Nguy cơ lộ bí mật chốn công sở vì dùng AI

Nguy cơ lộ bí mật chốn công sở vì dùng AI
3 giờ trướcBài gốc
Chia sẻ trên nền tảng X (trước đây là Twitter) hồi cuối tháng 9, Alex Bilzerian, nhà nghiên cứu kiêm kỹ sư, kể rằng sau một cuộc họp Zoom với một số nhà đầu tư mạo hiểm, anh nhận được email tự động từ "trợ lý AI" Otter.ai, một dịch vụ ghi chép lại cuộc họp.
Email này chứa bản ghi cuộc họp, bao gồm cả phần diễn ra sau khi Bilzerian thoát khỏi Zoom. Trong phần này, các nhà đầu tư mạo hiểm đã thảo luận về những thất bại chiến lược và việc làm giả số liệu của công ty Bilzerian, The Washington Post đưa tin.
Khi Bilzerian thông báo về sự cố, các nhà đầu tư đã "xin lỗi rối rít". Tuy nhiên, kỹ sư này quyết định hủy thỏa thuận hợp tác.
Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần bộc lộ những hạn chế về quyền riêng tư. Các vụ việc rò rỉ thông tin liên quan đến AI đang ngày càng tăng, đặt ra nghi vấn về sự an toàn và bảo mật của dữ liệu trong môi trường làm việc.
Phần mềm Otter.ai gây nhiều tranh luận xoay quanh liệu thông tin có thực sự được bảo mật. Ảnh: Zapier.
Rủi ro tiềm ẩn
Phản hồi về sự cố của Bilzerian, phía công ty Otter.ai cho biết người dùng có toàn quyền kiểm soát việc chia sẻ bản ghi cuộc họp. Điều này đồng nghĩa là người dùng có thể tùy chỉnh cài đặt để không chia sẻ bản ghi với bất kỳ ai, hoặc chỉ chia sẻ với những người trong cùng một nhóm làm việc. Công ty phần mềm cũng cung cấp hướng dẫn để người dùng có thể tự điều chỉnh cài đặt này.
Thực tế, nhiều công ty đang tích cực tích hợp AI vào phần mềm làm việc. Gần đây nhất, Salesforce, nền tảng quản lý quan hệ khách hàng (CRM) dựa trên đám mây, ra mắt Agentforce. Sản phẩm này giúp tạo ra những "nhân viên ảo" sử dụng AI để hỗ trợ bán hàng và chăm sóc khách hàng.
Bên cạnh đó, Microsoft cũng đang nâng cấp AI Copilot để giúp người dùng làm việc hiệu quả hơn. Google cũng đang làm điều tương tự với Gemini. Ngay cả Slack, một ứng dụng chat phổ biến, cũng đã thêm AI để tóm tắt cuộc trò chuyện, tìm kiếm chủ đề và tạo bản tóm tắt hàng ngày.
Tuy nhiên, AI vẫn chưa tinh tế được như con người. Trong khi đó, nhiều người dùng không kiểm tra hay để ý đến các cài đặt quan trọng dù những công cụ này tự động truy cập nhiều thông tin công việc của họ.
Naomi Brockwell, nhà vận động và nghiên cứu về quyền riêng tư, cho hay công nghệ đang phát triển quá nhanh khiến chúng ta không kịp nhận ra những nguy hiểm tiềm ẩn. Bà giải thích rằng việc kết hợp ghi âm và chuyển đổi âm thanh thành văn bản bằng AI đang xâm phạm quyền riêng tư trong công việc. Điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như bị kiện cáo, trả thù hoặc rò rỉ bí mật.
Các nhà đầu tư mạo hiểm như trong câu chuyện của Bilzerian không phải là đối tượng duy nhất bị ảnh hưởng bởi các tính năng AI mới. Các nhân viên bình thường cũng có nguy cơ bị công cụ AI ghi lại và chia sẻ thông tin bất lợi.
