Ảnh: Bloomberg.
Tờ The Washington Post đặt câu hỏi: Chúng ta muốn gì khi mua một sản phẩm? Đôi khi là lợi ích sản phẩm đó mang lại, như bột giặt hoặc mực in. Nhưng với nhiều sản phẩm khác, chúng ta mua một ảo tưởng rằng khi chúng ta sở hữu thứ này, chúng ta trở thành một kiểu người nhất định hay đến được một cuộc sống khác.
Các công ty đa cấp đặc biệt khéo léo trong việc bán loại cám dỗ vô hình này. Như cây viết Bridget Read ghi lại trong cuốn Little Bosses Everywhere: How the Pyramid Scheme Shaped America, đây chính là “quy tắc kinh doanh” của các công ty đa cấp trong suốt nhiều thập kỷ.
Cuốn sách ra mắt ngày 6/5. Ảnh: Amazon.
Kế hoạch kim tự tháp
“Kế hoạch”, cách gọi tắt của những người sáng lập đế chế đa cấp ngay từ những năm 1940, đã vạch rõ hai cách kiếm tiềm cho nhân viên của họ. Đó là trực tiếp mua hàng từ công ty mẹ rồi bán lại để kiếm lời, hoặc họ có thể tìm nhiều người bán hàng khác. Những người này, với doanh số cá nhân của họ, cũng mang lại lợi nhuận cho người giới thiệu đầu tiên.
Vấn đề là cách kiếm tiền đầu tiên (mua hàng từ công ty) hầu như đều thua lỗ và toàn bộ tiền từ mô hình đa cấp này đều đến từ việc mở rộng đội ngũ tham gia vào kế hoạch kim tự tháp. Như Read lưu ý, 85% chuyên gia tư vấn sắc đẹp độc lập làm việc cho Mary Kay, một công ty đa cấp chuyên bán mỹ phẩm, “không kiếm được đồng nào từ hoa hồng bán hàng vào năm 2022”.
Nếu những người bán chiếm 85% này không kiếm được đồng nào từ hoa hồng, thì liệu họ có kiếm được nhiều hơn bằng cách mở rộng đội ngũ cấp dưới không? Như Read giải thích, những người quảng bá công ty luôn nhấn mạnh rằng "mọi trung gian đều có cơ hội trở thành người đứng đầu một mạng lưới rộng lớn làm việc dưới quyền mình, có nghĩa là trở thành ông chủ".
Nhưng trên thực tế, hầu hết người tham gia vào một tổ chức như vậy đều phải vật lộn để mở rộng mạng lưới và phải chi tiền đầu tư cho điều đó. Và những người duy nhất được hưởng lợi là một số ít ở đỉnh cao của kim tự tháp.
Nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó. Vào năm 2020, Hiệp hội bán hàng trực tiếp Mỹ đã ghi nhận số người tham gia các mô hình đa cấp này tăng 13%. Vì các công ty này không chỉ bán hàng, mà còn thể hiện một hệ tư tưởng đặc trưng của người Mỹ, theo đó sự kiên trì và lòng dũng cảm sẽ dẫn đến thành công.
Carl F. Rehnborg, người sáng lập công ty thực phẩm bổ sung vitamin Nutrilite, một trong những công ty đa cấp sớm nhất và có ảnh hưởng nhất tại Mỹ, sở hữu "tinh thần đặc trưng của người Mỹ", theo lời của chính con trai ông.
Tất nhiên, người con muốn nói rằng Rehnborg là một tấm gương về sự kiên trì và sự siêng năng trong chủ nghĩa tư bản, nhưng tinh thần của Rehnborg còn là không biết xấu hổ khi lợi dụng những khách hàng cả tin và sẵn sàng thổi phồng những thông tin không có căn cứ.
Rehnborg thành lập Nutrilite vào giữa những năm 1930 và đến năm 1941, tự gọi mình là "Tiến sĩ", mặc dù không có bằng cấp y khoa và không có chuyên môn về dinh dưỡng.
Với logic tinh thần kiểu Mỹ, các công ty này “đổ thừa” rằng những người bán hàng cấp dưới không kiếm được tiền, thậm chí mắc nợ, là vì họ không đủ chăm chỉ.
Người bán giấc mơ Mỹ
Một thế giới quan như vậy đã đạt đến tầm cao mới với sự ra đời của Amway (viết tắt của American Way), hiện là công ty đa cấp lớn nhất thế giới. Được những nhà tài trợ lớn của Đảng Cộng hòa là Richard DeVos và Jay Van Andel thành lập vào năm 1959, ban đầu công ty này "không có sản phẩm nào để bán hoặc dịch vụ nào để cung cấp". Nhưng sự thiếu sót này không quan trọng. Theo Read, sản phẩm thực sự của họ đã "nằm trong tên gọi".
Xà phòng và máy lọc nước, những sản phẩm danh nghĩa của công ty, chỉ là thứ yếu so với "ý tưởng về giấc mơ Mỹ". Và tất nhiên, lời kêu gọi theo đuổi giấc mơ Mỹ bằng cách kêu gọi những người mơ mộng khác mua nhiều hàng tồn kho cũng đã mang lại một phần tiền đáng kể.
Ngay từ đầu, Amway đã tự coi mình là thành trì của lòng yêu nước và nhiệt huyết tự do. Năm 1972, công ty đã xây dựng “một Trung tâm Doanh nghiệp Tự do… nơi họ cho ra đời hàng loạt tác phẩm văn học và chương trình dành cho trẻ em”.
Amway đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc thập tự chinh này không chỉ bằng cách truyền bá học thuyết về doanh nghiệp tự do trong hàng ngũ của mình mà còn bằng cách trực tiếp tài trợ và lôi kéo các chính trị gia bảo thủ. Những người sáng lập đã đổ tiền vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1980 của Ronald Reagan và gần đây hơn, Betsy DeVos, con dâu của Richard Devos, từng là bộ trưởng giáo dục trong nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump.
Con đường thành công hàng thập kỷ
Trong khi các chương trình đa cấp cũng vấp phải nhiều lời chỉ trích, những ông lớn trên đã sử dụng sức ảnh hưởng và nguồn lực đáng kể để vận động hành lang cho các quy tắc có lợi cho mình. Ví dụ, vào năm 1951, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã trừng phạt Nutrilite vì "những tuyên bố trị liệu không thực tế" (tài liệu quảng cáo của công ty hứa rằng các sản phẩm của họ có thể chữa khỏi ung thư). Tuy nhiên, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ vẫn tiếp tục cho rằng các công ty này có mô hình tiếp thị đa cấp "hợp pháp".
Ngoài ra, ngay từ những năm 1930, các công ty này đã âm thầm thay đổi chính sách trả lương của nước Mỹ. Trong khi chính quyền Franklin Delano Roosevelt thời gian đó đã thông qua luật để đảm bảo rằng người lao động được trả lương thỏa đáng thì các công ty đa cấp này thấy rằng “nếu họ phải trả mức lương tối thiểu, họ sẽ bị phá sản hoàn toàn".
Do đó, họ chuyển tình trạng làm việc cho nhân viên trở thành những người cộng tác viên độc lập, với rất ít quyền lợi và sự bảo vệ lao động. Mô hình này cho tới nay được nền kinh tế chia sẻ áp dụng, như ứng dụng gọi xe Uber hay giao hàng DoorDash. Kỷ nguyên của lách luật lao động đã mở ra từ các đế chế đa cấp như vậy.
Minh Hoa