Ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chứng mất trí nhớ – căn bệnh ảnh hưởng đến hơn 60 triệu người và gây ra hơn 1,5 triệu ca tử vong mỗi năm – có thể bắt nguồn từ thời thơ ấu, thậm chí từ giai đoạn trong bụng mẹ. Với chi phí chăm sóc sức khỏe toàn cầu lên tới khoảng 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ (gần 1 nghìn tỷ bảng Anh) mỗi năm, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc xem xét lại chiến lược phòng ngừa căn bệnh này theo hướng trọn đời, thay vì chỉ tập trung vào tuổi già.
Mặc dù có hàng thập kỷ nghiên cứu và hàng tỷ bảng Anh đầu tư, chứng mất trí vẫn chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng "phòng bệnh hơn chữa bệnh" là cách tiếp cận khả thi và cần thiết. Một câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể ngăn ngừa chứng mất trí hay không, và nếu có thì nên bắt đầu từ độ tuổi nào?
Trước đây, chứng mất trí thường được xem là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa hoặc do di truyền. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy có tới 45% các trường hợp mất trí có thể ngăn ngừa bằng cách giảm tiếp xúc với 14 yếu tố rủi ro có thể thay đổi được, phổ biến trên toàn cầu. Các yếu tố này bao gồm béo phì, hút thuốc, thiếu vận động... và thường được nghiên cứu ở người trung niên, độ tuổi từ 40 đến 60. Vì vậy, nhiều tổ chức y tế và tổ chức từ thiện về chứng mất trí hiện đang khuyến nghị tập trung các chiến lược phòng ngừa vào giai đoạn này để đạt hiệu quả cao nhất.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc nhắm mục tiêu vào các nhóm tuổi trẻ hơn – thậm chí từ giai đoạn thiếu niên – có thể đem lại lợi ích lâu dài hơn. Nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến chứng mất trí đã hình thành từ giai đoạn vị thành niên và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Ví dụ, 80% thanh thiếu niên bị béo phì vẫn tiếp tục béo phì khi trưởng thành; điều tương tự cũng đúng với huyết áp cao và thói quen ít vận động. Ngoài ra, hầu như tất cả người lớn hút thuốc hoặc uống rượu đều bắt đầu các hành vi này từ thời niên thiếu.
Điều này đặt ra hai vấn đề lớn nếu chỉ bắt đầu phòng ngừa từ tuổi trung niên. Thứ nhất, thay đổi hành vi đã ăn sâu từ lâu là rất khó khăn. Thứ hai, những người ở độ tuổi trung niên đã bị tác động bởi các yếu tố nguy cơ trong nhiều thập kỷ, khiến việc phòng ngừa trở nên kém hiệu quả hơn.
Do đó, hành động hiệu quả nhất có thể là ngăn chặn các hành vi không lành mạnh ngay từ đầu, thay vì cố gắng sửa đổi sau khi đã hình thành thói quen xấu. Điều này dẫn đến câu hỏi: Liệu căn nguyên của chứng mất trí có thể bắt đầu từ giai đoạn còn sớm hơn – như thời thơ ấu – hay không?
Các chuyên gia cho biết, có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trong 10 năm đầu đời, hoặc thậm chí từ trong bụng mẹ, có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mất trí về sau. Để hiểu được điều này, cần phải hiểu rằng não bộ con người trải qua ba giai đoạn chính: phát triển trong thời thơ ấu, tương đối ổn định khi trưởng thành và suy giảm khi về già.
Phần lớn các nghiên cứu về chứng mất trí tập trung vào giai đoạn suy giảm ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những khác biệt về cấu trúc và chức năng não liên quan đến chứng mất trí có thể đã xuất hiện từ thời thơ ấu. Ví dụ, trong các nghiên cứu theo dõi khả năng nhận thức của con người từ khi còn nhỏ đến lúc về già, người ta nhận thấy rằng một trong những yếu tố dự đoán tốt nhất cho khả năng nhận thức ở tuổi 70 chính là khả năng nhận thức khi họ 11 tuổi. Nói cách khác, người lớn tuổi có kỹ năng nhận thức kém thường đã có những hạn chế này từ nhỏ, chứ không phải chỉ do sự suy giảm nhanh hơn khi già đi.
Tương tự, các hình ảnh chụp não của người mất trí cũng cho thấy một số thay đổi trong não bộ liên quan nhiều hơn đến các yếu tố rủi ro xuất hiện sớm trong đời, thay vì lối sống hiện tại.
Tất cả những điều này cho thấy đã đến lúc chúng ta cần coi phòng ngừa chứng mất trí là một mục tiêu suốt đời, bắt đầu từ những năm đầu tiên của cuộc sống.
Để đạt được mục tiêu đó, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp toàn diện và phức tạp – không có một công thức chung nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Việc dùng thuốc đại trà cho người trẻ không phải là câu trả lời. Thay vào đó, một nhóm gồm 34 nhà nghiên cứu hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó có các tác giả bài viết, đã công bố một bộ khuyến nghị gồm các hành động cần thực hiện ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và quốc gia nhằm cải thiện sức khỏe não bộ ngay từ thời thơ ấu.
Tuyên bố đồng thuận của nhóm đưa ra hai thông điệp then chốt. Thứ nhất, để giảm nguy cơ mắc chứng mất trí hiệu quả trên diện rộng, cần có cách tiếp cận phối hợp, bao gồm môi trường sống lành mạnh hơn, giáo dục tốt hơn và chính sách công hợp lý hơn. Thứ hai – và quan trọng nhất – mặc dù không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa chứng mất trí, nhưng cũng không bao giờ là quá sớm để hành động.
Bảo Ngọc (t/h)