Cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra rừng. Ảnh: Đình Giang
Kỳ vọng từ Chương trình ERPA
Thanh Hóa có 647.473ha rừng, trong đó có 393.361ha rừng tự nhiên và 254.076ha rừng trồng. Theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, có các nội dung chi trả hỗ trợ bảo vệ rừng đến tổ chức, cá nhân như: hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng sống gần rừng, tham gia bảo vệ rừng; chi cho hoạt động các biện pháp lâm sinh, làm giàu rừng, khoanh nuôi, trồng rừng bổ sung.
Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên là đơn vị được giao quản lý 24.728ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, bao gồm: 23.816ha rừng đặc dụng; 912ha rừng sản xuất. Thực hiện thông báo chi trả năm 2023, đơn vị nhận được hơn 3 tỷ đồng từ chương trình ERPA. Ông Ngô Xuân Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, kỳ vọng: “Với số tiền được thụ hưởng từ chương trình ERPA, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã lên kế hoạch xây dựng công trình lâm sinh là thiết kế kỹ thuật, dự toán kinh phí đầu tư làm giàu rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tại khu 9, tiểu khu 500 thuộc phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng. Công trình sẽ góp phần trồng bổ sung kết hợp nuôi dưỡng rừng đặc dụng là rừng tự nhiên phục hồi bằng các loài cây bản địa, nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi rừng, nâng cao chất lượng, khả năng phòng hộ đầu nguồn; bảo tồn, nâng cao tính đa dạng sinh học, môi trường sinh thái rừng; tạo việc làm cho người lao động, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân...".
Với ông Lê Đăng Hải, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn (Thường Xuân) được giao quản lý, bảo vệ hơn 900ha rừng tự nhiên gần khu dân cư, khi biết tin sẽ nhận 50 triệu đồng từ chương trình ERPA, tỏ ra rất phấn khởi. Sau khi bàn bạc, các tổ viên thống nhất sẽ sử dụng số tiền vào tu sửa, lợp mái tôn trước hiên nhà văn hóa thôn Ngọc Thượng nay đã xuống cấp.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát được giao quản lý 3.476ha đất lâm nghiệp, số tiền thụ hưởng từ chương trình ERPA hơn 459 triệu đồng. Với số tiền này, dự kiến sẽ được chi trả cho các hoạt động như: hỗ trợ cộng đồng tham gia quản lý rừng; kinh phí chi cho các xã có cộng đồng tham gia quản lý rừng và kinh phí dành cho các biện pháp lâm sinh.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát tin tưởng, nguồn kinh phí từ chương trình ERPA sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và xây dựng các công trình phúc lợi của cộng đồng dân cư.
Còn nhiều vướng mắc
Kỳ vọng là vậy nhưng đến nay việc giải ngân nguồn vốn từ chương trình ERPA đang gặp nhiều vướng mắc, gây lúng túng cho các đơn vị cơ sở. Theo ông Ngô Xuân Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cho biết: "Đến nay, nguồn chi trả từ ERPA năm 2023 vẫn chưa thể thực hiện giải ngân cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ rừng. Nguyên nhân là do việc chuyển nguồn kinh phí từ năm 2023 sang năm 2024 để sử dụng, được lập, trình kế hoạch tài chính chương trình ERPA năm 2024 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra rừng.
Thống kê của Ban Quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Thanh Hóa có hơn 393.000ha rừng tự nhiên được chi trả từ chương trình ERPA vùng Bắc Trung bộ. Tính đến tháng 10/2023, nguồn thu từ chi trả chương trình ERPA hơn 162 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ giải ngân cho các tổ chức, cá nhân hưởng lợi là 46,5 tỷ đồng. Trong đó, hơn 23 tỷ đồng chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân được giao bảo vệ rừng; đối với các chủ rừng Nhà nước hiện chưa thể giải ngân.
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến chậm chi trả tiền theo chương trình ERPA là do cuối tháng 9/2023 chương trình này mới triển khai thực hiện. Sau khi triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã rà soát các đối tượng được thụ hưởng, phê duyệt kế hoạch tài chính. Vì vậy cuối năm 2023, mới thực hiện chi trả về cho các chủ rừng, dẫn đến các chủ rừng chậm thời gian lập kế hoạch tài chính.
Bên cạnh đó, phần lớn diện tích rừng tự nhiên tại Thanh Hóa đang được bố trí kinh phí từ các chương trình dự án thuộc ngân sách Nhà nước để giao khoán bảo vệ rừng. Việc thực hiện theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, nguồn từ chương trình ERPA không được chi chồng chéo với nguồn ngân sách Nhà nước. Điều này, khiến cho các chủ rừng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định các nhiệm vụ, hoạt động của chương trình ERPA.
Cũng theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời gian thực hiện giải ngân kinh phí chương trình ERPA đến hết năm 2025. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện không chỉ riêng Thanh Hóa, mà có nhiều địa phương tỉnh khác ở vùng Bắc Trung bộ cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần xem xét cho kéo dài thời gian thực hiện chương trình ERPA đến hết năm 2027.
Đình Giang