Một tên lửa Shaheen-III do Pakistan sản xuất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được trưng bày trong một cuộc diễu hành quân sự ở Islamabad vào ngày 23/3/2022. Ảnh: Getty.
Trong khi Ấn Độ từ lâu tuyên bố tuân thủ chính sách “Không sử dụng trước” (No First Use – NFU), thì Pakistan chưa bao giờ áp dụng nguyên tắc này và luôn để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Những lo ngại nói trên càng trở nên cấp thiết sau khi tình hình an ninh khu vực đột ngột xấu đi. Vụ tấn công vào tháng trước tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến 26 người thiệt mạng, phần lớn là du khách Ấn Độ, đã thổi bùng căng thẳng giữa hai bên.
New Delhi lập tức đáp trả bằng các cuộc không kích nhằm vào 9 địa điểm trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Jammu & Kashmir do Pakistan kiểm soát, khẳng định đây là các căn cứ của lực lượng vũ trang cực đoan.
Phía Pakistan bác bỏ cáo buộc, cho rằng các cuộc tấn công đã nhắm vào khu vực dân sự, đồng thời ra tối hậu thư yêu cầu Ấn Độ chấm dứt hành động quân sự nếu không muốn đối mặt với phản ứng tiếp theo.
Theo số liệu từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Arms Control Association), Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 172 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số của Pakistan là khoảng 170. Tuy tương đương về số lượng, hai nước theo đuổi những nguyên tắc hạt nhân hoàn toàn khác biệt.
Ấn Độ công khai duy trì chính sách chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa, nhưng những phát biểu gần đây từ giới chức New Delhi cho thấy lập trường này có thể đang được xem xét lại. Ngược lại, Pakistan vẫn kiên định giữ quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trước nếu thấy cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.
Về năng lực tác chiến, Ấn Độ chiếm ưu thế rõ rệt ở khía cạnh tầm bắn và khả năng răn đe chiến lược. Tên lửa đạn đạo Agni-V của nước này có thể vươn xa tới 8.000 km, bao phủ nhiều mục tiêu chiến lược trong khu vực.
Trong khi đó, tên lửa tầm xa nhất mà Pakistan đang phát triển là Shaheen III, có tầm bắn khoảng 2.750 km. Tuy nhiên, Islamabad lại tập trung phát triển các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, đáng chú ý là tên lửa Nasr (Hatf-9) với tầm bắn khoảng 70 km, được thiết kế để sử dụng trực tiếp trên chiến trường.
Tương quan lực lượng quân sự cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể. Quân đội Ấn Độ có khoảng 1,24 triệu binh sĩ, không quân khoảng 149.000 người và hải quân khoảng 75.500 người. Ngoài ra, nước này còn duy trì lực lượng tuần duyên với hơn 13.000 nhân sự. Trong khi đó, Pakistan có khoảng 560.000 binh sĩ lục quân, 70.000 người trong lực lượng không quân và 30.000 trong hải quân.
Trước những diễn biến căng thẳng, các bên liên quan tiếp tục đưa ra phát ngôn thể hiện quan điểm của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan, ông Khawaja Muhammad Asif, khẳng định: “Nếu Ấn Độ rút lui, chúng tôi chắc chắn sẽ chấm dứt tình trạng hiện tại…Đây không phải là những hành động thù địch – chúng tôi chỉ đang bảo vệ lãnh thổ của mình”.
Về phía Ấn Độ, Bộ Quốc phòng cho biết các hành động quân sự gần đây “đều có mục tiêu rõ ràng, được cân nhắc kỹ lưỡng và không nhằm mục đích leo thang xung đột”, đồng thời nhấn mạnh rằng “không có cơ sở quân sự nào của Pakistan bị tấn công” và “Ấn Độ đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể trong việc lựa chọn mục tiêu cũng như phương thức tác chiến”.
Phát biểu từ Phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ quan ngại: “Họ đã xung đột trong hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ nếu nhìn xa hơn. Tôi chỉ mong mọi chuyện sẽ sớm kết thúc”.
Khi cả hai bên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nguy cơ xung đột tiếp tục gia tăng là điều khó tránh khỏi. Dù các nỗ lực ngoại giao dự kiến sẽ được đẩy mạnh trong những ngày tới, giới quan sát cảnh báo rằng nếu tình hình không sớm được kiểm soát, ngay cả một cuộc đụng độ quy mô hạn chế cũng có thể nhanh chóng leo thang và đẩy khu vực vào thảm họa hạt nhân.
Nhật Anh