Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, nhiều hệ thống sân tại TP.HCM và Hà Nội chuyển hướng phát triển mô hình sân trong nhà, không gian kín thời gian gần đây, được lắp điều hòa nhằm tránh ảnh hưởng của nắng nóng, mưa thất thường.
Kiểu sân này nhanh chóng thu hút lượng lớn người chơi, đặc biệt vào mùa hè. Tuy nhiên, BS.CKII Vũ Tú Nam, Trưởng chuyên khoa Phẫu thuật Nội soi khớp và Y học thể thao, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học Thể thao Vinmec (Hà Nội), cảnh báo rằng việc tập luyện trong môi trường máy lạnh có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nếu người chơi chủ quan.
Theo bác sĩ, khi chơi trong môi trường lạnh, cơ bắp trở nên kém đàn hồi, mạch máu ngoại vi co lại khiến việc nuôi dưỡng gân, cơ bị hạn chế. Đồng thời, tốc độ dẫn truyền thần kinh, cơ giảm, khiến cơ thể phản xạ chậm và vận động thiếu linh hoạt.
Hậu quả là người chơi dễ gặp các chấn thương như căng cơ, rách gân hoặc tổn thương khớp do cơ thể chưa kịp thích nghi.
Rủi ro sốc nhiệt, giảm oxy
Nhằm nâng cao trải nghiệm vận động và hạn chế ảnh hưởng từ thời tiết thất thường, nhiều đơn vị tại Việt Nam đang phát triển mô hình sân pickleball trong nhà, thậm chí đặt trong các tòa nhà cao tầng hoặc trung tâm thương mại. Đây được xem là giải pháp phù hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh, vừa tận dụng hiệu quả mặt bằng sẵn có, vừa đảm bảo hoạt động thể thao diễn ra ổn định quanh năm.
Tại Hà Nội, mô hình này xuất hiện ở nhiều phường như Tây Hồ, Hà Đông… Trong khi đó, tại TP.HCM, sân pickleball trong nhà có máy lạnh đang hiện diện tại một số khu vực như phường An Khánh, An Lạc.
Tuy nhiên, không gian sân kín, nhiệt độ và độ ẩm thấp là những yếu tố vốn giúp người chơi cảm thấy dễ chịu, lại có thể trở thành “tác nhân tiềm ẩn” gây hại nếu không kiểm soát tốt. Bác sĩ cảnh báo rằng mồ hôi ra nhiều gặp không khí lạnh và khô sẽ bốc hơi nhanh, khiến người chơi dễ bị mất nhiệt, cảm lạnh, đau cơ, chuột rút...
“Đặc biệt với những ai để áo ướt hay không lau mồ hôi kỹ, tình trạng nhiễm lạnh có thể xảy ra rất nhanh. Không khí lạnh và khô cũng dễ gây tổn thương hoặc làm nặng thêm các bệnh lý cơ quan hô hấp và các bệnh lý về da, nhất là người có cơ địa nhạy cảm”, chuyên gia cho biết.
Ngoài ra, việc đổ mồ hôi trong môi trường lạnh có thể khiến mạch máu co giãn thất thường, dẫn đến quá tải hệ tim mạch. Người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch tiềm ẩn, nếu vào sân lạnh đột ngột mà không khởi động kỹ có thể gặp rủi ro nghiêm trọng như đột quỵ, tai biến.
Sân máy lạnh giúp người chơi tránh nắng, nhưng cũng làm tăng nguy cơ chấn thương nếu không khởi động kỹ. Ảnh minh họa: Hiền Trần.
Bên cạnh yếu tố nhiệt độ, sân chơi pickleball trong nhà còn có đặc điểm là không gian kín, ít thông khí. Điều này làm giảm lượng oxy và tăng lượng thán khí (khí CO2) lưu thông trong không khí, có thể gây mệt mỏi, đau đầu, giảm hiệu suất vận động và có thể làm nặng thêm các vấn đề tim mạch, hô hấp.
