Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2025), các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định những dự đoán chính xác của Người về thời cuộc không chỉ là trực giác chính trị sắc bén, mà còn bắt nguồn từ mục tiêu đấu tranh xuyên suốt, nền tảng lý luận vững chắc và sự hiểu biết sâu rộng từ thực tiễn.
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc là cội nguồn dự báo
PGS.TS Đinh Quang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Sử học cho rằng cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những dự báo thiên tài trước hết xuất phát từ mục tiêu mà Người theo đuổi:
“Độc lập, tự do, hạnh phúc – đó là chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra. Mong muốn, mục đích của Người là suốt đời làm sao cho dân ta được độc lập, nước ta được tự do, nhân dân được hạnh phúc, ai cũng có cơm no áo mặc, ai cũng được học hành”.
PGS.TS Đinh Quang Hải phân tích: “Đó là cội nguồn, là cơ sở nền tảng để Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra được những dự báo thiên tài về con đường cách mạng của Việt Nam cũng như của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra nhiều dự báo thiên tài. Ảnh: TTXVN.
Điểm xuất phát thứ hai nữa là tình yêu quê hương đất nước, mục tiêu giải phóng dân tộc. Cơ sở khoa học dựa trên việc tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam là cơ sở khoa học để Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những dự báo thiên tài”.
Theo ông Hải, điều này thể hiện rõ nhất trong việc vận dụng thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám. Cụ thể, vào giữa năm 1945, bối cảnh tình hình thế giới có sự thay đổi rất mạnh mẽ.
Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, khi các nước Đồng minh đánh bại phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc. Đó là thời cơ lịch sử rất quan trọng.
Khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945 cũng là tạo thời cơ rất thuận lợi để phong trào đấu tranh giành chính quyền của Việt Nam chín muồi, thể hiện sự thắng lợi.
Từ đó, ông Hải nhấn mạnh: “Qua sự hiểu biết sâu sắc, qua kinh nghiệm và qua nhận định tình hình thế giới, tình hình trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra phán đoán, đưa ra chọn thời cơ chúng ta giành được chính quyền trong thời gian ngắn.
Đây là thể hiện tầm nhìn thiên tài, sự suy nghĩ sâu sắc, kinh nghiệm thực tiễn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua để vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
PGS.TS Đinh Quang Hải (giữa) và TS Chu Đức Tính (thứ nhất từ phải sang) nói về những dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VIẾT THỊNH.
Hiểu sâu chủ nghĩa Mác – Lênin, khái quát giỏi thực tiễn
TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 30 dự báo, trong đó có nhiều dự báo trở thành hiện thực chính xác một cách đặc biệt.
Ông dẫn lại một trường hợp: “Năm 1953, họp Hội đồng Chính phủ, khi mà cụ Phan Anh chúc thọ Bác Hồ, Bác Hồ đọc ngay một câu thơ lẩy Kiều: ‘Đành rằng chờ đó ít lâu, chầy chăng là một năm sau vội gì’. Đúng là 1954, đất nước giải phóng”.
TS Tính lý giải: “Đầu tiên phải thừa nhận Bác là một vĩ nhân. Thứ hai, vĩ nhân này có tầm nhìn xa, trông rộng, có sự mẫn cảm sâu sắc về chính trị. Và đặc biệt nhờ sự bôn ba 30 năm hoạt động ở nước ngoài, đọc các loại sách Đông – Tây kim – cổ và là người rất hiểu về chủ nghĩa Mác – Lênin, có lẽ là hiểu nhất trong những người Việt Nam”.
“Bác đã trực tiếp đọc chủ nghĩa Mác – Lênin bằng nguyên bản từ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Nga. Cộng trí tuệ thiên tài cho nên Bác hiểu đến gốc, đến rễ chủ nghĩa Mác – Lênin để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn. Cộng với năng lực khái quát về tổng kết lịch sử vào thực tiễn, cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh có những nhận xét thiên tài”- ông Tính nói.
VIẾT THỊNH