Thêm một bài học đau xót
Chị Đỗ Trần Nguyệt Ánh, em gái nạn nhân Đỗ Trần Nhật Ánh (sinh năm 1987) nén đau thương để cùng lo hậu sự cho 4 nạn nhân trong gia đình. Chị Ánh đau đớn kể lại: Khoảng 22h ngày 6/7, tôi nhận được điện thoại của chị gái hốt hoảng thông báo: Út ơi! Nhà cháy rồi, em gọi điện báo với chữa cháy cho chị!. Hoảng hốt vì cuộc gọi, chồng tôi chở tôi vừa chạy xe đến nhà chị gái, vừa gọi điện báo Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH)...
Từ nhà (khu vực công viên Đầm Sen) đến nhà chị gái chạy xe hơn 10 phút mà chồng tôi không vững tay lái. Lo lắng, tôi nói dừng xe gọi điện thoại lại cho chị gái và chỉ nghe được câu “Cứu chị liền đi út ơi, nóng quá! Chị và hai cháu không thoát ra được!”. Sau đó thì điện thoại im bặt. “Gọi thêm hàng chục cuộc nữa vẫn không ai bắt máy, lúc này tôi biết chuyện chẳng lành đã xảy ra với gia đình chị gái. Khi đến nơi, ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ căn nhà”, chị Đỗ Trần Nguyệt Ánh kể.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được trực tiếp vào hiện trường vụ cháy tại cư xá Độc Lập.
Chị Nguyệt Ánh cho biết thêm, căn hộ dưới tầng trệt cư xá Độc Lập, do chị gái chị làm chủ hộ, rộng khoảng 60 m2 được thiết kế 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và nhà bếp, phía trước sân gắn mái tôn để đậu ô tô, 2 xe máy và 2 xe đạp. Khi đóng cửa nhà đi ngủ, lối đi ra ngoài bị nêm chặt bởi những phương tiện để ở đây. Anh rể chị Nguyệt Ánh làm nghề tổ chức sự kiện nên trong nhà chứa nhiều vật dụng dễ bắt lửa. Chị Nguyệt Ánh từng khuyên anh chị mình dọn dẹp bớt đồ trong nhà để tránh hỏa hoạn, nhưng không ngờ...
Ngay sáng đó, chiếc xe ôm vừa trờ tới khu vực nhà đại thể Bình Hưng Hòa, bà Trần Thị Liên, hơn 60 tuổi, mẹ nạn nhân Nhật Ánh đau đớn không khóc thành tiếng. Bà như ngã khuỵu khi biết tin con gái, con rể và 2 cháu ngoại không qua khỏi. Bà cho hay, bà sống cùng con gái ở căn nhà bị cháy. Mấy ngày trước, hai con chị Nhật Ánh được nghỉ hè nên cả gia đình đi Đà Lạt du lịch, bà Liên không đi mà đến nhà em gái ở Củ Chi chơi.
“Hôm qua tụi nó từ Đà Lạt về, nói đi đường xa mệt quá nên chưa lên rước tôi về nhà được, kêu tôi ở lại chơi thêm một vài ngày rồi hãy về. Ngờ đâu, đó là những gì cuối cùng tôi nghe được từ hai vợ chồng nó!...”, bà Liên nghẹn ngào.
Ông Trần Quang Khánh (sinh năm 1970, sống tại tầng trên căn nhà bị cháy) cho biết, lúc xảy ra vụ cháy, con ông gọi điện báo, ông đang ở ngoài đường nhanh chóng trở về nhà. Nghe tin 4 thành viên trong nhà thoát ra ngoài an toàn, ông Khánh cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Ngọn lửa lan lên đã làm cháy phòng ngủ và một phần phòng bếp nhà ông...
Khoảng 21h30 ngày 6/7, vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực tầng trệt cư xá Độc Lập (5 tầng, địa chỉ hẻm 80, đường Đô Đốc Long, phường Phú Thọ Hòa). Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh cùng các lực lượng liên quan đã triển khai công tác chữa cháy, CNCH và khống chế đám cháy trong thời gian ngắn, không cho cháy lan.
Mặc dù cứu được 3 người, nhưng vụ cháy để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 8 người tử vong (gồm 6 người lớn và 2 trẻ em), thiêu rụi tài sản và phương tiện...
