Musk - người giàu nhất thế giới và là giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX - đã đệ đơn kiện nhiều lần trong năm qua nhằm ngăn Altman tái cấu trúc OpenAI từ một tổ chức phi lợi nhuận thành một công ty có lợi nhuận.
Đầu tuần này, Musk đã nâng cao mức cược bằng cách đề nghị mua lại OpenAI với giá 97,4 tỷ USD, với mục đích bảo vệ sứ mệnh ban đầu của phòng thí nghiệm nghiên cứu AI - đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo tổng quát mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.
Đề nghị của Musk nhanh chóng bị Altman bác bỏ.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 12/2, Musk cho biết thông qua các luật sư rằng ông sẽ rút lại đề nghị nếu OpenAI vẫn giữ nguyên tư cách tổ chức phi lợi nhuận, điều này sẽ khiến công ty không thể tiếp cận được hàng tỷ USD vốn đầu tư.
Giữa cuộc tranh chấp pháp lý, hai người đã công khai đưa ra những lời chỉ trích nhắm vào nhân cách của đối phương.
Vậy tại sao hai giám đốc điều hành nổi tiếng nhất của Thung lĩnh Silicon lại trở nên thù địch đến vậy?
Nguồn gốc của cuộc tranh cãi theo lời OpenAI
Ông Sam Altman phát biểu tại Đại học Tel Aviv ở thành phố Tel Aviv, Israel ngày 5/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Musk (53 tuổi) và Altman (39 tuổi) từng là đồng nghiệp. Hai người đã đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015 cùng với một số nhân vật nổi bật khác trong lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Musk và Altman từng đảm nhiệm vai trò đồng chủ tịch đầu tiên của công ty này.
Vào thời điểm đó, Musk - người sáng lập Tesla và SpaceX - là một nhân vật được biết đến nhiều hơn trong Thung lũng Silicon.
OpenAI được thành lập với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận, với sứ mệnh tập trung vào nghiên cứu và an toàn thay vì mục tiêu kiếm lời.
Theo OpenAI, vấn đề bắt đầu xuất hiện từ năm 2017 khi rõ ràng rằng công ty sẽ cần rất nhiều sức mạnh tính toán và hàng trăm triệu USD vốn đầu tư nếu muốn tạo ra trí tuệ nhân tạo tổng quát.
Theo các email nội bộ được OpenAI chia sẻ trên trang web của mình, Musk được cho là đã muốn chuyển sang mô hình công ty có lợi nhuận và tự mình đảm nhận vai trò giám đốc điều hành. Khi bất đồng về tương lai của công ty leo thang, Musk đã ngừng cung cấp vốn để trả đũa.
Musk rời công ty vào năm 2018 mặc dù ban đầu ông vẫn ủng hộ công việc của công ty. Sau đó, ông mua lại Twitter vào năm 2022 và thành lập công ty AI riêng của mình, có tên xAI, vào năm 2023.
Trong những năm sau khi Musk rời đi, OpenAI đã trải qua nhiều thay đổi lớn. Vào năm 2019, OpenAI đã thành lập một công ty con có lợi nhuận để huy động vốn, biến công ty thành một dạng hỗn hợp giữa phi lợi nhuận và lợi nhuận.
Ba năm sau, vào năm 2022, sau khi ra mắt ChatGPT đột phá, công ty này đã trở thành một cái tên quen thuộc. Cái tên Altman cũng như vậy.
Nguồn gốc của cuộc tranh cãi theo tỷ phú Musk
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: AFP/TTXVN
Mối căng thẳng giữa Musk và Altman lại leo thang vào năm 2023 khi Microsoft đồng ý đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI, bên cạnh 3 tỷ USD đã đầu tư trước đó.
Quan điểm của Musk về OpenAI đã được tiết lộ qua các hồ sơ pháp lý.
Trong một vụ kiện năm 2024, Musk cáo buộc rằng trong thực tế, OpenAI đã trở thành một công ty con của Microsoft, gọi thỏa thuận này là một trò lừa đảo có quy mô và cho rằng Altman đang “kiếm lời” từ công nghệ AI tạo sinh.
Một số lo ngại của Musk cũng giống các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu, khi họ mở các cuộc điều tra chống độc quyền liên quan đến thỏa thuận này.
Musk mở rộng vụ kiện vào tháng 11/2024, lập luận rằng hai công ty đang độc chiếm thị trường AI tạo sinh.
Ông cáo buộc Altman đã bảo các nhà đầu tư không hỗ trợ xAI của Musk và các đối thủ khác trong đợt huy động vốn mới nhất của OpenAI. Ông cho rằng mối quan hệ giữa Microsoft và OpenAI cần được tách rời để bảo vệ những gì còn lại của tính phi lợi nhuận của OpenAI, tránh bị lợi dụng.
Musk và Altman đã nói gì về nhau?