Một nguy cơ khác đến từ sự thay đổi nhiệt độ đột ngột: từ ngoài trời nắng nóng bước vào sân lạnh hoặc ngược lại. Cú sốc nhiệt này không chỉ khiến cơ thể khó thích nghi mà còn dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, đặc biệt nguy hiểm với người có tiền sử bệnh tim mạch, hô hấp.
Tránh để tổn thương tích tụ vì 'nhớ sân'
Để giảm thiểu các rủi ro khi chơi pickleball trong sân máy lạnh, bác sĩ Vũ Tú Nam khuyến nghị người chơi cần tuân thủ một số nguyên tắc bảo vệ sức khỏe.
Trước tiên, người chơi nên dành khoảng 15-20 phút trước khi vào sân để khởi động, làm ấm cơ thể, thực hiện các động tác căng giãn gân - cơ giúp gân, dây chằng và bao khớp được căng giãn, cải thiện tuần hoàn và phản xạ thần kinh - cơ giúp cơ thể sẵn sàng cho các hoạt động cường độ cao, giảm nguy cơ chấn thương.
“Thiếu khởi động hoặc khởi động không kỹ là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương khi chơi thể thao, đặc biệt với các môn có cường độ cao, đòi hỏi phản xạ nhanh và chuyển hướng đột ngột như bóng đá, quần vợt hay pickleball", chuyên gia y tế chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Trong quá trình chơi, bác sĩ khuyến cáo không nên nghỉ quá lâu. Mỗi lần nghỉ chỉ nên kéo dài 5-10 phút. Nếu cần nghỉ lâu hơn, nên tranh thủ vận động nhẹ hoặc thực hiện các bài giãn cơ đơn giản để duy trì nhiệt độ cơ thể. Việc ngồi nghỉ quá lâu trong môi trường lạnh sẽ khiến gân - cơ nhanh chóng trở về trạng thái co rút, kém linh hoạt và dễ tổn thương khi quay lại thi đấu.
Dù chơi trong môi trường có điều hòa, người chơi vẫn có thể mất nước qua mồ hôi. Do đó, cần duy trì thói quen uống nước mỗi 15 - 20 phút. Nếu thời gian chơi kéo dài hơn một giờ hoặc ra nhiều mồ hôi, nên sử dụng các loại nước thể thao có bổ sung muối khoáng để bù lại lượng điện giải đã mất.
Sau khi kết thúc buổi chơi, cần làm mát cơ thể bằng cách lau khô mồ hôi, thay quần áo khô và đi lại nhẹ nhàng để cơ thể thích nghi dần với môi trường xung quanh.
Ngoài ra, nên giữ cơ thể luôn khô ráo bằng cách mang theo khăn để thấm mồ hôi, tránh để áo ướt hoặc mồ hôi đọng lâu trên da, yếu tố dễ gây nhiễm lạnh trong không gian điều hòa.
Người chơi cần lưu ý uống đủ nước và bổ sung khoáng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Bên cạnh đó, bác sĩ khuyên người chơi nên lắng nghe cơ thể và điều chỉnh cường độ vận động hợp lý. Không nên vì quá đam mê mà luyện tập quá sức. Cần tăng dần cường độ một cách chậm rãi để tránh các tổn thương mạn tính khó điều trị.
Theo ghi nhận của các bác sĩ chấn thương chỉnh hình, những tổn thương phổ biến khi chơi pickleball bao gồm viêm gân, đặc biệt là viêm điểm bám gân ở khuỷu tay do hoạt động khuỷu - cổ tay quá mức, và đau khớp đùi - xương bánh chè. Đáng chú ý, cảm giác đau thường không xuất hiện ngay lập tức, mà là kết quả của các vi tổn thương tích tụ qua nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Tuy nhiên, nhiều người chơi lại chủ quan, cho rằng chỉ cần nghỉ vài hôm là khỏi, rồi quay lại chơi với cường độ thậm chí cao hơn vì “nhớ sân”. Việc này khiến tổn thương ngày càng nghiêm trọng, đến khi thăm khám thì đã khó điều trị dứt điểm.
Như Phương