Một nhà khoa học Mỹ cảnh báo rằng các mẫu vật từ sao Hỏa nếu được đưa về Trái đất trong những năm tới, có thể là khởi nguồn cho một đại dịch toàn cầu còn tồi tệ hơn cả COVID-19.
Ông Barry DiGregorio, 71 tuổi, nhà nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Sinh học vũ trụ Buckingham, cho rằng những mẫu đất sao Hỏa có thể chứa mầm bệnh chưa từng biết đến và thậm chí, các phi hành gia sẽ tử vong “trực tiếp trên truyền hình” nếu tiếp xúc với chúng.
NASA đang lên kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa vào những năm 2030. Trước đó, cơ quan này từng dự kiến mang mẫu đất từ hành tinh đỏ về qua chương trình Mars Sample Return (MSR), nhưng kế hoạch này vừa bị hủy bỏ sau đợt cắt giảm ngân sách mới nhất dưới thời ông Trump.
Thay vào đó, NASA dự định sẽ sử dụng các sứ mệnh chi phí thấp hơn nhưng chưa công bố cụ thể.
Nhà sinh vật học vũ trụ Barry DiGregorio lo ngại rằng các mầm bệnh chết người tồn tại trên sao Hỏa. Ảnh: Trung tâm Sinh vật học vũ trụ Buckingham.
Tuy nhiên, DiGregorio cảnh báo rằng việc đưa các mẫu vật này về Trái đất là rất rủi ro. Ông dẫn lại kết quả gây tranh cãi của nhà khoa học Gilbert Levin, người từng tuyên bố đã phát hiện dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa từ sứ mệnh Viking năm 1976.
“Điều kiện môi trường trên sao Hỏa khác biệt hoàn toàn so với Trái đất. Bất kỳ sự sống nào thích nghi được với môi trường khắc nghiệt đó cũng có thể là một dạng sinh vật hoàn toàn xa lạ, thậm chí nguy hiểm với loài người”, ông cho biết.
Levin, người đã qua đời năm 2021 ở tuổi 97, tin rằng mình là người đầu tiên phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh thông qua khí phóng xạ từ đất sao Hỏa. Tuy nhiên, NASA khi đó đã bác bỏ kết luận này.
DiGregorio cho rằng NASA chưa lường trước một kịch bản tồi tệ: nếu một phi hành gia nhiễm bệnh ngoài hành tinh trên sao Hỏa và bộc phát triệu chứng ngay trong lúc truyền hình trực tiếp thì cả thế giới sẽ chứng kiến một thảm họa không thể cứu vãn.
“Họ sẽ phải chờ hàng năm mới có thể trở lại Trái đất và trong thời gian đó, không có phương án giải cứu khả thi nào”.
Theo ông, NASA cần đầu tư nhiều hơn vào các robot thăm dò sự sống thay vì vội vã gửi người lên bề mặt sao Hỏa - nơi đầy bụi và tiềm ẩn vi sinh vật lạ.
“Chúng ta không chỉ đang làm ô nhiễm sao Hỏa mà có thể sắp mang ‘sự ô nhiễm’ ngược lại về Trái đất qua các mẫu vật”, ông cho hay.
Cựu quan chức NASA, bà Catharine Conley, người từng giữ vị trí Giám đốc Bảo vệ Hành tinh, cũng khẳng định rằng bà bị sa thải sau khi lên tiếng cảnh báo về quy trình vệ sinh không đạt chuẩn của sứ mệnh Mars 2020.
“Tôi đã tính toán: nếu có 40 mẫu và mỗi mẫu có 0,1% nguy cơ bị nhiễm vi sinh vật Trái đất, tổng nguy cơ ô nhiễm toàn bộ là 4%. Khi đó, chúng ta sẽ không thể phân biệt đâu là sự sống từ sao Hỏa và đâu là vi khuẩn từ Trái đất”.
DiGregorio nhắc lại bài học từ sứ mệnh Apollo: khi các phi hành gia trở về từ Mặt Trăng, họ từng bị cách ly nhiều tuần để đề phòng rủi ro sinh học – dù chưa rõ Mặt Trăng có sự sống hay không.
Thế nhưng, khi mở cửa khoang tàu ngoài biển, bụi Mặt Trăng có thể đã phát tán ra đại dương, phá vỡ mọi nỗ lực cách ly ban đầu. Nếu tồn tại vi sinh vật sống sót trong nước biển, nhân loại có thể đã vô tình tự làm nhiễm khuẩn Trái đất từ năm 1969.
“Chúng ta đang đánh cược với những gì chưa biết,” ông nói. “Nếu không cẩn trọng, lịch sử có thể lặp lại – với hậu quả lớn hơn nhiều”
Trước loạt chỉ trích, đại diện NASA khẳng định: “Mọi sứ mệnh trở về từ sao Hỏa trong tương lai sẽ tuân thủ tuyệt đối các quy trình bảo vệ sinh học. NASA sẽ không bao giờ đánh đổi an toàn vì bất kỳ lý do gì”.
Phương Linh