Nguy cơ tiềm ẩn từ các hồ chứa thủy lợi xuống cấp, hư hỏng

Nguy cơ tiềm ẩn từ các hồ chứa thủy lợi xuống cấp, hư hỏng
5 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, trên địa bàn cả nước đã xây dựng được hàng nghìn hồ chứa thủy lợi tạo nguồn nước tưới cho hàng triệu héc-ta đất nông nghiệp cũng như cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp. Tuy nhiên, đã có hàng trăm hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng nặng, nếu xảy ra sự cố sẽ có nguy cơ đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.
Hồ Định Bình được xây dựng trên sông Kôn tại xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). (Nguồn: Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam)
Ngoài việc đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta, các hồ chứa thủy lợi hiện nay còn có nhiệm vụ phục vụ khai thác đa mục tiêu như: Cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…
Trưởng phòng An toàn đập và hồ chứa nước, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Đăng Hà cho biết: “Hiện nay, cả nước đã xây dựng được 6.723 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ mét khối. Trong đó có bốn hồ chứa quan trọng là: Cửa Đạt dung tích chứa 1,065 tỷ mét khối, Ngàn Trươi 775,7 triệu mét khối, Tả Trạch 420 triệu mét khối, Dầu Tiếng 1,580 tỷ mét khối.
Các hồ chứa thủy lợi tạo nguồn nước tưới cho khoảng 1,1 triệu héc-ta đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ mét khối nước cho sinh hoạt và công nghiệp. Tuy nhiên, qua thống kê, cả nước có 408 hồ chứa do địa phương quản lý bị hư hỏng nặng (riêng sau bão số 3 và mưa, lũ sau bão phát sinh thêm 68 hồ), trong đó 62 hồ lớn, 113 hồ vừa, 233 hồ nhỏ chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp. Các địa phương có nhiều hồ chứa hư hỏng nặng gồm: Hòa Bình 61 hồ, Hà Tĩnh 45 hồ, Nghệ An 36 hồ, Quảng Trị 25 hồ, Quảng Bình 21 hồ...”.
Hầu hết các hồ chứa được xây dựng trước năm 2003, khi thiết kế chưa đánh giá hết khả năng thoát lũ ở hạ du; nhiều hồ chứa chỉ giải phóng mặt bằng đến cao trình mực nước dâng bình thường, chưa giải phóng mặt bằng lòng hồ đến cao trình mực nước lớn nhất thiết kế. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn hồ chứa chưa tốt, vẫn xảy ra nhiều vụ vi phạm như xây nhà, trồng cây… làm giảm không gian chứa và khả năng thoát lũ của một số hồ chứa.
Ngoài ra, hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa lớn như: Núi Cốc, Vực Mấu, Ayun Hạ, Ia Ring, Dầu Tiếng... đã bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không bảo đảm khả năng thoát lũ theo thiết kế, gây úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ. Đối với hồ chứa thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý, hiện nay hạ du các hồ: Cửa Đạt, Ia Mơr, Cấm Sơn, Kim Sơn đã xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du; hồ Tả Trạch chưa được xây dựng bản đồ ngập lụt và chưa được đánh giá năng lực thoát lũ.
Còn hồ Dầu Tiếng, theo kết quả tính toán thủy lực và xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du với kịch bản xả 1.000 m3/s thì các công trình đê bao hiện trạng hai bên không còn bảo đảm khả năng chống lũ chính vụ; hồ Núi Cốc đã xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng số liệu về dân cư vùng hạ du trong bản đồ chỉ thể hiện đến năm 2016. Đáng chú ý, hồ Ngàn Trươi, Ia Mơr đã đến hạn kiểm định lần đầu nhưng chưa có kinh phí để thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Hoàng Đình Tráng cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi, qua thống kê có 176 hồ bị hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh những lợi ích từ các hồ mang lại như: Phục vụ tưới, tiêu, cắt giảm lũ, cung cấp nước sinh hoạt… thì các hồ chứa cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho chính công trình và vùng hạ du thông qua xả lũ. Các nguy cơ nêu trên có thể xuất phát từ mưa, lũ bất thường vượt tần suất thiết kế. Cùng với đó, hầu hết các hồ chứa trên địa bàn đến thời hạn kiểm định nhưng chưa được thực hiện vì thiếu kinh phí”.
Trước diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường của thời tiết, nhất là qua đợt mưa, lũ do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) vừa qua không những làm bộc lộ rõ nét hơn các bất cập trong công tác vận hành mà còn làm tăng thách thức đối với công tác quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng An toàn đập và hồ chứa nước Nguyễn Đăng Hà cho rằng, hiện tại mới có 17% số hồ được xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, việc quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, giám sát vận hành hồ chứa sẽ hỗ trợ công tác chỉ đạo, vận hành hồ theo quy trình vận hành và diễn biến thực tế, nhưng chỉ có 17% số hồ được lắp đặt thiết bị này.
Biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ mưa, lũ tăng, gây áp lực lớn lên các công trình và công tác chỉ đạo vận hành, điển hình như đợt mưa, lũ tháng 9/2024; hầu hết các đập, hồ chứa thủy lợi được xây dựng trước năm 2003, khi thiết kế chưa đánh giá hết khả năng thoát lũ ở hạ du.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp: “Hiện nay, hồ chứa thủy lợi ở nước ta nhiều nhưng có những hồ đã tồn tại 50 năm, cá biệt có hồ đến 100 năm nhưng vẫn sử dụng. Ngoài ra, có những hồ sau khi khảo sát cho thấy dung tích trữ đã tăng lên gấp rưỡi nhưng có hồ lại giảm còn một nửa.
Việc không xác định được dung tích thực của hồ chứa gây khó khăn trong việc quản lý vận hành các công trình. Vì vậy, thời gian tới việc vận hành cần phải bảo đảm đa mục tiêu, bởi các hồ chứa hiện nay không chỉ đơn thuần tích nước và xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Mặt khác, các hồ chứa tích nước bảo đảm cho sản xuất, đồng thời cũng phải vận hành an toàn, nhất là các hồ có chức năng cắt lũ”. Để bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, theo Cục Thủy lợi, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần kiểm tra hiện trạng công trình và việc thực hiện quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ chứa; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, mực nước hồ chứa để chủ động có phương án điều tiết nước; thường xuyên kiểm tra an toàn công trình kể cả khi không có mưa, lũ để phát hiện và xử lý ngay giờ đầu khi có sự cố xảy ra.
Cần nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, vận hành đập, hồ chứa nước, hệ thống giám sát vận hành, thông tin cảnh báo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa thủy lợi; tổ chức rà soát hiện trạng, nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa nâng cấp hệ thống quan trắc thủy văn chuyên dùng và hệ thống giám sát vận hành thông minh cho năm hồ chứa Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng, Ngàn Trươi và Ia Mơr.
Các đơn vị chức năng cần ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, thông minh, tăng cường chuyển đổi số phục vụ quản lý bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi; tiếp tục rà soát năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; rà soát phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập, trong đó lưu ý các kịch bản vận hành hồ chứa ứng phó với mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, cực đoan…
Theo nhandan.vn
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/nguy-co-tiem-an-tu-cac-ho-chua-thuy-loi-xuong-cap-hu-hong-5029504.html