Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump liên tục tung ra đòn thuế, các quan chức Mỹ lập luận rằng chi phí cao hơn do thuế quan gây ra là điều đáng chấp nhận để đổi lấy việc gia tăng số lượng việc làm trong ngành sản xuất về lâu dài.
“Tôi ít lo lắng về ngắn hạn hơn... Chúng ta muốn bảo vệ người lao động Mỹ, và nhiều thỏa thuận thương mại này chưa công bằng" - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói với các phóng viên gần đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về thuế đối ứng tại Nhà Trắng hôm 2-4. Ảnh: Tân Hoa Xã
Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức, một số công ty đã tuyên bố sẽ mở rộng sản xuất tại Mỹ, mặc dù một số kế hoạch trong số này đã được triển khai từ trước khi ông Donald Trump đắc cử và một số khác có thể mất nhiều năm mới thực hiện được.
Tuy nhiên, dù thuế quan có thể giúp tăng việc làm trong một số ngành, nó cũng có thể khiến việc làm trong các lĩnh vực khác bị mất đi do chi phí tăng cao.
Điều này đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, theo một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Ngoài ra, theo đài CNBC, việc đưa sản xuất về Mỹ cũng có thể làm tăng chi phí sản xuất vì chi phí lao động, xây dựng... cao hơn. Điều này có thể dẫn đến giá thành sản phẩm cuối cùng tăng lên đối với người tiêu dùng.
Ngay cả khi các công ty thực sự đưa sản xuất về Mỹ, số lượng việc làm được tạo ra có thể bị hạn chế vì ngành sản xuất ngày càng trở nên tự động hóa. Những nhà máy sản xuất ô tô hay thép trước đây từng tuyển dụng hàng chục ngàn công nhân thì nay chỉ còn vài ngàn người.
Việc xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ có thể trở nên đắt đỏ hơn nữa do thuế quan vì chi phí nhập khẩu vật liệu xây dựng, linh kiện và thiết bị cần thiết cho các nhà máy cũng sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, việc sản xuất một số sản phẩm khác, như giày dép hay áo thun, tại Mỹ với giá cả cạnh tranh là gần như không thể vì nước này không có đủ nguồn lao động hoặc chuỗi cung ứng để sản xuất chúng trên quy mô lớn.
Hoàng Phương