Người Việt ngày càng thích du lịch tâm linh sau Tết

Người Việt ngày càng thích du lịch tâm linh sau Tết
4 giờ trướcBài gốc
Lễ hội xuân kéo dài từ Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến hết tháng 2 âm lịch. Những ngôi chùa linh thiêng, đền thờ cổ, các khu di tích gắn liền với tín ngưỡng dân gian trên cả nước đều trong tình trạng đông nghịt người như: Đền Hùng (Phú Thọ), Chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam)… là những địa điểm đang đón hàng vạn du khách.
Sức hút từ du lịch tâm linh
Chị Trần Thanh Bình (Hà Nội) chia sẻ: “Hai năm gần đây, gia đình tôi dành 1-2 ngày để đi chùa vãn cảnh đầu năm cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Đây cũng là dịp để gia đình sum vầy, cùng nhau tận hưởng không khí thanh tịnh, an lành. Năm nay chúng tôi chọn chùa Yên Tử là biểu tượng văn hóa phật giáo Việt Nam để tìm hiểu và chiêm bái”.
Núi Bà Đen (Tây Ninh) tấp nập người hành hương dịp Tết Ất Tỵ.
Ghi nhận tại các điểm đến như chùa Tam Chúc hay chùa Địa Tạng Phi Lai Tự ở Hà Nam; Thiền Tôn Phật Quang ở Vũng Tàu; Chùa Xiêm Cán ở Bạc Liêu… không chỉ có giá trị tâm linh, mà còn sở hữu phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thu hút nhiều người đến chiêm bái và thưởng ngoạn.
Các công ty lữ hành cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng, tổ chức nhiều tour du lịch tâm linh kết hợp tham quan, trải nghiệm văn hóa vùng miền. Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu du lịch tâm linh ngày càng cao, đặc biệt là dịp sau Tết Nguyên đán. Do đó, VietSense Travel đã thiết kế hàng chục tour kết hợp hành hương, trải nghiệm lễ hội và nghỉ dưỡng để phục vụ tốt hơn cho du khách”.
Đặc biệt, nhu cầu du khách đặt tour du lịch tâm linh trong nước thường ngắn ngày, thời gian tham quan từ 1 đến 2 ngày. Do đó, các doanh nghiệp thiết kế chương trình phù hợp và đa dạng mức giá tùy theo chương trình, phương tiện di chuyển.
Cụ thể, tour Hà Nội - Tràng An (Ninh Bình) 890.000 đồng/người; tour du lịch chùa Hương đi về trong ngày hoặc 2 ngày 1 đêm với giá 850.000 - 1,3 triệu đồng/khách (bao gồm vé thắng cảnh, thuê đò, bảo hiểm, ăn nghỉ...); tour Hà Nội - Yên Tử giá 850.000 đồng/người...
Anh Nguyên Hiếu (Đồng Nai) cho biết Tết năm nào gia đình cũng đến núi Bà Đen, hạ trại và ngủ lại ít nhất một đêm, vừa cảm nhận không khí chơi xuân thâu đêm tại đây, vừa cảm nhận "sự che chở, bao bọc bởi Linh Sơn Thánh Mẫu".
"Cả nhà tôi từ Đồng Nai lên đây từ chiều, mang theo ít đồ ăn và nước uống. Tối xem ca nhạc, ngắm pháo hoa rồi ngủ lại dưới chân núi. Khung cảnh như festival camping. Cảm giác rất tuyệt, người lạ thành thân quen. Lứa cao niên mệt thì ngủ, trẻ con xòe váy xanh đỏ tung tăng, người lớn trò chuyện thâu đêm. Sáng sớm lên núi cầu phúc, như vậy mới trọn vẹn một chuyến hành hương đầu năm", anh Hiếu chia sẻ.
Làm gì để khai thác "mỏ vàng"?
Hiện tại, các con số đang chứng minh du lịch tâm linh dần trở thành xu hướng. Theo các đơn vị lữ hành nhu cầu du lịch tâm linh năm sau thường cao hơn năm trước. "So với cùng kỳ, lượng khách đặt thời điểm này tăng khoảng 15-20%", một doanh nghiệp cho hay.
Đại diện Sun World Ba Den Mountain, cho biết suốt tháng Giêng, nhất là những ngày Tết và gần rằm tháng Giêng, hàng nghìn người cắm trại và ngủ lại dưới chân núi. Tính từ 25 tháng chạp đến mùng 6, khu du lịch đã đón hơn 561.000 lượt khách. Riêng mùng 4 Tết, Tây Ninh đón lượng khách "khổng lồ" xem khai mạc Hội xuân núi Bà, trong đó khoảng 145.000 người chọn đi cáp treo lên đỉnh.
"Hàng nghìn gia đình, nhóm trẻ, du khách có mặt từ sáng sớm đến đêm khuya, trải chiếu, bạt, thảm, túi ngủ... quanh chân núi để đón nguồn năng lượng an lành, đồng thời chờ màn pháo hoa mừng xuân mới", người đại diện nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, du lịch tâm linh vẫn còn nhiều dư địa phát triển và có tiềm năng khai thác được bốn mùa bởi Việt Nam có hệ thống các di tích, di sản văn hóa tại nhiều địa phương. Vài năm trở lại đây, các địa phương đã đổi mới trong tổ chức lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa gắn với du lịch tâm linh nhằm tăng sức hút, tạo thuận tiện hơn cho du khách.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại một số nơi vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng để phát huy hiệu quả giá trị của di tích, di sản, vừa phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống người dân tại khu vực điểm đến.
Để tour văn hóa tâm linh là “mỏ vàng” tạo nguồn thu cho du lịch địa phương, các chuyên gia cho rằng các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần tăng trải nghiệm cho du khách dựa vào các giá trị văn hóa sẵn có, kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, các địa phương lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư về nội dung và công bố sớm thời gian, địa điểm, quy mô, các dịch vụ… Đồng thời kết nối với các điểm đến trên địa bàn qua đó hình thành các tour hoàn chỉnh.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng khách du lịch tâm linh ngày càng có chiều sâu hơn, đòi hỏi các hoạt động gắn với tôn giáo cần được tổ chức bài bản, văn minh hơn, chú trọng tới trải nghiệm văn hóa.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//thi-truong/nguoi-viet-ngay-cang-thich-du-lich-tam-linh-sau-tet-1104934.html