Người tù chờ xử tử lâu nhất thế giới: 46 năm phấp phỏng và câu nói nhẹ bẫng sau 2 phút được xin lỗi

Người tù chờ xử tử lâu nhất thế giới: 46 năm phấp phỏng và câu nói nhẹ bẫng sau 2 phút được xin lỗi
4 giờ trướcBài gốc
Iwao Hakamada được tuyên bố vô tội ở tuổi 88. (Ảnh: People)
Chiến dịch tái thẩm
Sau khi bị tuyên án, Iwao Hakamada gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao nhưng bị bác bỏ. Tòa án Tối cao Nhật Bản giữ nguyên bản án tử hình vào ngày 11/11/1980.
Giống như hầu hết các tử tù, phần lớn trong suốt thời gian ở tù, Iwao bị giam giữ biệt lập. Từng là một võ sĩ quyền Anh đầy triển vọng, được đám đông reo hò, giờ đây, mối liên hệ thường xuyên và duy nhất của Iwao với con người là qua cai ngục, những người gọi ông bằng một con số. Iwao chỉ biết dành thời gian đi đi lại lại trên sàn phòng giam chật chội của mình tại Trung tâm giam giữ Tokyo. Khi thức ăn được mang đến, Iwao nhìn chằm chằm vào nó trong khoảng 30 phút trước khi ăn. Ông từ chối hầu hết những lần thăm viếng ít ỏi được phép, kể cả với người thân.
Iwao luôn khẳng định mình vô tội. Những người ủng hộ tuyên bố rằng lời thú tội của Iwao được đưa ra vì bị ép buộc, các bằng chứng quan trọng có dấu hiệu bị dàn dựng, bao gồm chiếc quần dính máu được cho là Iwao đã mặc nhưng lại có kích cỡ không vừa với ông.
Ở bên ngoài, người thân và những người ủng hộ cùng các luật sư của Iwao vẫn không ngừng đấu tranh, bất chấp mọi khó khăn, để tìm kiếm phiên tòa mới. Năm 1981, họ đệ đơn yêu cầu xét xử lại và xem xét lại bằng chứng vật lý.
Trong quá trình điều tra, người ta xác định vũ khí giết người bị cáo buộc có kích thước không phù hợp để gây ra các vết đâm, một cánh cửa được cho là nơi hung thủ đột nhập vào nhà thực chất đã bị khóa. Các luật sư kiến nghị rằng phiên tòa đầu tiên không chứng minh được bất kỳ bộ quần áo nào là của Iwao, chiếc quần dính máu quá nhỏ so với kích cỡ của ông.
Sau 13 năm thu thập bằng chứng, yêu cầu này đã được Tòa án Shizuoka thụ lý nhưng bác bỏ vào ngày 9/8/1994.
Năm 2000, bộ quần áo đẫm máu được thực hiện trích xuất ADN nhưng các kỹ thuật thời điểm đó không phát hiện ra bất kỳ mẫu ADN nào trên đó. Tuy vậy, Tòa án cấp cao Tokyo vẫn duy trì quyết định từ chối xét xử lại.
Tháng 11/2006, 500 người ủng hộ tiếp tục gửi thư lên Tòa án Tối cao. Tháng 3/2007, Norimichi Kumamoto, một trong ba thành viên của hội đồng thẩm phán ban đầu kết án Iwao, đã lên tiếng ủng hộ Iwao. Ông cho biết thời điểm đó có nghi ngờ tính xác thực của lời thú tội nhưng không thuyết phục được hai đồng nghiệp cấp cao hơn của mình. Sau vụ việc, Norimichi đã từ chức.
Bia mộ của gia đình các nạn nhân tại nghĩa trang Ohirayama. (Ảnh: Panos)
Công lý sau hơn nửa thế kỷ
Những nỗ lực ấy cuối cùng cũng đạt được kết quả. Tòa án cấp cao chấp nhận thụ lý yêu cầu của Iwao vào năm 2008 và sau đó thừa nhận rằng các bằng chứng đều không cung cấp được những nghi ngờ hợp lý về tội danh ban đầu.
Năm 2008, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy máu trên 5 mảnh quần áo được dùng làm bằng chứng trước đây không khớp với Iwao.
Vào ngày 10/3/2011, dịp sinh nhật lần thứ 75 của Iwao, tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness chứng nhận ông là tử tù bị giam giữ lâu nhất thế giới.
Năm 2012, một xét nghiệm ADN với độ chính xác cao hơn được thực hiện với mẫu máu của Iwao để so sánh với mẫu máu trên vai chiếc áo phông. Trước đó, vết máu được xác định không thuộc về nạn nhân nào mà là của hung thủ. Kết quả xét nghiệm không khớp với ADN của Iwao.
Ngày 27/3/2014, Tòa án quận Shizuoka cuối cùng đã đình chỉ án tử hình của Iwao và ngay lập tức ra lệnh thả ông với tuyên bố có lý do để tin rằng bằng chứng tại phiên tòa ban đầu có thể đã bị làm giả. Theo người thân, sức khỏe tâm thần của Iwao bị suy giảm nghiêm trọng sau 46 năm trong tù, trong đó phần lớn thời gian là bị giam giữ biệt lập và phấp phỏng chờ thi hành án tử. Ở Nhật Bản, các tử tù chỉ được thông báo trước vài giờ về thời điểm thi hành án.
Vào năm 2023, Tòa án tối cao Tokyo đưa ra phán quyết tái thẩm. Phiên tòa dựa trên hơn 600 bằng chứng, một số đã làm suy yếu các bằng chứng kết tội trước đó.
Vào ngày 26/9/2024, 56 năm sau khi bị bắt, Iwao được Tòa án Shizuoka tuyên bố vô tội ở tuổi 88.
Thẩm phán chủ tọa, Koshi Kunii, cho biết đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy các điều tra ban đầu chứa đựng nhiều sai sót nghiêm trọng, thậm chí tang vật là các mảnh quần áo dính máu có dấu hiệu bị làm giả. Các điều tra viên đã ép ông Iwao phải nhận tội.
Kết luận này cuối cùng cũng chấm dứt một trong những vụ án kéo dài và gây tranh cãi nhất trong lịch sử tư pháp Nhật Bản.
Hôm 21/10, cảnh sát trưởng tỉnh Shizuoka, ông Takayoshi Tsuda, đến nhà Iwao để xin lỗi ông vì những đau khổ mà ông phải chịu đựng trong hơn nửa thế kỷ qua.
Ông Tsuda cúi gập người trong khoảng hai phút trong khi ông Iwao ngồi cùng chị gái.
Cảnh sát trưởng tỉnh Shizuoka đến nhà ông Iwao Hakamada và cúi đầu xin lỗi. Ảnh: Kyodo
“Tôi xin lỗi vì nỗi đau và gánh nặng mà chúng tôi đã gây ra cho ông trong suốt 56 năm qua, điều mà không thể diễn tả bằng lời”, ông Tsuda nói với ông Hakamata và bà Hideko.
Đáp lại, bà Hideko nói: “Cả Iwao và tôi đều tin rằng đó là số phận. Chúng tôi không còn phàn nàn gì lúc này”.
Huyền Anh (Theo Archive, Theguardian, Asahi, Aljazeera)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/nguoi-tu-cho-xu-tu-lau-nhat-the-gioi-46-nam-phap-phong-va-cau-noi-nhe-bang-sau-2-phut-duoc-xin-loi-204241811190006868.htm