Nguồn lực quan trọng để xã Nấm Dẩn giữ rừng

Nguồn lực quan trọng để xã Nấm Dẩn giữ rừng
9 giờ trướcBài gốc
BHG - Trong những năm qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao sinh kế và nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và huyện về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), UBND xã Nấm Dẩn triển khai đồng bộ các văn bản pháp lý như Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 99 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT. Cấp ủy, chính quyền xã tăng cường phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để phổ biến chính sách, kiểm tra hiện trường, nghiệm thu và chi trả tiền DVMTR một cách đúng quy trình, quy định pháp luật.
Tổ tuần rừng thôn Ngam Lâm đi tuần tra rừng khu vực đèo Gió.
Bí thư Đảng ủy xã Nấm Dẩn Trương Thị Coi, cho biết: Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã thực hiện nghiêm túc công tác chi trả DVMTR. Việc lập kế hoạch và tổ chức chi trả được thực hiện rõ ràng, minh bạch: Danh sách, diện tích và số tiền được niêm yết công khai tại các thôn để người dân dễ dàng giám sát, bàn bạc và thống nhất phương án sử dụng. Năm 2024, tổng số tiền chi trả DVMTR của xã gần 850 triệu đồng, trong đó hơn 766 triệu đồng được chuyển trực tiếp đến các hộ dân và cộng đồng thôn, bản; phần còn lại dành cho công tác quản lý rừng của xã.
Nhờ chính sách DVMTR, nhận thức của người dân về vai trò và giá trị của rừng được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ dân đã chủ động trồng rừng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng như Sa nhân, Thảo quả mang lại giá trị kinh tế thiết thực. Đây không chỉ là sự chuyển biến trong nhận thức mà còn là sự thay đổi trong hành động, khi người dân coi rừng là nguồn sinh kế bền vững.
Anh Ly Văn Chương, trưởng thôn Ngam Lâm, chia sẻ: “Thôn có 105 hộ dân được giao khoán rừng với diện tích hơn 200 ha. Chúng tôi sinh ra và lớn lên gắn bó với rừng và rừng là nguồn sống vô giá, bởi rừng che chở cho người dân, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cũng như sản xuất. Từ nguồn nước tự nhiên, nhiều mô hình liên kết nuôi cá nước lạnh ở đèo Gió cũng đã được hình thành và đang phát triển. Dưới tán rừng, các hộ dân có thêm thu nhập từ việc trồng Thảo quả, Sa nhân. Để tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, thôn thành lập tổ tuần tra rừng, hoạt động định kỳ và đột xuất, ngoài ra phát huy hiệu quả mô hình “gõ mõ bảo vệ rừng” kết hợp với hệ thống Zalo, Facebook linh hoạt giúp phát hiện và xử lý nhanh chóng các vi phạm xâm hại rừng. Nhìn chung, những năm gần đây, ý thức bảo vệ rừng đã được nâng cao rõ rệt và trở thành ưu tiên hàng đầu trong đời sống người dân”.
Xã Nấm Dẩn hiện có 13 thôn và một tổ đội bảo vệ rừng cấp xã. Tại mỗi thôn đều có tổ quần chúng bảo vệ rừng, gồm 8 – 10 người hoạt động luân phiên tuần tra, phát hiện sớm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, xã cũng thành lập tổ đội xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng hoạt động hiệu quả, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp như cháy rừng hay khai thác rừng trái phép. Trong năm qua, toàn bộ diện tích rừng thuộc lưu vực cung ứng DVMTR trên địa bàn xã được bảo vệ an toàn, không xảy ra cháy rừng hay xâm hại tài nguyên rừng. UBND xã đã thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng theo từng tháng, quý và năm.
Song song với việc chi trả DVMTR, công tác tuyên truyền về chính sách và pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng được triển khai sâu rộng. Trong năm 2024, xã đã phối hợp tổ chức 15 cuộc tuyên truyền với trên 1.230 lượt người tham gia và ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ chức tuyên truyền tại các phiên chợ, trường học với tổng số 395 lượt giáo viên và học sinh tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên rừng ngay từ thế hệ trẻ.
Chính sách chi trả DVMTR tại xã Nấm Dẩn đã và đang đi vào chiều sâu, trở thành nguồn lực quan trọng giúp người dân tăng thu nhập, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ “lá phổi xanh”. Đây là một mô hình tiêu biểu thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền, người dân và các đơn vị chuyên môn trong quản lý tài nguyên rừng gắn với phát triển KT - XH tại địa phương.
Bài, ảnh: VĂN LONG
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/kinh-te/202505/nguon-luc-quan-trong-de-xa-nam-dan-giu-rung-d7c0ce3/