Ngày 26/4, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Đệ kiểm tra tình hình sâu đo gây hại trên cây keo tại xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình phòng chống sâu bệnh. Ảnh Tân Kỳ.
Trung tuần tháng 4/2024, tại địa phương này đã xuất hiện sâu ăn lá cây keo với hơn 31ha keo bị gây hại. Năm nay, sâu đo hại keo có xu hướng phát triển lan rộng sang diện tích khác liền kề.
Ngoài 250ha keo tại địa bàn cũ là xóm Nguyễn Trãi, sâu đã phát sinh gây hại trên diện tích khoảng 50 ha rừng liền kề tại xóm Đội Cung; nâng tổng số diện tích nhiễm sâu trên địa bàn xã lên 300ha.
Huyện Tân Kỳ đã tổ chức phun phòng trừ 60ha có mật độ sâu gây hại cao ở xóm Nguyễn Trãi, sau phun thuốc đã diệt sâu chết trên 90%.
Tình hình sâu gây hại vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Ảnh: Tân Kỳ.
Tuy nhiên, riêng 50ha tại xóm Đội Cung, đến nay sâu đã ở tuổi 5, vào nhộng. Dự báo trong thời gian tới, lứa sâu tiếp theo sẽ nở, tiếp tục gây hại trên diện tích này và có xu hướng lan rộng sang diện tích liền kề khác.
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ, cho biết trong thời điểm giao mùa, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao, tạo thuận lợi cho sâu đo sinh trưởng mạnh, nhất là tại những vùng có rừng keo thảm và thực bì rậm rạp như trên địa bàn.
Đơn vị này khuyến cáo, người dân nên sử dụng các loại thuốc sinh học chứa vi khuẩn Bacillus thuringiensis hoặc hoạt chất Abamectin, Emamectin benzoate. Đặc biệt, do đặc tính cây keo có tán cao, việc sử dụng drone hoặc máy phun bột sẽ giúp thuốc phủ đều tán lá, tăng hiệu quả diệt trừ.
Các chủ rừng cần chủ động vệ sinh rừng thường xuyên, phát quang bụi rậm, đặc biệt là loại bỏ lớp thực bì khô quanh gốc cây - nơi sâu có thể trú ẩn. Đối với keo trên 3 năm tuổi, việc vệ sinh gốc là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa sâu bệnh.
Nếu không nhanh chóng phun thuốc thì nguy cơ bùng phát sâu bệnh lại rất cao. Ảnh: Tân Kỳ.
Huyện Tân Kỳ có khoảng 17.000ha keo nguyên liệu, trong đó xã Nghĩa Hành là 1.700ha. Cây keo trồng sau 4-5 năm sẽ cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân địa phương, trung bình mỗi hộ trồng từ 0,5 đến vài chục ha. Vì vậy, việc phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương.
Sâu đo là loài sâu bướm thuộc họ Geometridae, khi trưởng thành dài 2-4cm. Chúng thường tạo ra những vết cắn và lỗ đục nhỏ, gây hại cho cây trồng, hoa quả.
Nguyễn Anh Ngọc