Nguồn tiền rất lớn từ người dân vừa gửi ngân hàng

Nguồn tiền rất lớn từ người dân vừa gửi ngân hàng
8 giờ trướcBài gốc
Tiền gửi của cá nhân vượt các tổ chức
Theo số liệu mới nhất Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến hết tháng 2 năm nay đạt 7,36 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,2% so với cuối năm 2024, lập kỷ lục mới. So với cuối tháng 1, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 178.000 tỷ đồng, so với cuối năm 2024 tăng 301.000 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, tiền gửi của khối tổ chức kinh tế tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 71.000 tỷ đồng trong tháng 2, nâng mức giảm trong 2 tháng đầu năm lên 305.000 tỷ đồng. Các tổ chức kinh tế hiện gửi tiền tại các ngân hàng giảm 3,9% so với cuối năm 2024.
Như vậy, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của khách hàng cá nhân đã chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Tiền gửi của người dân chảy mạnh vào ngân hàng.
Báo cáo tài chính quý I của nhiều ngân hàng cho thấy, mức tăng trưởng tiền gửi là đáng kể. Về tốc độ tăng trưởng, VPBank là điểm sáng với mức tăng trưởng tiền gửi lên tới 13,7%, cao nhất toàn hệ thống. Tổng số dư tiền gửi của VPBank tăng lên hơn 552.370 tỷ đồng, giúp ngân hàng này tăng 3 bậc, lên thứ 6 toàn ngành về quy mô tiền gửi khách hàng. Đây cũng là quý mà VPBank thu hút lượng tiền gửi lớn nhất từ trước đến nay.
Xét về quy mô tuyệt đối, BIDV tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu với hơn 1,9 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 1,22% so với cuối năm trước. VietinBank và Vietcombank theo sau với quy mô lần lượt là hơn 1,6 triệu tỷ và hơn 1,5 triệu tỷ đồng.
Đây cũng là ba “ông lớn” duy trì quy mô tiền gửi khách hàng trên 1 triệu tỷ đồng, giữ vững vị thế dẫn đầu toàn hệ thống. Nhóm này hiện chiếm gần 45% tổng tiền gửi, tiếp tục là các nhà băng được người dân ưu tiên "chọn mặt gửi tiền".
Đáng ngạc nhiên, dòng tiền người dân gửi vào ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động đang ở mức thấp khoảng 5- 6%/năm.
Tiền gửi tăng kỷ lục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của người dân, tổ chức vào ngân hàng đều được chuyển hóa thành tín dụng ra nền kinh tế.
Tính đến ngày 18/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt gần 16,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,3% so với cuối năm 2024, tăng hơn 18,2% so với cùng kỳ năm 2024. Mục tiêu năm nay tăng trưởng tín dụng 16% nên lượng tiền người dân gửi vào hệ thống ngân hàng hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng tín dụng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, nhìn vào con số tiền gửi vào ngân hàng cho thấy gửi tiết kiệm vẫn sẽ là nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền ở hiện tại. Đây là kênh đầu tư dành cho mọi người dân và hoàn toàn yên tâm trong bất kỳ tình huống nào, tiền gửi luôn được đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Lãi suất tiết kiệm hiện nay không đồng đều, phụ thuộc từng sản phẩm, kỳ hạn, cũng như quy mô ngân hàng. Ngân hàng lớn hơn có thanh khoản dồi dào hơn, trong khi ngân hàng nhỏ hơn bị áp lực về thanh khoản sẽ có mức lãi suất khác nhau.
Theo chuyên gia, nhìn chung, lãi suất tiết kiệm hiện nay có xu hướng ổn định ở mức cơ bản, nhưng lãi suất kỳ hạn trung và dài hạn có xu hướng tăng cao hơn so với lãi suất ngắn hạn.
Lãi suất tiết kiệm truyền thống không cao, nhưng vẫn thu hút được dòng tiền gửi của người dân, do sự an toàn, nhu cầu bảo toàn vốn của người dân.
Ông Hiển cho biết thêm, tuy là kênh đầu tư sáng giá nhất nhưng lãi suất không phải là yếu tố cạnh tranh duy nhất. Ngoài lãi suất, các ngân hàng cạnh tranh bằng dịch vụ an toàn, tiện lợi, tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, cá nhân hóa theo từng nhóm khách hàng; tích cực áp dụng các công nghệ hiện đại vào số hóa sản phẩm, dịch vụ, đa dạng các sản phẩm tiền gửi một cách linh hoạt, tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác đi kèm, có như vậy mới giữ chân được dòng tiền ở lại với ngân hàng.
Tiền kho bạc gửi tại nhóm Big 4 cao nhất trong 5 năm
Theo báo cáo tài chính của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, Vietinbank), tổng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các nhà băng này trong quý I tiếp tục tăng.
Cụ thể, BIDV có 126.200 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và 4.486 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn. VietinBank với số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước 144.771 tỷ đồng tiền gửi thanh toán, gấp gần 7 lần so với cuối năm 2023. Số dư này đã tăng 79.461 tỷ đồng so với quý liền trước là hơn 65.000 tỷ đồng.
Vietcombank được Kho bạc Nhà nước gửi 121.318 tỷ đồng (có kỳ hạn và không kỳ hạn). Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank tăng gấp 1,56 lần so với thời điểm cuối năm 2024 và gấp hơn 36,5 lần cùng kỳ năm 2024.
Tổng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại nhóm 3 ngân hàng quốc doanh bao gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV tại thời điểm cuối tháng 3 ở mức 379.053 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tiền gửi cao nhất của Kho bạc Nhà nước kể từ năm 2020.
Ngọc Mai
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nguon-tien-rat-lon-tu-nguoi-dan-vua-gui-ngan-hang-post1744488.tpo