Lá chắn ba tầng: Công nghệ phòng thủ hàng đầu của Israel
Trong hơn một thập kỷ qua, Israel đã phát triển một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến và hiệu quả nhất thế giới – một mạng lưới đa tầng bao gồm nhiều hệ thống đánh chặn khác nhau để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa từ cả gần và xa. Hệ thống này không chỉ giúp Israel ngăn chặn các cuộc tấn công bằng rocket từ Hamas hay Hezbollah mà còn đối phó với các tên lửa đạn đạo phóng từ Yemen, Syria hay thậm chí là Iran.
Hệ thống "Vòm Sắt" của Israel đánh chặn các tên lửa phóng từ Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Tầng đầu tiên và nổi bật nhất là hệ thống “Vòm Sắt” – một hệ thống tầm ngắn được triển khai từ năm 2011, sau cuộc chiến với Hezbollah. “Vòm Sắt” sử dụng radar để phát hiện các rocket, đánh giá quỹ đạo và chỉ đánh chặn các mục tiêu đe dọa đến khu dân cư hoặc hạ tầng chiến lược. Được trang bị bằng tên lửa Tamir với mỗi quả trị giá khoảng 50 nghìn USD, hệ thống này đã đánh chặn được phần lớn các cuộc tấn công từ Gaza, đặc biệt là trong những đợt pháo kích ồ ạt.
Ở tầng giữa là David’s Sling – một hệ thống tầm trung được phát triển chung với Mỹ. Nó có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo hoặc rocket tầm xa lên tới 300 km. Trung tâm điều khiển chiến thuật “Golden Almond” phối hợp cùng radar đa nhiệm để phát hiện, theo dõi và ra quyết định đánh chặn.
Tầng cao nhất là Arrow-3, hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo ở tầng khí quyển và ngoài khí quyển. Arrow-3 được phát triển cùng Boeing với sự tài trợ lớn từ Mỹ, có khả năng vô hiệu hóa các đầu đạn đạn đạo trong không gian. Lần đầu tiên Arrow-3 được sử dụng thực chiến là vào tháng 11/2023, khi đánh chặn một tên lửa do lực lượng Houthi ở Yemen phóng tới Israel. Khi Iran tấn công bằng hàng loạt tên lửa vào tháng 4/2024, Arrow-3 một lần nữa chứng minh năng lực vượt trội, phối hợp cùng các tầng khác để bảo vệ không phận.
Không chỉ dừng ở mặt đất, Israel còn triển khai phiên bản hải quân của “Vòm Sắt” gọi là C-Dome trên các tàu hộ vệ lớp Sa’ar 6. Tháng 5/2025, một tàu Sa’ar 6 lần đầu tiên đánh chặn thành công một UAV xâm nhập không phận gần Eilat, nơi thường xuyên bị Houthi nhắm làm mục tiêu.
“Vòm Vàng” – Giấc mơ phòng thủ toàn cầu của ông Trump
Trở lại Nhà Trắng từ tháng 1/2025, Tổng thống Donald Trump nhanh chóng đề xuất một dự án đầy tham vọng đó là xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa “Golden Dome” hay còn gọi là “Vòm Vàng”. Nó được ví như là “Vòm Sắt của nước Mỹ” ở cấp độ quy mô toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch "Vòm Vàng" tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Trong buổi họp báo ngày 21/5, ông Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ hoàn thành trong ba năm. Khi hoàn tất, Vòm Vàng có thể đánh chặn các tên lửa được phóng từ bất kỳ đâu trên thế giới”, Hệ thống này được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa lớn như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.
Theo ước tính của ông Trump, hệ thống này sẽ tiêu tốn khoảng 175 tỷ USD. Tuy nhiên, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho rằng chi phí thực tế có thể dao động từ 160 đến 830 tỷ USD, tùy theo công nghệ và cấu hình triển khai hệ thống. Dù chưa có nhiều chi tiết về thiết kế nhưng “Vòm Vàng” được kỳ vọng sẽ tích hợp cảm biến không gian, radar tầm xa và tên lửa đánh chặn đặt cả trên mặt đất lẫn vệ tinh.
Tham vọng của ông Trump không chỉ là phòng thủ tên lửa mà còn là lời khẳng định vai trò siêu cường quân sự của Mỹ trước các đối thủ như Nga và Trung Quốc. Hiện tại, Nga được cho là sở hữu khoảng 4.300 đầu đạn hạt nhân, một mối đe dọa mà “Vòm Vàng” phải có khả năng đối phó nếu được thực thi.
Các công ty quốc phòng và công nghệ đã bắt đầu xếp hàng chờ cơ hội tham gia vào dự án. Mặc dù có nhiều nghi ngờ về khả năng hoàn thành đúng hạn nhưng sáng kiến này chắc chắn sẽ thay đổi cuộc thảo luận quốc gia về chiến lược phòng thủ trong kỷ nguyên vũ khí siêu thanh và cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.
Sự giao thoa giữa công nghệ và chính trị
Kể từ khi thành lập vào năm 1948, Israel đã nhận được khoảng 300 tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự từ Mỹ và trở thành quốc gia được nhận hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử đối ngoại nước Mỹ. Trong đó, 15% ngân sách quốc phòng hàng năm của Israel hiện nay đến từ Mỹ. Việc Mỹ tài trợ cho các hệ thống như “Vòm Sắt”, David’s Sling hay Arrow không chỉ mang ý nghĩa chiến lược mà còn củng cố mối quan hệ liên minh đặc biệt giữa hai nước.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này cũng gây tranh cãi – đặc biệt trong bối cảnh chiến sự tại Dải Gaza khiến hơn 40.000 người Palestine thiệt mạng kể từ tháng 10/2023, theo Bộ Y tế Gaza. Việc Washington vừa cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Palestine, vừa tài trợ vũ khí cho Israel đã khiến dư luận và giới lập pháp Mỹ chia rẽ sâu sắc.
Trong khi đó, Israel tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới phòng không. Một ví dụ gần đây là hệ thống SPYDER AiO, phát triển bởi Rafael – công ty quốc phòng hàng đầu Israel. SPYDER tích hợp toàn bộ radar, trung tâm điều khiển, bệ phóng và cảm biến vào một xe quân sự 8 bánh, có khả năng triển khai nhanh và tác chiến trong địa hình khó. Hệ thống này có thể đánh chặn cùng lúc tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, UAV và cả máy bay ở tầm xa 40 km và độ cao hơn 12 km.
Từ Trung Đông đến Washington, từ tàu chiến ngoài khơi đến vệ tinh ngoài vũ trụ, những gì đang diễn ra cho thấy phòng thủ tên lửa đã vượt xa khái niệm “lá chắn”, trở thành một biểu tượng quyền lực, công nghệ và chính trị trong thời đại mới.
Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo Business Insider