Trật tự thế giới gắn liền với vũ khí hạt nhân
Một trật tự thế giới đa cực hiện nay có thể gắn chặt với yếu tố vũ khí hạt nhân. Các cuộc chiến tranh trên thế giới đang ngày càng xoay quanh sự hiện diện của thứ vũ khí hủy diệt này. Một số cuộc xung đột vũ trang, như ở Ukraine, mang tính gián tiếp giữa các thế lực chính. Số khác, như ở Nam Á, lại mang tính trực diện hơn. Tại Trung Đông, Israel (được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân) đã tấn công phủ đầu Iran để ngăn chặn khả năng Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran lại được cường quốc hạt nhân số 1 thế giới là Nga hậu thuẫn. Trong lúc đó, những cuộc đụng độ ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương cũng có nguy cơ dẫn tới xung đột trực tiếp giữa các quốc gia hạt nhân.
Một vụ nổ bom hạt nhân. Ảnh: Pri.
Thời Chiến tranh Lạnh, thế giới từng vài lần đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân, như trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Khi ấy cả khối NATO và khối Warsaw đều mặc định rằng đối đầu quy mô lớn sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Nhận thức được mối nguy hiểm này, ban lãnh đạo chính trị ở cả Mỹ và Liên Xô cuối cùng đã nỗ lực tránh xảy ra kịch bản hủy diệt đáng sợ.
Trong hàng thập kỷ đối đầu Mỹ - Liên Xô, tất cả các cuộc xung đột vũ trang đã xảy ra cách xa châu Âu và bên ngoài khu vực lợi ích cốt lõi của hai siêu cường này.
Nhưng giờ đây, 35 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nguy cơ hủy diệt toàn cầu vẫn còn và nỗi sợ từng ngăn cản các lãnh đạo tiến đến giải pháp cực đoan dường như đã biến mất. Ngày nay, các tham vọng toàn cầu và lợi ích quốc gia đang nổi lên. Thế giới vẫn kết nối nhưng sự chia rẽ ngày càng tăng bên trong các xã hội thay vì chỉ giữa các quốc gia.
Siêu cường Mỹ đã không thành công trong xây dựng một trật tự quốc tế ổn định. Những gì chúng ta chứng kiến chỉ là một thế giới “bình thường” về mặt lịch sử - một thế giới của cạnh tranh giữa các cường quốc và xung đột khu vực. Vũ lực có xu hướng được sử dụng để khắc phục những trạng thái mất cân bằng.
Cơ chế ngăn chặn xung đột hạt nhân bị suy yếu?
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt tạm thời được che đậy bằng một bức màn. Chiến tranh diễn ra bằng vũ khí thông thường, còn vũ khí hạt nhân được đặt sang một bên. Ít người nghiêm túc tính đến phương án sử dụng vũ khí hạt nhân vì đánh giá về mặt logic chỉ ra rằng làm như vậy sẽ phá hủy cả hai phe đối địch nhau.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chiến tranh quy ước (chiến tranh bằng vũ khí thông thường) vẫn có thể phá hủy toàn bộ một nhà nước nào đó. Những nước bị đe dọa tồn vong từ vũ khí thông thường sẽ khó cưỡng lại ý định lựa chọn phương án hạt nhân.
Do vậy, việc gây ra thất bại chiến lược cho một cường quốc hạt nhân thông qua lực lượng ủy nhiệm là điều cực kỳ nguy hiểm vì nó có nguy cơ kích hoạt đòn trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Hiện nay không còn hiếm hiện tượng bắn phá vào nhà máy hạt nhân (như trong xung đột Nga - Ukraine) hay cơ sở làm giàu hạt nhân (như trong cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran vừa qua). Trước đây, những động thái như này thuộc vào nhóm cấm kỵ.
Vào năm 2023, Nga đã mở rộng học thuyết hạt nhân của mình để tính đến những hoàn cảnh mới, bao gồm mối đe dọa đối với Belarus - một thành viên của Nhà nước Liên minh (giữa Nga và Belarus). Việc Nga dùng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik để phá hủy một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine vào cuối năm 2024 là một động thái nhắc nhở về mức độ nghiêm túc trong những thay đổi mới của Nga.
Hiện phương Tây tiếp tục muốn làm Nga kiệt quệ về quân sự và kinh tế, đồng thời gây bất ổn cho xã hội nước này. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục vũ trang cho Ukraine, gửi tới đây các cố vấn và “tình nguyện viên”.
Nga có lẽ sẽ không khoanh tay ngồi nhìn diễn biến này. Họ có thể sẽ sớm chuyển đổi răn đe hạt nhân từ thụ động sang chủ động phô diễn. Nga có thể triển khai một số biện pháp như đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, khôi phục hoạt động thử hạt nhân và thực hiện tấn công trả đũa hoặc đánh phủ đầu vào các mục tiêu ngoài Ukraine.
Trong khi đó, nỗ lực của Mỹ và Israel về xóa bỏ năng lực hạt nhân Iran dường như thất bại. Trong bối cảnh này, Iran có thể xúc tiến phát triển chương trình vũ khí hạt nhân để ngăn ngừa sự can thiệp của Mỹ. Có thể Iran sẽ lựa chọn con đường của Nhật Bản, đó là chuẩn bị trước tri thức và năng lực công nghệ về hạt nhân, để khi cần có thể chuyển sang chế tạo bom hạt nhân một cách nhanh chóng.
Thực tế, vũ khí hạt nhân không giúp quốc gia sở hữu nó miễn nhiễm trước chiến tranh quy ước. Răn đe hạt nhân của Nga không khiến các nước phương Tây chùn tay trong nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Hồi tháng 4/2025, Ấn Độ và Pakistan vướng vào đụng độ vũ trang chớp nhoáng. Hai nước này đều là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Profile, RT