Trận động đất mạnh 7,7 độ richter tuần trước là một trong những trận động đất mạnh nhất ở Myanmar trong một thế kỷ, đã làm rung chuyển một khu vực có 28 triệu người sinh sống, làm đổ các tòa nhà như bệnh viện, san phẳng các cộng đồng và khiến nhiều người không có thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn.
Số người chết đã tăng lên 3.085 vào ngày 3/4 với 4.715 người bị thương và 341 người mất tích, theo số liệu từ chính quyền quân sự cung cấp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ gia tăng của bệnh tả và các bệnh khác ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như Mandalay, Sagaing và thủ đô Naypyitaw.
"Bệnh tả vẫn là mối lo ngại đặc biệt đối với tất cả chúng ta" - Elena Vuolo, phó giám đốc văn phòng Myanmar của WHO cảnh báo.
Vuolo cho rằng nguy cơ này còn tồi tệ hơn do thiệt hại đối với khoảng một nửa số cơ sở chăm sóc sức khỏe tại các khu vực bị động đất tàn phá, bao gồm cả các bệnh viện bị động đất phá hủy ở Mandalay và Naypyitaw.
Người dân đã cắm trại ngoài trời trong nhiệt độ 38°C vì họ sợ hãi không dám về nhà, và nhiều bệnh viện cũng đang thiết lập các cơ sở tạm thời ở đó. Bà cho biết bệnh ngoài da, sốt rét và sốt xuất huyết nằm trong số các bệnh có thể phát sinh do các cuộc khủng hoảng kéo dài, chẳng hạn như ở Myanmar.
Người dân xếp hàng chờ phát lương thực ở khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất ở Myanmar - Ảnh: Reuters
Ngoài ra mưa lớn có thể đe dọa nỗ lực cứu hộ ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất. "Tôi nghe nói rằng trong một hoặc hai ngày tới sẽ có mưa (dự kiến)" - Titon Mitra, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Myanmar trả lời hãng tin trong chuyến thăm Sagaing.
"Nếu điều đó xảy ra, chúng ta có rất nhiều người, hiện đang ở trong các nơi trú ẩn tạm thời, trại tạm bợ trên đường phố, và đó sẽ là một vấn đề thực sự" - ông nói, đồng thời nêu bật mối lo ngại của Liên hợp quốc về sự bùng phát của bệnh truyền qua đường nước.
Thời tiết khắc nghiệt sẽ làm tăng thêm thách thức mà các nhóm cứu trợ và cứu hộ phải đối mặt. Quân đội đã phải vật lộn để điều hành Myanmar kể từ khi trở lại nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2021 lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi.
Các tướng lĩnh đã bị cô lập trên trường quốc tế kể từ khi tiếp quản chính quyền và nền kinh tế cũng như các dịch vụ cơ bản của Myanmar, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe, đã bị tàn phá trong bối cảnh xung đột.
Trong tuần này, đài truyền hình nhà nước MRTV cho biết lệnh ngừng bắn đơn phương của chính phủ sẽ có hiệu lực ngay lập tức trong 20 ngày, để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ sau trận động đất, nhưng cảnh báo rằng chính quyền sẽ "phản ứng tương ứng" nếu phiến quân tiến hành các cuộc tấn công.
Động thái này diễn ra sau khi một liên minh phiến quân lớn tuyên bố ngừng bắn để hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.
Gần một tuần sau trận động đất, ở nước láng giềng Thái Lan lực lượng cứu hộ cũng đang chạy đua tìm kiếm những người sống sót bị kẹt dưới đống đổ nát còn sót lại sau khi một tòa nhà chọc trời ở thủ đô Bangkok bị sập trong khi đang được xây dựng vì ảnh hưởng từ trận động đất ở Myanmar.
Đội cứu hộ đang sử dụng máy đào và máy ủi để phá vỡ 100 tấn bê tông nhằm tìm kiếm những người còn sống sót sau thảm họa khiến 15 người thiệt mạng, trong khi 72 người vẫn còn mất tích.
Tổng số người chết trên toàn quốc của Thái Lan hiện là 22 do ảnh hưởng của trận động đất.
Anh Duy