Đồng bào Xơ Đăng chuẩn bị các món cơm lam, thịt nướng cho lễ hội. Ảnh: Gia Phúc
Ông Trần Ngọc Loan (72 tuổi) ở thôn 1, xã Trà Nam có vai trò là già làng, chủ lễ cúng thần núi. Ông cho biết: Từ xa xưa, người Xơ Đăng quan niệm, mỗi loài cây, ngọn cỏ, con sông hay ngọn núi đều có một vị thần cai quản, trong đó có thần núi, giữ vị trí đặc biệt quan trọng, được bà con cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng của đồng bào. Từ niềm tin đó, vào những ngày cuối năm, đồng bào Xơ Đăng lại tổ chức lễ cúng thần núi (Phô ngong) để tiễn năm cũ, đón chào năm mới. Đây là nghi lễ mang ý nghĩa nhân văn cộng đồng sâu sắc, giúp người Xơ Đăng ra sức giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng.
Lễ cúng thần núi phản ánh rõ nét tín ngưỡng đa thần của đồng bào Xơ Đăng; thể hiện cung cách ứng xử nhân văn giữa con người với ngọn núi, cánh rừng, con sông, dòng suối. Họ luôn biết ơn mẹ thiên nhiên và mãi gắn bó, chan hòa với vạn vật, với môi trường nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Lễ vật dâng cúng đầy đủ các món cơm lam, bánh gói lá dong được làm từ những hạt nếp nương thơm dẻo. Dân làng sửa sang nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ, chọn những người già, thanh niên mặc trang phục truyền thống có kinh nghiệm và khéo tay tham gia tạo tác, trang trí cây nêu với nhiều họa tiết mang biểu tượng riêng.
Già làng Trần Ngọc Loan chia sẻ thêm: Với người Xơ Đăng, cây nêu là hiện vật quan trọng bậc nhất trong các lễ hội, là cầu nối giữa dân làng với các vị thần linh. Và trong lễ cúng thần núi, không thể thiếu "hơi thở" của cồng chiêng, đó là sự tôn nghiêm của con người với thần linh, với đất trời, với thần núi.
Địa điểm cúng thần núi thường được bố trí trên một đồi nằm phía sau của làng. Lễ vật chuẩn bị xong, dân làng cùng theo chân già làng vừa đi, vừa rải nước sương tinh khiết được lấy từ trong ống tre của mỗi nhà, để các vị thần biết được các gia đình trong làng ai cũng đi cúng thần núi. Ngoài con heo và gà được dâng lên lễ cúng, thì dân làng chuẩn bị mỗi nhà một quả trứng gà được bỏ trong giỏ đan bằng tre hoặc bằng nứa để thể hiện sự nâng niu, cẩn trọng và sự tôn nghiêm trước thần núi. Tại đây, già làng Trần Ngọc Loan với vai trò chủ lễ đã thực hiện nghi thức cúng thần núi bằng cách hú 3 tiếng và cả đoàn cùng hú theo. Sau khi thực hiện nghi thức, dân làng dâng lên các vật phẩm và thông báo với thần núi chứng giám cho lòng thành, ban phước cho dân làng được mùa màng tươi tốt, cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái, cho dân làng sức khỏe dồi dào, bớt ốm đau, bệnh tật. Sau khi cúng xong, già làng (chủ lễ) phân công các thanh niên trong đoàn khiêng heo, gà và dân làng tề tựu về nhà rông cùng thực hiện nghi thức đón khách.
Trước sân ngôi nhà của làng, mọi người với trang phục truyền thống chỉnh tề, rực rỡ cùng nhau tạo thành đội hình múa Chiêu, nam mặc áo, mặc khố, nữ mặc váy và đeo hạt cườm, điều đó thể hiện sự đa sắc màu của núi rừng, của cỏ cây hoa lá, diễn tấu trống chiêng xung quanh cây nêu. Cùng lúc, đội múa Chiêu đón khách vào ngôi nhà của làng cùng nhau chung vui bên ché rượu cần trong niềm vui tiễn năm cũ, đón mừng năm mới với mong ước cầu xin và đón nhận sự che chở của thần linh cho dân làng Xơ Đăng yên vui, đoàn kết, mọi nhà hạnh phúc.
Cũng trong dịp này, người Xơ Đăng tổ chức các trò chơi dân gian, thi ẩm thực..., thu hút đông đảo người dân tham gia. Du khách thích thú khi được xem những tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng do các diễn viên không chuyên là người dân bản địa biểu diễn. Những bài hát đối đáp, điệu múa Chiêu truyền thống của người Xơ Đăng, những trò chơi dân gian đặc sắc cùng ẩm thực truyền thống đã được người dân nơi đây lưu truyền hàng trăm năm nay qua các thế hệ, có những hương vị đặc trưng của núi rừng. Đến đây, lễ cúng thần núi kết thúc, mọi người ra về và hẹn một lễ cúng thần núi mùa này năm sau.
Ông Đoàn Ngọc Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người Xơ Đăng ở xã Trà Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội... Địa phương đã có những hoạt động tích cực trong công tác bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa, khôi phục và phát triển nhiều lễ hội truyền thống, các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của đồng bào Xơ Đăng như phong tục cúng thần núi và đón Tết mừng năm mới... Đây là một trong những lễ hội cần được bảo tồn bởi tính nhân văn, giáo dục con người về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, là động lực để địa phương có người Xơ Đăng sinh sống tiếp tục nỗ lực tốt hơn trong việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tương lai.
Sơn Gia Phúc