Người tử tù Côn Đảo kể chuyện bức ảnh 'Ngày hội ngộ'

Người tử tù Côn Đảo kể chuyện bức ảnh 'Ngày hội ngộ'
8 giờ trướcBài gốc
Ông Lê Văn Thức bên bức ảnh nổi tiếng "Ngày hội ngộ". (Ảnh: HOÀNG TRUNG)
Chuyện người chiến sĩ tình báo bị kết án tử hình
Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Thức (ngụ xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng “Ngày hội ngộ” được chụp cách đây 50 năm.
Năm nay đã 84 tuổi, ông vẫn còn minh mẫn kể chuyện những ngày hoạt động cách mạng, bị địch bắt đày ra Côn Đảo và tấm ảnh lịch sử “Ngày hội ngộ”.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Đồng khởi anh hùng, sau khi thi tú tài, ông Thức đã sớm giác ngộ cách mạng rồi vào căn cứ hoạt động. Năm 1966, ông được kết nạp Đảng, được huấn luyện để làm tình báo. Sau đó, tổ chức vận động ông đi lính để cài vào hàng ngũ địch.
Ông Thức kể: “Do có học thức nên tôi được chọn vào học tại Trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức rồi về làm chỉ huy một trung đội (thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 11, Sư đoàn 7). Sau đó, tôi tiếp tục được cử tham gia khóa học “Huấn luyện tình báo chống chiến tranh du kích" ở Malaysia suốt 3 tháng liền. Khi về nước, tôi mang quân hàm Thiếu úy Việt Nam cộng hòa, được điều về làm sĩ quan huấn luyện chiến thuật tại cụm căn cứ quân sự Bình Đức (tại Mỹ Tho, cơ quan đầu não của Sư đoàn 7). Tại đây, hằng ngày tôi huấn luyện cho tân binh nên vẽ lại bản đồ căn cứ quân sự Bình Đức với kế hoạch cho lực lượng của ta trà trộn vào tân binh để đánh chiếm căn cứ quân sự trọng yếu này”.
Chính do tấm mật đồ này ông Thức bị lộ và bị kết án tử hình vào năm 1968. Mãi sau này, ông Thức mới biết tấm mật đồ này được ông Tư Năng (nguyên Phó ban Binh vận khu 8) trên đường đưa cho Bộ chỉ huy quân Giải phóng đã bị trực thăng địch càn quét, ông Tư Năng cùng một cận vệ hy sinh. Khi đó, quân địch soát trong người ông Tư Năng mới phát hiện tấm mật đồ và ông Thức liền bị bắt với chứng cứ là tấm mật đồ với chữ viết của ông.
Bức ảnh nổi tiếng "Ngày hội ngộ" của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long.
Khi bị bắt, ông kiên quyết không khai dù bị tra tấn dã man, địch không lần ra được đường dây tình báo nên đưa ra xét xử rồi kết án tử hình.
Ông Thức kể lại: “Lúc đó, bọn chúng định đưa tôi ra xử bắn tại sân banh Mỹ Tho nhưng Đài Giải phóng phát đi thông báo nếu chính quyền Việt Nam Cộng hòa tử hình một tù chính trị thì phía quân Giải phóng sẽ tử hình một tù binh là sĩ quan, cố vấn quân sự Mỹ đang bị quân ta bắt giam. Vì vậy, tôi không bị đem đi xử bắn mà chúng đưa ra Côn Đảo giam trong khu của tử tù”.
Tại đây, ông tiếp tục bị tra tấn, hành hạ dã man nhưng nhờ ý chí kiên cường, ông đã vượt qua gian khổ vẫn kiên định, đoàn kết cùng những tù chính trị khác tiếp tục đấu tranh.
Sau Ngày Giải phóng miền nam, tàu Hải quân chở quân Giải phóng ra giải phóng Côn Đảo và đưa những chiến sĩ cách mạng trở về đất liền. Trong chuyến đầu tiên, ông Lê Văn Thức cùng nhiều tử tù, phụ nữ, người già, người bệnh... được tàu đưa về Vũng Tàu ngày 5/5/1975.
Bức ảnh nổi tiếng “Ngày hội ngộ”
Khi hay tin có tàu chở chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo về Vũng Tàu, bà Trần Thị Bính (1908-1999), mẹ của ông Thức từ Bến Tre lặn lội ra tìm con. Khi gặp lại, hai mẹ con ôm nhau chỉ biết khóc trong niềm vui mừng ngày hội ngộ.
Ông Thức kể lại: “Lúc đó trưa ngày 5/5/1975, khi đang chờ làm các thủ tục thì nghe cán bộ tại đây báo có người nhà gặp. Khi bước ra, tôi thấy má rồi ôm khóc nức nở vì má tưởng tôi đã chết. Hai mẹ con ôm nhau khóc không ngờ được phóng viên chiến trường nhìn thấy và chụp lại”.
Ông Thức (trái) cùng cán bộ lão thành cách mạng xem hình ảnh lịch sử ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)
Sau ngày giải phóng, ông Thức trở về quê tiếp tục công tác, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Ông làm việc tại phòng Công thương-nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) rồi Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tam Phước, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Định (huyện Châu Thành).
Năm 1991, ông xin nghỉ hưu vì sức khỏe yếu do di chứng từ những đòn tra tấn của kẻ thù. Nghỉ công tác, người thương binh 2/4 Lê Văn Thức vẫn tham gia các phòng trào, Hội Cựu chiến binh, Câu lạc bộ hưu trí tại địa phương.
Bức ảnh “Ngày hội ngộ” của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long sau đó được đăng trên Báo Nhân Dân và nhiều báo trong, ngoài nước. Năm 1991, tại Đại hội Nhiếp ảnh Quốc tế tại Tây Ban Nha, tác phẩm nghệ thuật này được trao bằng Tuyên dương Danh dự. Từ đó, bức ảnh này nổi tiếng, nhiều người tìm hiểu về nhân vật trong bức ảnh. Ông Thức mới biết hai mẹ con ôm khóc nức nở trong ngày hội ngộ là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng.
Ông Thức cho biết: “Sau này, phóng viên chiến trường Lâm Hồng Long tìm về đến tận nhà sau khi bức ảnh đoạt giải. Khi ông Long nằm trên giường bệnh, tôi đến thăm, ông vẫn treo bức ảnh trên đầu nằm khiến tôi rất xúc động. Bức ảnh này là kỷ niệm tôi không thể nào quên trong cuộc đời của mình”.
Ông Lê Văn Thức kể chuyện bị giam tại nhà tù Côn Đảo và bức ảnh "Ngày hội ngộ". (Ảnh: HOÀNG TRUNG)
Sống vui vầy bên con, cháu và tham gia hoạt động Câu lạc bộ hưu trí tại địa phương, ông khoe sắp nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng với gần như cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng. Những ngày tháng Tư lịch sử, bao kỷ niệm trong ông lại ùa về với niềm tự hào vì mình đã đóng góp một phần công sức cho quê hương, đất nước.
Phóng viên chiến trường Lâm Hồng Long (1925- 1997, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam). Ông nổi tiếng với nhiều bức ảnh như: "Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam", "Bác Hồ tặng hoa mẹ Suốt", "Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì sáng mồng Hai Tết Kỷ Dậu 1969", "B52 cháy trên bầu trời Hà Nội năm 1972", "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn", “Ngày hội ngộ”… Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 1996.
HOÀNG TRUNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nguoi-tu-tu-con-dao-ke-chuyen-buc-anh-ngay-hoi-ngo-post874335.html