Nguy cơ biến chứng khi mắc cúm A

Nguy cơ biến chứng khi mắc cúm A
5 giờ trướcBài gốc
Diễn biến khó lường
Theo các chuyên gia y tế, cúm là bệnh xuất hiện rải rác quanh năm nhưng vào mùa Đông Xuân là thời điểm bệnh này có thể bùng phát cao, nhất là khu vực phía Bắc. Bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có thể diễn biến từ nhẹ đến nguy kịch, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, nhiều người đã từng trải qua bệnh cúm mùa, đa số diễn biến nhẹ, sốt ốm vài ngày, sau đó hồi phục. Tuy nhiên, với bất cứ một bệnh lý nào cũng đều có một tỷ lệ diễn biến bất thường. Với cúm cũng có tỷ lệ nhỏ diễn biến rất nặng, có thể gây tử vong.
Có 3 chủng cúm là cúm A, B và C. Trong đó, cúm A hay gây dịch lớn; cúm B hiếm khi gây dịch; cúm C không bao giờ gây dịch. Với người bị bệnh cúm thường có những triệu chứng điển hình như sốt cao, viêm long đường hô hấp, ho, hắt hơi, chảy mũi, chảy nước mắt, đau đầu, đau mỏi người, sau vài ngày sốt sẽ đỡ dần và hồi phục. Một tỷ lệ tương đối lớn là có một số người ho kéo dài trong vòng một vài tuần sau đó sẽ hồi phục.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ có thể có các diễn biến nặng như tình trạng viêm phổi, tổn thương nhiều cơ quan phủ tạng khác, có thể dẫn đến tử vong (tỷ lệ rất nhỏ). Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, với những người có các bệnh nền như suy giảm miễn dịch, ghép tạng hoặc bị bệnh phổi, bệnh tim mạn tính nên đến bệnh viện. Đây là nhóm người dễ diễn biến nặng hơn cả.
Mặt khác, với những người cúm bình thường có diễn biến bất thường xuất hiện tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, không thể kiểm soát được bằng các biện pháp hạ sốt hoặc cảm thấy mệt lả nên đến bệnh viện để được kiểm tra xem ngoài cúm còn có vấn đề khác không.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng cảnh báo, cúm mùa gây suy giảm sức đề kháng và hệ thống miễn dịch. Người bệnh có thể tử vong vì một số lý do như: viêm phổi do virus, gây suy hô hấp; dùng kháng sinh không tác dụng.
Viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, gây suy hô hấp. Nhiễm khuẩn huyết cũng do bội nhiễm vi khuẩn. Tăng tình trạng viêm, gây hội chứng tăng đông, dễ hình thành cục máu đông.
Do vậy, trên bệnh nhân có bệnh nền như đái đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim mạch... nhiễm cúm mùa làm tăng gấp 5 - 6 lần nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não, tắc mạch phổi. Bệnh nhân nên nhập viện ngay nếu có biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh nông, SpO2 hạ dưới 95%.
Tiêm vaccine cúm phòng bệnh
Thực tế cho thấy, sau dịch Covid-19, nhiều người quan tâm đến sức khỏe hơn. Hằng năm, cứ 6 tháng/1 lần, người dân tiêm định kỳ phòng cúm. Mục đích tiêm phòng cúm là tạo ra hệ miễn dịch để chống lại virus cúm.
Virus cúm lại có đặc tính là thay đổi kháng nguyên khá nhanh chóng. Nếu năm nay, người dân tiêm vaccine phòng cúm nhưng sang năm có khi virus cúm biến đổi thì vaccine cúm năm nay không còn tác dụng. Chính vì vậy, chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên tiêm phòng cúm hằng năm.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, nước ta nằm ở phía bắc bán cầu nên sẽ tiêm vaccine theo virus của cúm bắc bán cầu, thời điểm thay đổi kháng nguyên nên tiêm vào khoảng tháng 9, 10 là tốt nhất.
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị cho bệnh nhân mắc cúm A.
Tuy nhiên, điều này cũng không hoàn toàn như vậy. Bởi Việt Nam nằm ở Bắc bán cầu nhưng lại rất gần xích đạo cho nên cũng vẫn có thể chịu tác động của virus cúm nam bán cầu. Do đó, có thể thấy, thời điểm nào, người dân tiêm cúm cũng đều có tác dụng nhưng thời điểm phù hợp hơn cả là vào khoảng tháng 9, 10.
Còn với những người có các bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, thậm chí một năm có thể tùy theo tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ ở phòng tiêm có thể khuyến cáo tiêm dày hơn.
Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyến cáo các biện pháp khác người dân có thể thực hiện ngay tại nhà. Đó là người bị cúm hạn chế tiếp xúc rộng rãi, hạn chế đến những nơi đông người; khi phải tiếp xúc bên ngoài nên đeo khẩu trang để khi ho, hắt hơi không phát tán virus ra môi trường xung quanh ảnh hưởng đến người khác.
Với những người phải tiếp xúc gần với người bệnh cúm cũng nên áp dụng các biện pháp đeo khẩu trang, vệ sinh các bề mặt xung quanh; rửa tay thường xuyên để tránh virus của người cúm phát tán làm ô nhiễm các bề mặt xung quanh, ô nhiễm bàn tay thông qua việc ăn uống hoặc sinh hoạt bình thường.
Những người lớn tuổi, người có bệnh nền khi mắc cúm A dễ diễn biến nặng. Do đó, tiêm vaccine cúm là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
“Đặc biệt quan trọng với những gia đình có trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi, người có bệnh nền, chúng ta càng phải chú ý bảo vệ nhóm đối tượng này tốt hơn. Hạn chế để những đối tượng này tiếp xúc với người bị cúm hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm cúm.
Theo chiều ngược lại, những người bị bệnh cúm cũng tuyệt đối hạn chế tiếp xúc với người khác, người có nguy cơ cao. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối giám sát, phát hiện sớm các ca bất thường; nghiên cứu, cập nhật, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dự phòng cúm mùa và các chủng virus cúm.
Người dân được khuyến cáo không hoang mang với loại cúm này. Tuy nhiên, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch kém hoặc bị bệnh nền mắc cúm cần được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, hiện có 8 ca mắc cúm, biến chứng nặng đang phải điều trị, hầu hết là cúm A được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng suy hô hấp, có một trường hợp đang phải chạy ECMO.
Hà Linh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nguy-co-bien-chung-khi-mac-cum-a.html