Người về mang tới ngày vui

Người về mang tới ngày vui
6 giờ trướcBài gốc
Bài 1: Tân Trào - Điểm hẹn lịch sử
Với vị trí địa lý chiến lược, truyền thống yêu nước, kiên cường của đồng bào các dân tộc và phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, Tuyên Quang đã trở thành “Thủ đô Khu giải phóng”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn làm căn cứ địa cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa. Từ đây, những quyết định lịch sử của Bác Hồ và Trung ương Đảng đã tạo dựng nền móng cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành lại độc lập cho dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước.
Đình Hồng Thái, xã Tân Trào nơi Bác Hồ dừng nghỉ trong ngày đầu đến Tân Trào.
Vị trí địa lý chiến lược
Nằm ở trung tâm vùng chiến lược Việt Bắc, Tuyên Quang là “cửa ngõ” án ngữ giữa vùng cao và đồng bằng Bắc Bộ. Với địa thế núi non hiểm trở, rừng già trùng điệp, sông suối bao quanh, Tuyên Quang như một “pháo đài tự nhiên” vững vàng, rất thuận lợi để phát triển lực lượng kháng chiến. Nhờ đó, Tuyên Quang không chỉ là vùng hậu cứ an toàn, mà còn là đầu mối giao thông, liên lạc với cả miền xuôi, miền ngược, thậm chí mở ra khả năng kết nối với quốc tế.
Từ cuối thế kỷ XIX, phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp đã sục sôi ở nhiều vùng đất Tuyên Quang. Bước sang đầu thế kỷ XX, phong trào công nhân, nông dân lại tiếp tục nổi lên mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực mỏ than. Năm 1940, Chi bộ Mỏ Than được thành lập đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức và tư tưởng của phong trào cách mạng địa phương, nhanh chóng trở thành trung tâm lan tỏa phong trào cách mạng trong công nhân và các tầng lớp nhân dân. Một số vùng thuộc các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa là những nơi có cơ sở cách mạng sớm. Riêng huyện Sơn Dương, các xã liền nhau là Kim Lung, Kim Trận và Thanh La hội đủ điều kiện để trở thành địa bàn chiến lược của cách mạng.
Ngày 10/3/1945, dưới sự lãnh đạo của Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ và đồng chí Tạ Xuân Thu, nhân dân xã Thanh La (Sơn Dương) đã nổi dậy giành chính quyền. Ngày 16-3-1945, tại sân đình Thanh La đã diễn ra cuộc mít tinh để bầu ra Ủy ban cách mạng lâm thời châu Tự Do - một trong những chính quyền cách mạng cấp xã và cấp huyện đầu tiên trong cả nước.
Đình Tân Trào nơi diễn ra Quốc dân Đại hội.
Châu Tự Do ra đời đã mở đầu cho cao trào khởi nghĩa toàn tỉnh và cả vùng Việt Bắc. Khởi nghĩa Thanh La có ý nghĩa to lớn đối với tiến trình Cách mạng Tháng Tám. Chính từ thành công của cuộc khởi nghĩa đã mở ra một vùng căn cứ cách mạng rộng lớn mà Tân Trào ở vào vị trí trung tâm, được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng - Trung tâm chỉ đạo cách mạng cả nước.
Tân Trào đất thiêng
Tháng 5-1941, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Bác chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng. Hội nghị xác định: Nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải giành cho được độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Trước yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới và thời cơ lịch sử đang đến gần, đầu năm 1945, Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Cần chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang một địa điểm có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài”. Đây không chỉ là yêu cầu về địa lý, mà còn là tính toán chiến lược: “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.
Nhìn trên bản đồ, xã Tân Trào giống hình một con hà mã thu mình, đầu hướng về phía Thanh La. Địa bàn nằm dưới chân núi Hồng, xung quanh là rừng đại ngàn che phủ. Dãy núi Bòng vách đứng phía Tây như một bức thành thiên nhiên trấn giữ ngõ vào. Nơi đây còn có hệ thống sông ngòi chằng chịt với dòng sông Phó Đáy cắt ngang địa hình, cùng với nhiều khe suối nhỏ đổ về. Hình thế núi sông đã giúp cho Tân Trào trở thành nơi vừa hiểm trở, vừa kín đáo. Ngoài địa hình thuận lợi thì đến thời điểm tháng 5/1945, hầu hết các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đã được giải phóng và trở thành một vùng giải phóng rộng lớn.
