Trẻ đồng nhiễm COVID-19 với một số bệnh truyền nhiễm
Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam ghi nhận rải rác 641 trường hợp mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành phố, không có tử vong. Hiện nay không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ các ca mắc trong 3 tuần gần đây.
Riêng tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), từ 16/5 - 23/5, Hà Nội ghi nhận 155 trường hợp mắc COVID-19, 0 ca tử vong. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 192 trường hợp, 0 tử vong. Theo CDC Hà Nội, số ca mắc có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Thời gian gần đây, số trẻ được đưa đến khám và nhập viện điều trị do mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhi Hà Nội có xu hướng gia tăng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, số trẻ nhỏ mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị cũng có xu hướng gia tăng. Đơn cử, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, từ cuối tháng 4/2025, bệnh viện bắt đầu ghi nhận những ca COVID-19 đến khám và điều trị.
Đặc biệt, số ca COVID-19 ở những tuần gần đây tăng nhanh hơn so với những tuần trước đó. Các ca COVID-19 đến khám tại bệnh viện chủ yếu là những tình trạng COVID-19 đơn thuần, chưa ghi nhận bệnh nhân nặng hay có biến chứng do COVID-19 gây ra.
Còn tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, từ đầu tháng 5/2025, trung bình mỗi ngày bệnh viện ghi nhận từ 3-5 ca trẻ mắc COVID-19, sau đó, số trẻ đến khám và điều trị COVID-19 có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, có ngày, bệnh viện ghi nhận 24 trường hợp bệnh nhi được xác định dương tính với COVID-19.
Theo TS.BS Đỗ Thúy Nga, số trẻ nhập viện điều trị COVID-19 đợt này chủ yếu là bị biến chứng viêm phổi ở mức độ trung bình, chưa ghi nhận các ca bệnh nặng đến mức phải thở máy hay lọc máu.
Dù vậy, theo nhận định chung của các chuyên gia, hiện nay, trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm khác (chân tay miệng, sốt xuất huyết, sởi…) đang có xu hướng gia tăng, bố mẹ cần cảnh giác với nguy cơ trẻ mắc cùng lúc nhiều bệnh truyền nhiễm, trong đó có COVID-19 hoặc tình trạng trẻ mắc COVID-19 có thể gặp biến chứng nặng do bị suy giảm miễn dịch vì mắc các bệnh truyền nhiễm khác trước đó.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc COVID-19.
Trên thực tế, tại Bệnh viện Nhi Hà Nội đã và đang điều trị cho một số trường hợp bệnh nhi bị đồng nhiễm COVID-19 với các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn trẻ mắc đồng thời tay chân miệng và COVID-19 hoặc rotavirus và COVID-19.
Theo BS Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội, tình trạng bệnh đồng nhiễm đang xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở trẻ nhỏ có sức đề kháng kém. Việc cùng lúc mắc nhiều bệnh gây nguy cơ gặp biến chứng ở trẻ cũng như đặt ra nhiều thách thức trong công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi.
Hay tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS.BS Lê Kiến Ngãi cho biết, vừa qua, các bác sĩ tại đây cũng ghi nhận một số trường hợp dương tính với COVID-19 và có tiền sử vừa mắc sởi trước đó không lâu.
Trong khi đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, bệnh sởi có đặc điểm tấn công vào hệ miễn dịch, làm suy giảm nghiêm trọng sức đề kháng của trẻ. Nó khiến các ca mắc COVID-19 có thể nguy hiểm hơn và dễ gặp biến chứng nặng hơn do hệ miễn dịch đã suy giảm rất nhiều do sởi trước đó.
Làm gì để bảo vệ trẻ trong mùa dịch?
Theo nhận định của Bộ Y tế, hiện nay, chuẩn bị vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu du lịch, đi lại tăng cao, tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh, nên không loại trừ khả năng gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 tại nước ta trong thời gian tới.
Vì vậy, người dân cần tuân thủ theo các khuyến cáo phòng bệnh COVID-19 của Bộ Y tế để giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên cho trẻ đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng trong mùa dịch.
Đặc biệt, với những trẻ có bệnh nền, trẻ vừa mắc sởi, chân tay miệng hay các bệnh truyền nhiễm khác cần được theo dõi sức khỏe sát sao hơn. Không đưa trẻ đến nơi tập trung đông người hoặc cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi. Bên cạnh đó, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin cần thiết để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Một điều quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh là đối với COVID-19 hay các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vaccine, người dân cần thực hiện tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, nhất là đối với trẻ nhỏ để giảm nguy cơ mắc bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng gia tăng hiện nay.
Trong trường hợp phát hiện trẻ nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con. Nếu trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ thì việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác trong bệnh viện.
Các chuyên gia nhận định, hầu hết trẻ mắc COVID-19 thể nhẹ có thể tự hồi phục sau 1 - 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Một số dấu hiệu trẻ mắc COVID-19 nặng, bố mẹ không được chủ quan như: Sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt; thở nhanh; khó thở, cánh mũi phập phồng; rút lõm lồng ngực; li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái môi đầu chi; SpO2 < 95%.
Đặc biệt, với những trẻ có bệnh nền như: đẻ non cân nặng thấp, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh thận mạn, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh huyết học, suy giảm miễn dịch, đang điều trị thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch… cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.
Nguyễn Mai