Hai giám đốc điều hành đã không ngừng chỉ trích nhau trên mạng, trên các phương tiện truyền thông và trong các hồ sơ tòa án.
Đầu tuần này, hai người đã công khai đối đầu trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) sau khi Musk đề nghị mua lại công ty OpenAI.
Altman viết: “Không, cảm ơn, nhưng chúng tôi sẽ mua lại Twitter với giá 9,74 tỷ USD nếu ông muốn”.
“Kẻ lừa đảo”, Musk đã đáp trả.
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 11/2, Altman cho rằng tỷ phú Musk hành động như vậy là do bị thúc đẩy bởi những “con quỷ” ẩn sâu trong ông này chứ không phải vì lo ngại về tương lai của OpenAI, cáo buộc ông hành động “vì bất an”.
“Tôi cảm thấy thương cho ông ta”, Altman nói với Bloomberg TV tại Hội nghị Hành động AI Paris. Ông nói về Musk và công ty đối thủ xAI: “Tôi nghĩ đó là để làm chậm tiến độ của đối thủ và đuổi kịp xu hướng, nhưng tôi thực sự không biết”.
Về phía Musk, ông đã miêu tả Altman như một kẻ tham lam và kẻ lừa đảo vô lương tâm trong các vụ kiện chống OpenAI.
Trong các hồ sơ tòa án vào tháng 8, các luật sư của Musk mô tả cách quản lý của Altman tại OpenAI là một hoạt động từ thiện rỗng tuếch, một trò lừa đảo kéo dài và là câu chuyện điển hình về lòng vị tha đối đầu với lòng tham.
Các luật sư của Musk cũng cáo buộc rằng Altman và các thành viên khác của OpenAI đã cố tình tiếp cận và lừa dối Musk, lợi dụng mối quan tâm nhân đạo của ông về những nguy cơ tồn tại do trí tuệ nhân tạo gây ra”.
Tại sao OpenAI muốn chuyển thành công ty tư nhân?
Biểu tượng của OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN
Altman và ban giám đốc OpenAI cho rằng công ty cần được tái cấu trúc để huy động vòng vốn tiếp theo từ Softbank, một tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản, khi mà gần đây công ty được định giá ở mức 260 tỷ USD.
Theo bà Rose Chan Loui, Giám đốc điều hành sáng lập Trung tâm Lowell Milken về Từ thiện và Tổ chức Phi lợi nhuận, mặc dù việc chuyển đổi từ tổ chức phi lợi nhuận sang công ty có lợi nhuận không phải là điều hiếm gặp - đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - nhưng quy mô của dự án OpenAI thực sự nổi bật.
Theo đề xuất tái cấu trúc của OpenAI, công ty con có lợi nhuận sẽ bồi thường cho tổ chức phi lợi nhuận về tài sản của mình, tạo ra một công ty mới có lợi nhuận, nhưng đề nghị của Musk với giá 97,4 tỷ USD đã làm cho thỏa thuận trở nên phức tạp.
Bà Chan Loui nói: “Nếu việc chuyển đổi diễn ra, thách thức tiếp theo là xác định mức bồi thường mà tổ chức phi lợi nhuận nên nhận và con số này cần phải là giá trị thị trường công bằng. Trước đây, OpenAI được cho là đang xem xét mức giá trong khoảng 30 - 40 tỷ USD. Đề nghị của Elon Musk đặt ra câu hỏi về tính đầy đủ của con số đó. Ban giám đốc tổ chức phi lợi nhuận sẽ cần xem xét đề nghị và OpenAI sẽ cần giải thích cho ban giám đốc phi lợi nhuận cũng như cho các tổng chưởng lý của bang Delaware và California rằng tại sao đề nghị của Musk không có lợi hơn cho tổ chức phi lợi nhuận so với những gì OpenAI sẵn sàng đưa ra”.
OpenAI nói gì về đề nghị của Musk?
Ngoài việc Altman đưa ra những lời chỉ trích Musk trên mạng và qua các phương tiện truyền thông, OpenAI đã đệ đơn xin bác bỏ vụ kiện của Musk.
Trong phiên tòa, công ty phủ nhận cáo buộc rằng họ cố gắng ngăn chặn việc cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp khác và đặt câu hỏi về mục đích của Musk.
Trong các hồ sơ pháp lý, luật sư của Altman, Jordan Eth, cho rằng mối quan ngại của Musk về tương lai của OpenAI không áp dụng, miễn là Musk và các đồng minh của ông là những người mua. Luật sư Eth nói: “Musk sẽ bắt buộc OpenAI, Inc. chuyển giao toàn bộ tài sản của mình cho ông, vì lợi ích kinh tế của ông và của công ty AI đối thủ cũng như cho các nhà đầu tư tư nhân mà ông lựa chọn”.
Thùy Dương/Báo Tin tức (Al Jazeera)