Người về mang tới ngày vui - Bài cuối: Từ bài học thời cơ năm xưa đến khát vọng hôm nay

Người về mang tới ngày vui - Bài cuối: Từ bài học thời cơ năm xưa đến khát vọng hôm nay
một ngày trướcBài gốc
> Bài 1: Tân Trào - Điểm hẹn lịch sử
> Bài 2: Bác sống giữa lòng Dân
> Bài 3: Vang vọng lời thề
> Bài 4: Bao nhiêu lợi ích đều vì Dân
Bài học về thời cơ giành độc lập dân tộc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những cột mốc chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một trong những yếu tố mang tính quyết định cho thắng lợi này chính là khả năng “nắm bắt thời cơ” và hành động kịp thời, đúng lúc.
Tại lán Nà Nưa, trong lúc sốt cao Bác Hồ vẫn tỉnh táo nhận định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”. Câu nói ấy không chỉ thể hiện ý chí sắt đá của Người mà còn phản ánh tầm nhìn chiến lược, khả năng phân tích tình hình sắc sảo và quyết đoán về thời cuộc.
Thời cơ đó đến từ sự kiện Nhật đầu hàng Đồng minh, tạo ra khoảng trống quyền lực ở Đông Dương. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị từ trước, không có niềm tin và quyết tâm hành động của toàn Đảng, toàn dân, thì thời cơ ấy có thể đã trôi qua. Đảng đã kịp thời ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, từ đó phát động cao trào kháng chiến trong quần chúng nhân dân.
Lán Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào là nơi Bác hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945.
Bài học quyết tâm đã được vận dụng trong nhiều cao trào, hành động cách mạng suốt từ đó đến nay. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong tình thế tương quan về lực lượng không nhỏ nhưng đứng trước cơ hội kết thúc cuộc chiến, quân và dân ta đã quyết tâm, anh dũng chiến đấu để giành thắng lợi chấn động địa cầu sau 55 ngày đêm. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với tinh thần “một ngày bằng 30 năm”, các lực lượng đã “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” để giải phóng miền Nam ngay trong đầu năm 1975 chứ không phải “trước mùa mưa năm 1976” như dự tính ban đầu…
Vận dụng thời cơ tiến vào kỷ nguyên mới
8 thập kỷ sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử mới, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới. Trong bối cảnh này, lời dạy về “thời cơ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị. Thời cơ hôm nay đến từ chính những thành tựu to lớn sau gần 40 năm Đổi mới. Đó là sự ổn định về chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế và niềm tin ngày càng lớn của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng... Thời cơ phát triển chỉ thực sự trở thành sức mạnh nếu được nắm bắt và hành động quyết liệt.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển và tận dụng hiệu quả thời cơ trong kỷ nguyên mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Có thể nói 4 nghị quyết của Bộ Chính trị nêu trên là “bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh. Cùng với cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, là những mắt xích không thể tách rời trong chuỗi giải pháp tổng thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đó là mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Vận dụng trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Tinh gọn tổ chức bộ máy là một cuộc cách mạng”. Tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII đồng chí tiếp tục khẳng định: “Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được”. Đây là cuộc cách mạng không kém phần quan trọng và khó khăn so với các cuộc cách mạng trước, bởi nó không diễn ra ngoài mặt trận, mà ngay trong nội bộ hệ thống chính trị, trong tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên.
Hiện nay, một thực tế không thể phủ nhận là bộ máy hành chính của chúng ta vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc trung gian khiến hiệu quả hoạt động chưa cao. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải “giảm số lượng, tăng chất lượng”, loại bỏ các khâu trung gian, giao quyền nhiều hơn cho cơ sở, tăng cường hiệu quả giám sát, và xây dựng một bộ máy từ trung ương đến cơ sở tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân phục vụ; đi đôi với sắp xếp bộ máy là sự cần thiết phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là công việc khó khăn, bởi nó động chạm đến quyền lợi, vị trí, thậm chí cả tâm lý của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, cần phải có quyết tâm chính trị rất cao, sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, sự gương mẫu của cấp Trung ương và sự đồng lòng của nhân dân. Một bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả sẽ là động lực để thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước hùng cường tiến vào kỷ nguyên mới.
Trước yêu cầu của cuộc Cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”, “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã và đang hoàn thiện các Đề án, quy trình theo quy định. Trong đó Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 137 xã, phường, thị trấn còn 51 xã, phường. Tỉnh cũng đã tiến hành sắp xếp, tinh gọn các cơ quan, đơn vị theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, trong đó tinh gọn 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh còn 13 cơ quan.
Lịch sử không lặp lại, nhưng những quy luật và bài học từ lịch sử vẫn luôn đúng. Bác Hồ dạy rằng: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Tinh thần ấy cần được soi rọi vào cuộc sống hôm nay. Trong kỷ nguyên phát triển mới, đất nước đang có đủ điều kiện, tiềm lực và thời cơ để vươn mình mạnh mẽ. Nhưng để biến thời cơ thành sức mạnh, cần một cuộc cách mạng thực sự trong bộ máy cả về tổ chức, con người và phương thức vận hành.
Tinh thần “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn…” năm xưa giờ đây phải trở thành tinh thần “dù khó khăn đến đâu cũng phải cải cách thành công bộ máy nhà nước” hôm nay, thực hiện thành công nhiệm vụ này góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Bài, ảnh: Thanh Phúc
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-ve-mang-toi-ngay-vui-bai-cuoi-tu-bai-hoc-thoi-co-nam-xua-den-khat-vong-hom-nay-212624.html