gần như không có phút giây nào được rảnh tay vì cứ phải rửa bát cho cả nhà. Mỗi bữa ăn xong là bếp chất đầy bát đĩa, dù mình đã cố ‘cắt cử’ bớt cho mấy em nhưng vẫn không thoát nổi".
Ngọc Mai "thua đời 1-0" vì một mình "cân" tất chỗ bát đĩa dịp Tết năm nay. (Ảnh: NVCC)
Mai đùa rằng nếu có một cuộc thi rửa bát xuyên Tết, chắc chắn cô nàng sẽ đạt giải quán quân. Tuy nhiên, cô cũng nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực: "Năm sau mình sẽ lên 'chiến lược' chia việc ngay từ đầu để đỡ vất vả hơn. Dù có ‘thua đời’ lần này nhưng mình vẫn có thể ‘gỡ hòa’ vào năm sau".
Th.S tâm lý học Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, nhận định rằng trào lưu "thắng đời 1-0" phản ánh tư duy lạc quan và cách tiếp cận cuộc sống tích cực của giới trẻ hiện nay.
"Thay vì chỉ tập trung vào những áp lực, căng thẳng, họ chọn cách ghi nhận và tận hưởng những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống. Dù là một thành tựu lớn hay một khoảnh khắc may mắn đơn giản, việc tự công nhận chiến thắng của bản thân giúp họ có động lực hơn, tạo nên tinh thần vui vẻ và giảm bớt căng thẳng. Đây là một xu hướng tích cực, góp phần lan tỏa sự lạc quan và giúp các bạn trẻ có thái độ sống chủ động hơn trong việc đối diện với thử thách."
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/nguoi-tre-ran-ran-voi-trao-luu-thang-doi-1-0-post1714342.tpo