Thông tin về nguyên nhân vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh xác định, cư xá Độc Lập được xây dựng từ năm 2008, không có thiết kế lối thoát hiểm cho các căn hộ ở tầng trệt, trong đó có căn hộ 019 và căn hộ 020. Nguyên nhân cháy bước đầu xác định là do đường dây dẫn điện cung cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện trong căn hộ 020 tại tầng trệt của chung cư (do chủ căn hộ tự đấu nối) bị chạm chập điện gây cháy ở phía trước căn hộ này và căn hộ liền kề 019. Ngoài ra, tại ban công các căn hộ của chung cư này cũng xảy ra tình trạng cơi nới, lắp đặt các “chuồng cọp” chặn lối thoát hiểm của người dân qua ban công.
Mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng có mặt khống chế đám cháy và giải cứu được một số người dân mắc kẹt ở các căn hộ khác, nhưng do hai căn hộ này chỉ có lối thoát duy nhất ở phía trước đang bị cháy nên các nạn nhân không thể thoát ra ngoài được (không có lối thoát hiểm)...
Ngày 9/7, sau thông báo của UBND phường Phú Thọ Hòa, đồng loạt các dãy hàng rào lấn chiếm hành lang chung của cư xá Độc Lập được chủ nhà thuê người tháo dỡ.
Vụ cháy vẫn còn ám ảnh những cư dân nơi đây. Ông Đ.Q.V., cư dân sống ở cư xá cho hay, các căn hộ tại cư xá chỉ có một lối đi duy nhất cũng là lối thoát hiểm của cả gia đình. Tại khu vực này, ngoài những hộ sống ở tầng trệt chiếm dụng hành lang chung của cư xá dựng rào, làm cổng, lợp mái tôn để chứa xe cộ thì những tầng trên cao, các hộ dân làm “lồng sắt” để... chống trộm.
“Chống trộm là cái cớ, các lồng sắt này làm đua ra khoảng không bên ngoài để các hộ gia đình này tận dụng làm nơi phơi phóng quần áo. Vụ cháy tại 2 căn hộ 019 và 020 là một bài học nhãn tiền, một hồi chuông cảnh báo đối với những người sống ở cư xá, chung cư, nhất là các cư xá, chung cư cũ. Việc rào chắn chiếm dụng để làm chỗ đậu xe trong gia đình, khi cháy vô tình trở thành “điểm chết” khi lối thoát hiểm duy nhất bị bịt kín. Việc phường thông báo buộc cư dân chiếm dụng khoảng không chung tháo dỡ rào chắn chiếm không gian chung và tháo bỏ các “lồng sắt” gắn tại cửa số của các căn hộ được cư dân ở đây đồng tình. Vừa đảm bảo an toàn PCCC và không mất mỹ quan, không gian của cư xá”, ông V. chia sẻ.
Hiểm nguy rình rập
Vụ cháy cư xá Độc Lập lại một lần nữa cho thấy sự cấp bách của vấn đề PCCC, là một hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta không thể chần chừ hay coi nhẹ. Trước đây chưa lâu, vào nửa đầu tháng 5 vừa qua, một đám cháy đã bùng phát tại căn hộ chung cư Viễn Đông (hoạt động trước năm 1975, là khu nhà cũ, một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng) nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 5 (cũ), TP Hồ Chí Minh.
Lúc cháy, căn hộ rộng hơn 20 m2 đóng kín cửa. Lửa bén vào các vật dụng dễ cháy nhanh chóng bùng lên dữ dội, khói đen bao trùm, khiến những người bên trong ngạt khói. Cư dân phát hiện đám cháy đã hô hoán, dùng phương tiện tại chỗ tiếp cận nhưng bất thành.
Bên trong căn hộ, 5 người, gồm 2 bé gái sinh đôi khoảng 5 tuổi ngủ với mẹ, bà ngoại lớn tuổi và người cậu bị thần kinh kêu cứu trong tuyệt vọng. May mắn là Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh đã điều động 3 xe chữa cháy các loại cùng 17 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường kịp thời dập tắt đám cháy và cứu được những người trong căn hộ, dù tất cả các nạn nhân đều bị ngạt khói...
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có hơn 470 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 được bố trí ở khắp thành phố, trong đó có nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng, cư dân phải di dời đi nơi khác nhưng mọi người vẫn... bám trụ ở đây với một lý do chung “đi chỗ khác không biết làm ăn gì! Ở đây quen rồi!”.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh cũ) được xây dựng từ trước năm 1975; đây là dạng nhà ở theo kiểu cư xá, có căn hộ đạt diện tích lên đến 80 m2. Quanh khu vực chung cư này, hầu hết các căn hộ đều bít ban công bằng những lồng sắt kiên cố. Ông Thành, một người sống ở đây cho hay: “Không rào lại để trộm trèo vào à? Ở đây những năm trước thường xuyên bị trộm đột nhập”.
Tình trạng chiếm dụng không gian, dây điện chằng chịt tại chung cư 137 Lý Thường Kiệt.
