Người viết tiếp mạch nguồn bằng chữ Thái cổ

Người viết tiếp mạch nguồn bằng chữ Thái cổ
9 giờ trướcBài gốc
NNƯT Hà Nam Ninh với kho tư liệu phong phú về chữ viết và văn hóa dân tộc Thái
Gần như cả cuộc đời, NNƯT Hà Nam Ninh, người đảng viên gương mẫu đã âm thầm “gieo chữ” trên khắp các bản làng miền núi để ký ức cha ông được viết tiếp bằng chính ngôn ngữ của cộng đồng mình.
Sinh ra trong một gia đình người Thái tại xã Bá Thước, ông Ninh sớm được nuôi dưỡng trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc mình. Ngay từ nhỏ, ông đã được cha mẹ truyền dạy chữ Thái cổ, những câu tục ngữ, ca dao, những truyện kể dân gian về khai thiên lập địa, lập bản, dựng mường.
Mỗi dòng chữ, mỗi lời kể đều thấm đẫm niềm tự hào về nguồn cội và trở thành chất men nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc với tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa của dân tộc. Năm 1966, khi mới tròn 18 tuổi, ông đỗ Trường Trung học Sư phạm miền núi Thanh Hóa, cái nôi của nhiều thế hệ trí thức dân tộc thiểu số.
Tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Trường Phổ thông cơ sở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước (nay là xã Cổ Lũng). Dẫu công việc giảng dạy nơi vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đam mê với chữ Thái cổ trong ông chưa bao giờ vơi.
Ông miệt mài tìm kiếm những bản chép tay cũ, đi hỏi han các cụ cao niên, ghi chép lại từng từ, từng nghĩa để rồi tỉ mẩn tra cứu, đối chiếu, dịch nghĩa như một người đi tìm kho báu giữa rừng ngôn ngữ cổ. Với ông, mỗi con chữ không chỉ là ký hiệu ngôn ngữ mà là những mảnh ghép lịch sử, là ký ức tổ tiên, là linh hồn của cả một cộng đồng.
Bởi thế, ông không ngại vượt đèo, lội suối đến tận các vùng sâu xa như Quan Hóa, Lang Chánh, Mường Lát (trước ngày 1.7)… để sưu tầm, khảo cứu các dị bản chữ Thái, các phương ngữ và kho tàng văn học dân gian phong phú. Năm 2004, sau khi nghỉ hưu, ông Ninh mới có thể dành trọn vẹn thời gian và tâm trí cho điều ông hằng đau đáu: Truyền dạy chữ Thái cổ cho cộng đồng.
Năm 2006, lớp học đầu tiên của ông ra đời tại Nhà văn hóa xã Bá Thước. Ban đầu chỉ có vài học viên rồi dần lan rộng ra các xã lân cận như Ban Công, Lũng Niêm, Kỳ Tân (trước ngày 1.7)…
Đối tượng học rất đa dạng gồm học sinh, cán bộ xã, người già ngoài 70 tuổi. Họ tìm đến lớp học không phải để thi cử, lấy bằng cấp, mà để tìm về cội nguồn, để hiểu và tự hào hơn về dân tộc mình. Điều đặc biệt là ông không dạy theo cách khô khan. Mỗi buổi học đều như một buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Học chữ qua câu chuyện xưa, viết thư, làm thơ, thực hành ngôn ngữ qua những buổi ra đồng, đi chợ, trò chuyện bằng tiếng Thái.
Bằng lối giảng dạy mộc mạc mà sâu sắc, gần gũi mà sáng tạo, ông đã làm cho những con chữ Thái vốn xa lạ với lớp trẻ trở nên sống động, thiết thân và đầy cuốn hút. “Không biết chữ Thái thì tìm hiểu văn hóa Thái chẳng khác nào trồng cây mà không có gốc”, ông trầm ngâm, rồi nói: “Khi đọc được những bài mo cổ, những truyện thơ bằng chữ Thái, tôi như nhìn thấy cả bầu trời văn hóa mở ra trước mắt. Hiểu gốc gác của dân tộc mình rồi, con người ta sẽ biết trân trọng và gìn giữ”.
Không chỉ mở lớp, ông Ninh còn dồn tâm huyết cho việc sưu tầm, lưu giữ và biên soạn các tài liệu quý giá về chữ Thái cổ và văn hóa Thái. Trong căn nhà nhỏ của ông hiện nay có hàng chục tư liệu cổ viết bằng chữ Thái, từ khế ước đất đai giữa các bản làng, thống kê đinh điền, thuế má, sản vật, cho đến những thần phả, truyện thơ, truyện cổ tích.
Trong số đó, quý hiếm nhất phải kể đến truyện thơ “Truyện kể đường lên thiên đàng” được viết từ thời vua Lê Chiêu Tông, một tác phẩm có giá trị lịch sử, ngôn ngữ và văn học đặc biệt.
Với quyết tâm gìn giữ bằng hành động cụ thể, từ năm 2006 đến 2012, ông đã cùng Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa tổ chức mở 10 lớp học tiếng Thái cho hơn 500 học viên tại các huyện miền núi như Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước (trước ngày 1.7)… Năm 2014, ông được mời giảng dạy trong chương
trình bồi dưỡng tiếng Thái cho cán bộ, công chức, giáo viên. Và không dừng lại ở việc dạy học, ông còn là tác giả, chủ biên của ba bộ tài liệu quan trọng: “Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa”, “Tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái năm 2008” và “Tài liệu đào tạo bồi dưỡng tiếng Thái năm 2014”. Năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu NNƯT, một sự ghi nhận xứng đáng cho hành trình bền bỉ, tận hiến suốt bao năm trời.
Nhưng với ông, phần thưởng quý giá nhất vẫn là ánh mắt sáng bừng của những đứa trẻ lần đầu đọc được truyện cổ bằng tiếng mẹ đẻ, là giọt nước mắt rưng rưng của cụ già khi viết được tên mình bằng chữ Thái. “Khi người Thái biết viết tên mình, nghĩa là họ đã nối lại được một sợi dây với tổ tiên”, ông nói đầy xúc động.
Dù tuổi đã cao, mắt đã mờ, tay đã run, mỗi năm ông vẫn mở lớp miễn phí. Mỗi bài giảng, giáo án đều được ông viết tay, trau chuốt từng dòng. Cả cuộc đời ông từ một thầy giáo vùng cao, một cán bộ giáo dục huyện, đến một nghệ nhân văn hóa đều chung một lý tưởng: Góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết, văn hóa của dân tộc mình.
NGUYỄN LINH; ảnh: TTXVN
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/nguoi-viet-tiep-mach-nguon-bang-chu-thai-co-150565.html