Việc nhiều nhà đầu tư cảnh báo một số nguy cơ xoay quanh hồi tố giá FIT đã kéo dài suốt thời gian qua. Ảnh minh họa: Hoàng Anh.
Hiệp hội Năng lượng Hàn Quốc tại Việt Nam (KEAV) quan ngại về khả năng áp dụng hồi tố giá FIT đối với các dự án điện tái tạo tại Việt Nam, trong đó có 4 dự án do nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện – có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và vận hành.
Bốn dự án điện tái tạo có nguồn vốn Hàn Quốc với tổng mức đầu tư hơn 126 triệu USD được KEAV đề cập gồm một dự án điện gió và ba dự án điện mặt trời.
KAEV cho rằng, việc hủy bỏ giá FIT và điều chỉnh đơn giá điện là các biện pháp "thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng và bất hợp lý".
Nguyên nhân đầu tiên, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo của Hàn Quốc đã tuân thủ các quy định về giá FIT trong các Quyết định 39/2018, Quyết định 11/2017 và 13/2020 của Thủ tướng vào thời điểm triển khai dự án và đã được phê duyệt COD trong thời hạn quy định.
Theo các quyết định trên, điều kiện để một dự án năng lượng tái tạo được duyệt COD gồm hoàn tất thử nghiệm ban đầu đối với nhà máy và thiết bị liên quan; có giấy phép hoạt động điện lực phục vụ vận hành nhà máy; thống nhất chốt chỉ số công tơ để bắt đầu thanh toán tiền điện.
Tuy nhiên, theo KAEV, phần lớn nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp Hàn Quốc không nhận được hướng dẫn/chỉ đạo rõ ràng từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc cơ quan liên quan về yêu cầu phải có thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng (CCA) theo Luật Xây dựng vào thời điểm duyệt COD.
Tiếp theo, để khắc phục sự không nhất quán này (giữa điều kiện phê duyệt COD theo quy định FIT và điều kiện vận hành thương mại theo Luật Xây dựng), Bộ Công thương đã ra Thông tư 10/2023, trong đó quy định việc có biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng là điều kiện tiên quyết để cấp giấy phép hoạt động điện lực.
KAEV đánh giá, việc áp dụng quy định mới (ban hành năm 2023) đối với các dự án đã hoàn tất COD trước đó là hành vi hồi tố, trái nguyên tắc không hồi tố của pháp luật và làm tổn hại đến niềm tin và quyền lợi của nhà đầu tư, tạo rủi ro pháp lý lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, đại diện các nhà đầu tư năng lượng Hàn Quốc cũng lưu ý vấn đề thiếu cơ sở pháp lý trong việc hủy giá FIT và điều chỉnh đơn giá. Bởi lẽ, ngay cả trong trường hợp một số chủ đầu tư bị cho là vi phạm Luật Xây dựng, thì luật hiện hành chỉ quy định các biện pháp xử lý hành chính và yêu cầu khắc phục, chứ không gồm các biện pháp như hủy bỏ quyền hưởng FIT hay điều chỉnh đơn giá - tức hồi tố giá FIT.
Tới nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng hơn 350 triệu USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nếu việc hủy bỏ FIT và điều chỉnh đơn giá được thực hiện, sẽ dẫn đến tổn thất lớn cho các doanh nghiệp, thậm chí phát sinh rủi ro vỡ nợ tài chính.
“Sự bất ổn này không chỉ ảnh hưởng ở cấp độ doanh nghiệp riêng lẻ, mà còn có thể tác động tiêu cực đến mức độ tin cậy trong đầu tư và ổn định của thị trường tài chính Việt Nam nói chung. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp Hàn Quốc, có thể cân nhắc lại quyết định đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, ông Shin Byungchul, Chủ tịch KAEV lưu ý.
Từ đây, KAEV đề nghị Chính phủ xem xét không áp dụng hồi tố các quy định mới và giữ nguyên hiệu lực cho các dự án đã được duyệt FIT trước đây. Đồng thời, KAEV cũng mong muốn việc cân nhắc đến kỳ vọng chính đáng của nhà đầu tư và đưa ra giải pháp công bằng, minh bạch, đồng thời cho biết sẵn sàng đối thoại và hợp tác để giải quyết vấn đề.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Công thương vừa yêu cầu EVN khẩn trương báo cáo giải quyết vấn đề hưởng giá FIT các dự án điện gió, điện mặt trời theo đúng yêu cầu Nghị quyết 233 của Chính phủ.
Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị EVN báo cáo rõ, cụ thể và chịu trách nhiệm toàn diện về lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở đã phân tích, đánh giá tác động, so sánh lợi ích về kinh tế - xã hội và hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư.
Thái Bình