Chợ Trạm Bóng cũ tại xã Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương) bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: TTXVN phát
Chợ Trạm Bóng là chợ phiên nổi tiếng khắp vùng phía Nam tỉnh Hải Dương. Các ki ốt của chợ được xây dựng từ những năm 1980, với diện tịch 2.625 m2. Các gian hàng buôn bán đều cũ nát và xuống cấp, tường, mái tôn, ngói đều cũ nát có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Trong chợ, hệ thống chiếu sáng đều do các tiểu thương tự lắp đặt, không đảm bảo. Chợ không có hệ thống phòng cháy, công trình vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định.
Mới đây nhất cơn bão số 3 đã làm chợ ngập sâu 30 - 50cm. Trước đó, sau mỗi trận mưa là chợ bị ngập, người dân không thể buôn bán.
Để đảm bảo an toàn cho các tiểu thương tại chợ, Ủy ban nhân dân xã Quang Minh đã quy hoạch xây dựng chợ Trạm Bóng mới cạch chợ cũ đã xuống cấp. Chợ mới nằm trong khu dân cư Trạm Bóng do Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư.
Đầu năm 2021, do nguồn ngân sách của xã còn hạn chế, Ủy ban nhân dân xã đã đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ Trạm Bóng mới trên diện tích 5.108 m2 là đất dự trữ phát triển dịch vụ thương mại của khu dân cư Trạm Bóng mới. Tổng số vốn đầu tư gần 11 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Chợ Trạm Bóng mới sau khi hoàn thành xây dựng sẽ bàn giao cho địa phương vận hành và sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Chuyển, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Gia Lộc cho biết, chợ Trạm Bóng mới đã được xây dựng và hoàn thành các hạng mục. Tuy nhiên, chợ còn thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành.
Các ki ốt chợ Trạm Bóng cũ tại xã Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương) bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: TTXVN phát
Trước thực trạng trên, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục trong phòng cháy chữa cháy để đưa vào sử dụng. Dự kiến đến quý I/2025, huyện sẽ bàn giao cho xã Quang Minh để đưa vào sử dụng.
Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh còn nhiều chợ dân sinh xuống. Hầu hết chợ xuống cấp đều có nguyên nhân lâu đời, chính quyền địa phương không có nguồn vốn đầu tư, trong khi thẩm quyền quản lý chợ chủ yếu các huyện và cấp xã trực tiếp quản lý. Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh và được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương thông qua tại Nghị quyết số 21 NQ-HDND ngày 8/12/2023.
Theo nghị quyết từ nguồn ngân sách tỉnh, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp chợ hạng 3 thuộc địa bàn nông thôn trong tỉnh. Các chợ được hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch của xã, với mức hỗ trợ xây mới là 1,5 tỷ đồng/chợ, và 1 tỷ đồng/1chợ với chợ cải tạo, nâng cấp. Thời gian hỗ trợ từ 1/01/2024 đến 31/12/2025.
Đến nay, tỉnh Hải Dương đã đồng ý cho 21 chợ cải tạo, nâng cấp và cm kết giải ngân vốn trong năm 2024; trong đó, huyện Kim Thành, Gia Lộc và Nam Sách có số lượng chợ cải tạo nâng cấp nhiều nhất mỗi huyện 5 chợ. Các chợ này sau khi hoàn thành chợ sẽ bàn giao cho địa phương quản lý vận hành.
Chợ Trạm Bóng mới tại xã Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương) chuẩn bị đưa vào sử dụng. Ảnh: TTXVN phát
Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, tỉnh có 186 chợ dân sinh; trong đó, khoảng 60 chợ đang bị xuống cấp ở các mức độ khác nhau. Sở cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát và có lập tờ trình gửi tỉnh trong thời gian sớm nhất để có phương án cải tạo, nâng cấp chợ xuống cấp ở địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát người dân đảm bảo an toàn kinh doanh và phòng cháy chữa cháy tại chợ.
Tiến Vĩnh (TTXVN)