Thử nghiệm các công cụ AI đem đến sự thích thú cho nhiều người. Tuy nhiên, có những nguy cơ phía sau mà không phải ai cũng lường hết hậu quả. Mạng xã hội hiện nay tràn ngập các video “rác” cố tình được tạo theo hướng gây tranh cãi để câu view. Trong số đó, không tránh khỏi các video có nội dung gây hiểu nhầm, công kích cá nhân hoặc gây hại. Thậm chí, nhiều đối tượng xấu đã sử dụng những công cụ tạo video bằng AI để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Điển hình, một video giả mạo đã cắt ghép giọng nói và gương mặt của ca sĩ Khắc Việt bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích quảng bá cho các hình thức cờ bạc trái phép. Ngay khi video giả mạo này xuất hiện, nam ca sĩ phải lập tức lên tiếng để tránh những hiểu nhầm.
Ca sĩ Khắc Việt chia sẻ: “Thật - giả là một ranh giới rất mong manh. Nhất là đối với những người nhận thức chưa chọn lọc và chưa có sàng lọc thông tin chuẩn xác, họ rất dễ tin vào những sự việc như vậy".
Trước đây, các đối tượng lừa đảo chỉ gọi điện hoặc nhắn tin. Giờ đây, công nghệ lừa đảo tinh vi khiến chúng có thể tạo cả website giả, ứng dụng giả, thậm chí giả mạo danh tính người thân, người nổi tiếng. Việc các công cụ AI được chào bán với chi phí rẻ cũng tiếp tay để các video giả mạo lan truyền nhanh hơn, nhiều hơn.
Ông Cao Xuân Hoài Vương – Chủ tịch HĐQT AIVA Group cho biết: "Khoảng 70% mọi người không nhận ra đấy là video do AI tạo ra, từ đó dẫn đến nguy cơ bị lẫn lộn và không biết đâu là thật và giả. Những thông tin trên mạng Internet giờ đây trở nên không đáng tin nữa, dẫn những hệ lụy như lừa đảo, mất lòng tin khi sử dụng Internet".
Mới đây nhất, Công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo qua AI hoạt động tại Campuchia, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 158 tỷ đồng. Cơ quan chức năng khuyến nghị, để tránh bị lừa đảo, người dùng cần tỉnh táo và kiểm chứng kỹ các thông tin trên mạng. Đồng thời, những người sử dụng công cụ AI cần nâng cao nhận thức để ứng dụng công nghệ một cách có trách nhiệm trong công việc.
Trung tá Bùi Văn Tứ - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hà Nội cho biết: "Các cơ quan chức năng làm việc thì không liên hệ qua điện thoại hoặc trang mạng xã hội. Do vậy, khi nhận được gọi điện hoặc tin nhắn đáng ngờ, người dân cần nâng cao cảnh giác, liên hệ ngay với cơ quan chức năng gần nhất mà mình nắm rõ để được tư vấn và giúp đỡ".
Chỉ cần vài cú click chuột có thể tạo ra cả một con người ảo, nhưng hậu quả của lòng tin đặt sai chỗ thì hoàn toàn có thật. Do đó, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức, tinh thần cảnh giác để không rơi vào vòng xoáy cạm bẫy của những đối tượng lừa đảo.
Lệ Cẩm
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/nguy-co-lua-dao-tu-cac-cong-cu-ai-tao-video-gia-mao-349232.htm