Nguồn sức mạnh vĩ đại của dân tộc

Nguồn sức mạnh vĩ đại của dân tộc
14 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân quân tự vệ tham gia kháng chiến chống Mỹ tại buổi gặp mặt ở Hà Nội ngày 9/4/2025. Ảnh: TTXVN
Những người thuộc thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày lên đường ra trận tuổi đời dù chỉ mới mười tám đôi mươi, nay cũng đã thuộc lớp “người xưa nay hiếm”. Tuy nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng thế hệ những người ra trận năm xưa mỗi khi nhớ về ngày 30/4, về Đại thắng mùa Xuân 1975 như luôn được sống lại âm hưởng những bài ca ra trận: “Giải phóng Miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”, và khúc khải hoàn “Mùa Xuân trên TP Hồ Chí Minh”...
Cùng với âm vang những bài ca trong thời đại Hồ Chí Minh dường như chúng ta còn được nghe tiếng vọng của hai câu thơ bất hủ của vua Trần Nhân Tông ngợi ca chiến công lẫy lừng của dân tộc, ngợi ca những người lính đã trải qua chiến trận ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông: “Bạch đầu quân sĩ tại, vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong). Truyền thống yêu nước và tri ân những người làm nên chiến thắng, những con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu, của thế hệ Hồ Chí Minh sẽ còn kể lại những câu chuyện, con người, chiến công như huyền thoại của tháng năm dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống lại một thế lực ngoại xâm vô cùng hùng mạnh, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
Âm vang của những bài ca, câu thơ năm xưa là một cảm nhận rất đỗi tự hào ngợi ca những con người đã làm nên chiến công cực kỳ vĩ đại. Những chiến thắng lẫy lừng có thật trên chiến trường, đánh bại kẻ thù có sức mạnh súng gươm, đạn bom lớn hơn mình gấp bội, nên những người lính già dẫu tóc trên đầu đã bạc vẫn muốn kể lại câu chuyện đánh thắng giặc cho lớp lớp con cháu được nghe. Cái sự cảm khái tự hào và tri ân trào dâng ấy của vua Trần Nhân Tông dường như đang sống lại với tình cảm tự hào và biết ơn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay đối với chiến công Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược nói chung.
***
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 được sánh với những trận đánh lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử oai hùng của cha ông ta: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… Đó là những trận đánh khiến kẻ địch kinh hoàng khiếp sợ. Kẻ thì chui ống đồng chạy trốn; kẻ thì hoảng loạn chen lấn bám càng máy bay trực thăng để tìm lối thoát thân. Đó là những cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ để giành lại quyền sống trong hòa bình, tự do và độc lập. “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất luân. Đánh cho nam quốc anh hùng tri hữu chủ”. Đánh để cho muôn đời tắt lửa chiến tranh; để mở nền thái bình muôn thuở.
Truyền thống đánh giặc rất đỗi ngoan cường nhưng lại thấm đẫm nghĩa nhân của dân tộc Việt Nam, sẵn sàng “khép lại quá khứ hướng tới tương lai”. Truyền thống ấy đã có từ hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đang được tiếp nối và phát huy trong tuyên ngôn thấm đẫm tinh thần hòa hiếu.
Trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, những lần đứng lên chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới nhiều lần đương đầu với nhiều kẻ thù ngoại xâm hung bạo, có tiềm lực quân sự lớn như dân tộc Việt Nam. Cũng hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà mỗi khi đất nước đứng trước họa xâm lăng Nhân dân lại kết đoàn thành một khối vững chắc đủ sức làm nên chiến thắng như Nhân dân ta.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là minh chứng hùng hồn nhất nói lên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đấy không chỉ là thắng lợi của tài thao lược quân sự mang tầm vóc lớn lao mà còn là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí kiên cường bất khuất; của sự thông minh, sáng tạo vô bờ bến của Nhân dân ta; của khát vọng cháy bỏng về tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4 năm nay, đánh dấu 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp mỗi người dân Việt Nam thêm tự hào, tin tưởng và biết ơn các anh hùng, liệt sĩ; biết ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đại thắng Mùa Xuân 1975 mãi mãi là niềm tự hào lớn lao, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc; tiếp tục vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng tâm hiệp lực tiến vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và phồn vinh.
***
Vào những ngày này chúng ta càng thêm thấm thía những lời căn dặn và nhắn nhủ vô cùng ân cần và thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ ai thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”. Người còn giải thích hết sức cặn kẽ: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc…”. Tư tưởng lớn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng, Nhà nước ta quán triệt, cả trong đường lối đối nội và đối ngoại: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (Văn kiện Đại hội XII). Và sự thật, không chỉ chúng ta “muốn” mà chúng ta đã xây dựng nên những mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với những nước từng là đối thủ. Với đồng bào trong nước, đường lối của Đảng là một sự nhìn nhận đầy bao dung và hòa thuận: “Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước” (Văn kiện Đại hội XII). Tư tưởng ấy chính là tư tưởng lớn đại đoàn kết toàn dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.
Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thời cơ và vận hội lớn, đồng thời cũng có cả những thách thức và khó khăn, hơn lúc nào hết chúng ta càng quý trọng những giá trị lớn lao cần phải ra sức bảo vệ, giữ gìn và phát huy. Đó là truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân, vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nguon-suc-manh-vi-dai-cua-dan-toc.688956.html