Dạo quanh khu vực này có thể thấy rất nhiều hộ dân đã tận dụng lối đi chung để chứa đồ đạc, thậm chí còn sử dụng không gian này để nấu nướng.
Chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3 cũ) có tổng cộng 11 block được xây dựng từ năm 1968 với hơn 1.400 hộ. Trải qua hơn nửa thế kỷ, chung cư này xuống cấp trầm trọng. Có những căn hộ diện tích nhỏ nhưng có cả chục người gồm nhiều thế hệ ở chung, những căn hộ cho sinh viên, người lao động thuê nên diện tích xung quanh được cơi nới, lấn chiếm, nhất là các khung sắt được hàn bao bọc cả mặt tiền căn hộ, cửa sổ.
Đứng bên dưới nhìn lên chung cư Nguyễn Thiện Thuật, các cục nóng máy lạnh được gắn san sát trên tường, lưới B40, khu sắt rào kín cửa sổ, phía dưới, một số căn hộ chiếm dụng không gian chung dựng mái tôn làm nhà tạm, vừa buôn bán vừa ngủ nghỉ. Các tuyến đường bên trong các block chung cư đều bị chiếm dụng buôn bán. Nếu xảy ra cháy, xe cứu hỏa cũng khó khăn khi di chuyển vào.
Tại chung cư 137 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình cũ), nhiều mảng tường bong tróc, trần thấm nước, dây điện chằng chịt, đặc biệt chỉ có một lối ra vào duy nhất. Năm 2018, chung cư này đã được xác định là chung cư xuống cấp trầm trọng, cư dân cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, đến nay, sau 7 năm, việc di dời vẫn chưa được thực hiện.
Bà Trang, một cư dân đã sống tại chung cư này gần 40 năm, cho biết, hiện chung cư còn khoảng 30 hộ dân sinh sống, phần còn lại bỏ trống vì quá xuống cấp không thể ở. “Gia đình tôi cũng muốn được bố trí ở nơi khác chứ sống ở nơi này như sống chung với “tử thần”. Vì chưa đi được nên cả gia đình phải bám trụ, đi chỗ khác thì phải làm lại từ đầu, không biết phải làm gì...”, bà Trang cho hay.
Tại chung cư Ngô Gia Tự (quận 10 cũ), con đường giữa 2 block chung cư bị người dân biến thành khu chợ tự phát. Hàng hóa bày đầy đường, dù che phủ kín. Nếu một trong những căn hộ ở đây bị cháy, xe cứu hỏa khó mà vào được...
Khi hỏi một số cư dân có biết vụ cháy ở cư xá Độc Lập hay không, mọi người đều tỉnh queo trả lời: “Ở đây chúng tôi “kỹ lắm”, thấy lộn xộn vậy chứ không dễ cháy đâu. Với lại cư xá Độc Lập họ rào để đậu xe, còn ở đây tụi tui chỉ rào chống trộm, hành lang bên ngoài chứa đồ nhưng có cháy vẫn chạy được!”.
Thực tế, mối lo về cháy nổ tại các khu chung cư cũ càng trở nên hiện hữu sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào tối 6/7 tại cư xá Độc Lập như đã kể trên. Ngay tại hiện trường vụ cháy cư xá Độc Lập, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đã yêu cầu UBND các phường, xã và đặc khu lập tức rà soát tất cả khu dân cư, tập trung vào các chung cư cũ, cư xá, nhà tập thể, khu trọ, nhà cho thuê sâu trong hẻm - những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, nhưng lực lượng PCCC và CNCH khó tiếp cận khi xảy ra sự cố.
Bên cạnh kiểm tra hạ tầng, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức PCCC tại cộng đồng dân cư; tiếp tục củng cố các tổ chữa cháy liên gia, tổ chữa cháy lưu động và tập huấn định kỳ kỹ năng PCCC cho người dân...
Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không tự ý đấu nối nguồn điện không đảm bảo an toàn. Sử dụng các thiết bị điện, dây dẫn điện rõ nguồn gốc, đảm bảo phù hợp với công suất, tránh trường hợp quá tải gây mất an toàn điện. Thường xuyên kiểm tra các dây dẫn điện cung cấp nguồn điện cho các thiết bị điện đã sử dụng trong thời gian dài có đảm bảo an toàn hay không để có biện pháp thay thế phù hợp.
Đồng thời, khi thiết kế, thi công các công trình nhà ở phải đúng quy định về an toàn PCCC, đảm bảo có lối thoát hiểm khi sự cố xảy ra. Mọi hành vi vi phạm quy định về PCCC sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phú Lữ - Minh Đức