Isaac Naor, nhà thiết kế phần mềm ở Los Angeles (Mỹ), kể lại rằng anh từng nhận được một bản ghi chép của Otter.ai sau một cuộc họp Zoom. Đáng chú ý, AI ghi chép đoạn nói chuyện của một người tham gia khác về Naor, dù người này đã tắt micro.
Ở một trường hợp khác, Rob Bezdjian, chủ một công ty tổ chức sự kiện nhỏ ở Salt Lake City (Mỹ), cho biết anh từng có một cuộc nói chuyện không mấy dễ chịu với các nhà đầu tư tiềm năng.
Họ muốn ghi âm lại cuộc họp bằng Otter.ai, nhưng anh không muốn những ý tưởng kinh doanh độc quyền của mình bị ghi lại. Vì vậy, anh đã từ chối chia sẻ một số thông tin về doanh nghiệp của mình. Cuối cùng, thương vụ đầu tư này không thành công.
Trách nhiệm bảo vệ thông tin không chỉ thuộc về người dùng. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Bên cạnh thông tin người dùng cung cấp trong quá trình đăng ký, dịch vụ của Otter.ai còn thu thập ảnh chụp màn hình tự động của các cuộc họp trực tuyến, văn bản, hình ảnh hoặc video mà người dùng tải lên.
Công ty phần mềm còn chia sẻ thông tin người dùng với bên thứ ba, bao gồm các dịch vụ AI hỗ trợ cho doanh nghiệp này, các đối tác quảng cáo và các cơ quan thực thi pháp luật khi cần thiết.
Tương tự, tính năng AI Companion của Zoom có thể gửi tóm tắt cuộc họp cho tất cả những người tham gia.
Họ sẽ nhận được thông báo và thấy một biểu tượng cho thấy cuộc họp đang được ghi âm hoặc Companion đang được sử dụng. Cài đặt mặc định của Zoom là gửi tóm tắt cho chủ cuộc họp.
Cả hai công ty đều nói rằng người dùng nên điều chỉnh cài đặt của mình để tránh rò rỉ thông tin không mong muốn. Otter cũng đặc biệt khuyến khích người dùng hỏi ý kiến những người tham gia trước khi sử dụng công cụ này.
Quan trọng hơn, nếu cài đặt chia sẻ tự động được bật cho tất cả người tham gia, mọi người sẽ nhận được mọi chi tiết từ cuộc họp được ghi âm, không chỉ phần mà người đó tham gia.
Hatim Rahman, Phó giáo sư tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ), người nghiên cứu tác động của AI đối với công việc, tin rằng trách nhiệm thuộc về cả công ty và người dùng để đảm bảo rằng các sản phẩm AI không gây ra tác hại.
Các công ty cần hiểu rằng người dùng có độ tuổi và trình độ sử dụng công nghệ khác nhau. Nhiều người có thể nghĩ rằng AI sẽ tự động biết khi nào người tham gia rời cuộc họp và không gửi phần ghi âm sau đó cho họ.
Dù người dùng nên dành thời gian để làm quen với công nghệ, các công ty cũng nên xây dựng cài đặt tinh tế hơn. Ví dụ, nếu một số người tham dự rời khỏi cuộc họp giữa chừng, hệ thống có thể hỏi người chủ trì cuộc họp xem người đó có nên nhận toàn bộ bản ghi hay không.
Will Andre, chuyên gia tư vấn an ninh mạng, cho rằng các lãnh đạo triển khai công cụ AI toàn công ty thường không hiểu rõ về rủi ro kèm theo. Ông từng vô tình phát hiện một video về việc cắt giảm nhân sự do phần mềm ghi âm cuộc họp tự động lưu vào máy chủ công cộng của công ty.
Andre nói thêm rằng nhân viên thường khó có thể phản đối việc sử dụng AI trong công ty, dù họ là những người chịu nhiều rủi ro nhất.
Thiên Thanh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/nguy-co-lo-bi-mat-chon-cong-so-vi-dung-ai-post1502076.html