Sau quá trình khảo sát kỹ lưỡng, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Ban lãnh đạo Phân khu B - Nguyễn Huệ đã chọn vùng Tân Trào (xã Kim Long cũ) làm căn cứ địa trung tâm. Tân Trào nằm trên trục liên lạc thuận tiện, có thể cơ động bốn hướng, là vùng đất có truyền thống cách mạng, cơ sở quần chúng tốt và địa hình hiểm trở, thuận lợi cho việc bảo toàn và phát triển lực lượng.
Sáng ngày 4/5/1945, từ Khuổi Nặm, Bác Hồ dẫn đầu đoàn công tác khởi hành nam tiến. Đến ngày 21/5, đoàn đi theo hướng xuôi dòng sông Phó Đáy vào Tân Trào. Các đồng chí phụ trách Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ: Song Hào, Tạ Xuân Thu... đón Bác và đoàn ở đình Hồng Thái.
Theo hồi ký của Thượng tướng Song Hào: Bác bước vào đình Hồng Thái thăm hỏi ân cần về sức khỏe của mọi người rồi hỏi kỹ về tình hình phong trào của địa phương. Bác dừng chân ở Đình Hồng Thái chừng một tiếng rồi quyết định vào Tân Trào ngay trong ngày. Thời điểm này bắt đầu mùa lũ, nước sông Phó Đáy cuồn cuộn, các đồng chí trong ban Việt Minh đã được báo trước có đoàn cán bộ thượng cấp đi qua nên đã chuẩn bị một số mảng để đoàn qua sông.
Chiều tối ngày 21/5, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ đến thôn Tân Lập. Đêm ấy Bác Hồ nghỉ tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, kết thúc cuộc hành trình trải hơn 400 km. Hành trình ấy không chỉ là sự di chuyển về mặt địa lý mà còn là bước chuyển lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Làng Tân Lập, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc sau những ngày đầu rời Pắc Bó về Tân Trào.
Khi Người về nước, Pác Bó ̣̣̣̣̣̣̣- Cao Bằng là căn cứ địa đầu tiên. Tuy nhiên khi phong trào cách mạng phát triển mạnh, Khu giải phóng ngày càng được mở rộng, thời cơ giành chính quyền đang đến gần cần phải có địa bàn phù hợp hơn để hình thành căn cứ địa cách mạng rộng lớn ở Việt Bắc phát triển về xuôi và tiếp xúc với toàn quốc để chỉ đạo sẽ quyết định tới sự thành bại của cách mạng.
Trong khi đó, Tân Trào hội đủ các ̉tiêu chí: nơi có phong trào cách mạng tốt, địa thế tốt, nhân dân một lòng theo cách mạng. Do vậy, việc chuyển địa điểm hoạt động từ Pác Bó về Tân Trào là một quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy kiệt xuất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Về đến Tân Trào, thời gian đầu Bác ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự là Chủ nhiệm Việt Minh với thời gian khoảng 1 tuần. Sau đó Bác chuyển lên ở và làm việc tại lán Nà Nưa, phía Đông dãy núi Hồng để giữ bí mật và tiện làm việc. Căn lán do nhân dân địa phương cùng các đồng chí cảnh vệ làm cho Bác làm bằng cây gỗ rừng và tre, nứa. Bác ở và làm việc tại lán từ tháng 5 đến ngày 22-8-1945 trước khi về Hà Nội.
Tại đây, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng, tổ chức Quốc dân Đại hội đưa ra những quyết định quan trọng, phát động cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ nơi đây, lệnh Tổng khởi nghĩa được truyền đi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đáp lời kêu gọi, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giành chính quyền, làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập cho dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Tân Trào đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng thiêng liêng của cách mạng Việt Nam, nơi gắn liền với những sự kiện quan trọng mang tính quyết định chiến lược của Đảng và của dân tộc. Có thể khẳng định, từ căn cứ địa Tuyên Quang, với sự có mặt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, lịch sử đất nước, dân tộc sang trang mới. Và, với những sự kiện quan trọng diễn ra trên căn cứ cách mạng Tuyên Quang, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những năm dài nô lệ, tiến sang kỷ nguyên độc lập, tự do bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Bài, ảnh: Thanh Phúc
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-ve-mang-toi-ngay-vui-212085.html