Niềm vui được mùa
Ông Nguyễn Văn Bình (thôn 1, xã Thành An, thị xã An Khê) cho biết: Gia đình ông trồng 5 ha mía. Vụ mía năm ngoái, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về hơn 250 triệu đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây mía phát triển tốt, năng suất đạt gần 80 tấn/ha. Với giá mía ổn định ở mức 1,1 triệu đồng/tấn, lợi nhuận đạt khoảng 50 triệu đồng/ha.
Tại huyện Kông Chro, người dân cũng đang khẩn trương thu hoạch mía cung ứng cho Nhà máy Đường An Khê. Anh Đinh Rânh (làng Tpôn, xã Chơ Long) cho hay: Gia đình anh có gần 20 ha đất. Trước đây, anh trồng mì, đậu, bắp. Năm 2019, anh mạnh dạn liên kết với Nhà máy Đường An Khê trồng 7 ha mía Uthong 11 theo mô hình cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khi thu hoạch.
“Vụ mía đầu tiên mang lại lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Những năm tiếp theo, tôi áp dụng đúng quy trình chăm sóc, bón phân đúng định kỳ nên mía cho năng suất cao. Năm nay, tôi tiếp tục liên kết với Nhà máy trồng thêm 9 ha mía”-anh Rânh chia sẻ.
Anh Đinh Rânh (bìa phải, làng Tpôn, xã Chơ Long, huyện Kông Chro) bên ruộng mía bước vào kỳ thu hoạch. Ảnh: N.M
Niên vụ 2024-2025, Nhà máy Đường An Khê thu mua với giá 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường tại ruộng; hỗ trợ cước vận chuyển bình quân 160 ngàn đồng/tấn (tùy theo cự ly mà giá cước khác nhau); đồng thời bổ sung giá mía theo giai đoạn ở mức 20 ngàn đồng/tấn mía thuần (mía chưa tính chữ đường).
Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-thông tin: “Căn cứ vào tình hình thực tế, Nhà máy ban hành giá mía trong từng thời kỳ, nhưng không thấp hơn mức bảo hiểm. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của người trồng mía. Cùng với đó, Nhà máy tiếp tục duy trì chính sách đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu như những năm trước”.
Người dân trên địa bàn xã Chơ Long (huyện Kông Chro) phấn khởi khi giá cả, năng suất cây mía ổn định. Ảnh: N.M
Theo ông Nguyễn Quang Quốc-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro: Những năm gần đây, giá mía rất ổn định. Nhà máy Đường An Khê có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên đầu tư, thu mua mía nguyên liệu nên người dân yên tâm mở rộng diện tích. Niên vụ này, người dân trong huyện trồng hơn 10.560 ha mía, tăng 1.161 ha so với năm trước.
“Những năm qua, huyện phối hợp chặt chẽ với Nhà máy Đường An Khê tiến hành hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch mía cho bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; vận động người dân trồng mía thành cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập”-ông Quốc cho biết.
Đảm bảo đầu ra ổn định
Những năm qua, mía vẫn được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh. Vì thế, ngay từ đầu vụ, công tác phòng ngừa cháy mía được các địa phương chủ động triển khai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người trồng mía.
Niên vụ mía 2023-2024, huyện Đak Pơ xảy ra 12 vụ cháy với hơn 26 ha mía gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn kịp thời nắm bắt diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó với hạn hán; tăng cường tuyên truyền phòng-chống cháy mía; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện cùng tham gia chữa cháy nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Từ đầu niên vụ mía 2024-2025 đến nay, Nhà máy Đường An Khê đã thu mua hơn 5.000 ha mía. Ảnh: N.M
Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho hay: “Toàn huyện có hơn 6.279 ha mía nguyên liệu với sản lượng ước đạt trên 431.630 tấn. Năm nay, huyện đề nghị Nhà máy Đường An Khê tiếp tục ưu tiên thu mua, hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với bà con nông dân”.
Còn ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang thì chia sẻ: Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành văn bản triển khai công tác thu hoạch mía niên vụ 2024-2025 và phòng-chống cháy mía. Đồng thời, đề nghị Nhà máy đẩy nhanh tiến độ thu mua mía, đảm bảo hài hòa giữa các vùng, tránh để thiệt hại do thu hoạch chậm.
Theo Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê: Ngoài việc phối hợp với các địa phương tăng cường các giải pháp phòng ngừa cháy mía, Nhà máy đẩy mạnh thu mua, vận hành hết công suất đảm bảo kế hoạch đề ra.
Đơn vị cũng đã chủ động đầu tư nâng cấp, bổ sung nhiều trang-thiết bị mới nhằm đảm bảo công suất ép 18 ngàn tấn mía cây/ngày đêm. Đồng thời, huy động tối đa 8 máy thu hoạch mía hiện đại để kịp thời tiêu thụ mía nguyên liệu của người dân.
“Từ đầu vụ đến nay, Nhà máy đã thu mua gần 5.000 ha mía, năng suất bình quân ước đạt 73 tấn/ha. Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ thu mua khoảng 2,1 triệu tấn mía nguyên liệu, cao hơn năm trước 130 ngàn tấn. Dự kiến vụ ép sẽ kết thúc vào cuối tháng 4-2025”-ông Phước thông tin thêm.
NGỌC MINH